Hủy
Chứng khoán

Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn: Đã đến lúc bứt phá?

Vũ Hoài Thứ Tư | 25/09/2019 17:56

Ảnh: TBCK

Mô hình kinh doanh của CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCS) có nhiều lợi thế và gần như độc quyền ở mảng khai thác ga hàng hóa...
 

Trong ngành Hàng không Việt Nam, bên cạnh hoạt động sản xuất, cho thuê và vận tải hàng không thì nhóm dịch vụ mặt đất như dịch vụ ăn uống, nhà ga hàng hóa,... cũng được xếp vào nhóm ngành kinh doanh đem lại lợi nhuận cao.

Một trong hai "ông lớn" kinh doanh trong lĩnh vực mặt đất ở khu vực TP HCM là CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCS). Trong bối cảnh "anh cả" là Công ty TNHH Dịch vụ hàng hóa Tân Sơn Nhất (TCS) đang có sự chững lại, thì "đứa em sinh sau đẻ muộn" SCS liệu đã đến lúc bứt phá hay chưa?

Lợi thế từ câu chuyện độc quyền

Trong lĩnh vực dịch vụ mặt đất, ở khu vực phía Bắc "miếng bánh" tại Sân bay Nội Bài đang được CTCP Nội bài Cargo (NCT), CTCP Logistic Hàng không (ALS) và CTCP Dịch vụ hàng hóa hàng không Việt Nam (ACSV) chia nhau.

Ở phía Nam, sự cạnh tranh có vẻ ít hơn khi chỉ có 2 doanh nghiệp là SCS và TCS. Trong đó, SCS có thị phần thấp hơn và thành lập sau TCS. Tuy nhiên, với sự hậu thuẫn của 2 cổ đông sáng lập có tiềm lực tài chính mạnh là CTCP Gemadept (GMD) và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), SCS cũng trở thành đối thủ đáng gờm của TCS.

Thị phần của SCS và TCS trong năm 2018
Thị phần của SCS và TCS năm 2018.

Theo nguồn tin của Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), TCS đã hoạt động hết công suất, hầu như chỉ nhận thêm đơn hàng từ các khách hàng cũ và SCS sẽ nhận được hợp đồng đối với các khách hàng mới có nhu cầu sử dụng dịch vụ tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Với sự khan hiếm về quỹ đất tại sân bay Tân Sơn Nhất khiến cho khả năng có thêm đối thủ cạnh tranh của SCS là không cao, KBSV đánh giá dư địa để phát triển và gia tăng thị phần của SCS vẫn còn rất lớn.

Bàn thêm về lợi thế độc quyền của SCS, anh Ma Kha, Chuyên viên tư vấn của Công ty chứng khoán VnDirect cho biết thêm hiện tại TCS - Công ty con của Vietnam Airlines đã hết quỹ đất để mở rộng nhà ga. Trong khi đó, Công ty Sửa chữa máy bay A41 thuộc Bộ Quốc Phòng và Không quân Việt Nam cấp quyền sử dụng 14,3 hecta đất cho SCS theo hợp đồng thuê đất 50 năm (từ năm 2008-2057). Đổi lại, A41 nắm giữ 7,19 triệu cổ phiếu ưu đãi tại SCS và nhận cổ tức ưu đãi hàng năm từ năm 2014-2057 không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của SCS. Theo đó, ông Kha cũng đánh giá cao khả năng mở rộng thị phần của SCS trong thời gian tới. 

Động lực tăng trưởng tích cực trong tương lai

Theo thông tin mà KBSV cung cấp, SCS dự kiến thực hiện đầu tư giai đoạn 2 ga hàng hóa nâng công suất từ 200.000 tấn/năm lên 350.000 tấn/năm. Chi phí đầu tư dự kiến đạt 230 tỷ đồng sử dụng nguồn vốn có được từ hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc mở rộng ga hàng hóa đảm bảo đáp ứng các nhu cầu phát sinh tăng thêm, qua đó duy trì tăng trưởng trong dài hạn của SCS.

Ngoài ra, KBSV thông tin thêm, trong năm 2020, SCS có kế hoạch đầu tư xây dựng khu nhà văn phòng số 2 để cho thuê trên khu vực đất sân bóng. Hiện tại, dự án đang trong quá trình xin giấy phép và chưa có thông tin chi tiết, tuy nhiên trong trường hợp dự án được triển khai và có quy mô tương tự với khu văn phòng số 1, SCS sẽ ghi nhận thêm lợi nhuận khoảng 30-40 tỷ đồng từ dự án này mỗi năm.

Đặc biệt, SCS đang trong quá trình đàm phán để tiến hành mua bán, sáp nhập (M&A) với một công ty hoạt động khai thác ga hàng hóa tại sân bay Quốc tế Nội Bài. Hiện tại chưa có thông tin cụ thể về công ty đang đàm phán với SCS. Tuy nhiên, KBSV đánh giá cao khả năng là ACSV do cả SCS và ACSV đều có mối liên hệ mật thiết với ACV. Cụ thể, ACV hiện nắm giữ 20% cổ phần ở ACSV và 15% cổ phần ở SCS.

Thương vụ M&A nếu thành công sẽ đem lại động lực tăng trưởng trong dài hạn mới cho SCS bởi tiềm năng cho mảng logistics tại khu vực phía Bắc là rất lớn với nhiều khu công nghiệp đang hoạt động, đặc biệt là Samsung và các công ty vệ tinh, KBSV đánh giá thêm.

Nguồn: SCS
Nguồn: SCS

Cho cả năm 2019, KBSV dự phóng doanh thu và lãi ròng của SCS lần lượt đạt 752,6 tỷ đồng và 469,4 tỷ đồng. Về phần dự phóng, Công ty chứng khoán TP HCM (HSC) cũng dự phóng lãi sau thuế của SCS trong năm 2019 ở mức 476 tỷ đồng, tương ứng với mức EPS  hơn 7.200 tỷ đồng.

Dựa trên dữ liệu đã phân tích, KBSV định giá cổ phiếu SCS tại mức 171.700 đồng/cổ phiếu.

Dịch vụ mặt đất, lợi nhuận trên không


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới