Hủy
Chứng khoán

MSB lên sàn có lên đời?

Tuệ An Thứ Năm | 09/01/2020 08:00

Ảnh: TL

Trước thềm niêm yết, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng hải Việt Nam (MSB) đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để kế hoạch được diễn ra suôn sẻ.
 

Trong quá khứ, cổ phiếu MSB từng nhiều lần được chào bán nhưng không thành công. Từ năm 2015 đến nay, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã nhiều lần tổ chức bán đấu giá cổ phần MSB nhưng đều không thành công. Bản thân VNPT đang sở hữu hơn 71,5 triệu cổ phần, tương đương 6,09% vốn tại ngân hàng này. Từ năm 2015 đến hết năm 2018, VNPT đã 3 lần công bố bán đấu giá nhưng đều không có nhà đầu tư tham gia. Tương tự, trong tháng 3.2018, buổi bán đấu giá hơn 2,4 triệu cổ phần MSB của SCIC với giá khởi điểm 12.400 đồng/cổ phần cũng đã bị hủy do không có nhà đầu tư nào đăng ký tham gia đấu giá.

Nguyên nhân chính dẫn đến sự thờ ơ cổ phiếu MSB đến từ việc cổ phiếu này chưa được lên sàn chứng khoán nên thanh khoản thấp, đồng thời cổ phiếu của nhiều ngân hàng khác trên sàn khi đó cũng không có được diễn biến khả quan. Trước quyết tâm IPO của Ban lãnh đạo MSB cũng như diễn biến tích cực của nhóm cổ phiếu ngân hàng nói chung và tình hình kinh doanh MSB nói riêng thời gian gần đây, cổ phiếu MSB được hứa hẹn sẽ trở nên hấp dẫn, thu hút nhiều nhà đầu tư hơn.

“Đến thời điểm này, có thể nói ngân hàng đã qua giai đoạn chuyển đổi, tập trung phát triển khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, khách hàng cá nhân; đồng thời, tập trung xử lý nợ xấu, đầu tư mạnh vào nền tảng công nghệ, sử dụng dữ liệu lớn, nâng cao năng lực quản trị rủi ro, tập trung xây dựng chất lượng dịch vụ. Từ năm 2018, chiến lược của chúng tôi đã bắt đầu hiệu quả phát huy tốt, bước sang giai đoạn thăng hoa mà minh chứng lớn nhất có lẽ được thể hiện trên kết quả kinh doanh đã được công bố. Do vậy, chúng tôi quyết định sẽ niêm yết luôn trong năm nay”, ông Huỳnh Bửu Quang, Tổng Giám đốc MSB, cho hay.

Để thực hiện kế hoạch IPO, MSB đã mua lại cổ phiếu quỹ ngoài thị trường với gần 70 triệu cổ phiếu với giá 11.000 đồng/cổ phiếu. MSB cũng đã thực hiện một loạt roadshow tại Thái Lan, Singapore với sự tham gia của nhiều định chế tài chính như JPMorgan hay IFC để giới thiệu cơ hội đầu tư vào ngân hàng này.

Vào tháng 6.2019, MSB đã được Ngân hàng Nhà nước trao quyết định áp dụng Thông tư 41/2019/TT-NHNN về quy định tỉ lệ an toàn vốn theo chuẩn mực quốc tế Basel II.

Với sự chuẩn bị nói trên, MSB dự kiến giá trị vốn hóa sẽ tăng sau niêm yết, đạt khoảng 1,1 tỉ USD sau khi bán lại toàn bộ cổ phiếu quỹ cho nhà đầu tư chọn lọc. Trước khi có thông tin niêm yết, cổ phiếu MSB được giao dịch với giá khoảng 7.000-9.000 đồng/cổ phiếu. Trong quý III/2019, MSB đã công bố tăng trưởng lợi nhuận vượt trội so với các đối thủ cùng ngành. Theo đó, lợi nhuận trước thuế của MSB đạt hơn 497 tỉ đồng, tăng hơn 23 lần so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi lợi nhuận sau thuế tăng gần 54 lần, đạt hơn 400 tỉ đồng.

Lợi nhuận tăng trưởng mạnh nhờ hầu hết các mảng kinh doanh đều có lãi. Thu nhập lãi thuần của MSB đạt gần 865 tỉ đồng, tăng 57,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 162 tỉ đồng, tăng 111% và lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư đạt 147 tỉ đồng, tăng 72,4%. Lãi thuần từ hoạt động khác tăng 377%, đạt 463 tỉ đồng.

Mặc dù tình hình kinh doanh đã khả quan hơn nhưng vẫn còn một số điều cần quan tâm về MSB. Trước hết, mặc dù tỉ lệ nợ xấu vẫn được duy trì ở mức an toàn và ổn định nhưng tỉ lệ nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) trong 9 tháng đầu năm 2019 đã tăng đột biến lên 370%, đạt gần 180 tỉ đồng. Nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) đạt gần 1.323 tỉ đồng, tăng 6,5%.

Không chỉ vậy, tốc độ tăng trưởng lãi thuần của MSB cũng rất đáng lưu ý. Trong khi dư nợ tín dụng chỉ tăng 18,6% trong 9 tháng đầu năm 2019, thu nhập lãi thuần của MSB lại tăng đến 27,8% trong khoảng thời gian trên. Sự chênh lệch này đồng nghĩa với việc MSB đã mở rộng biên lãi cho vay. Điều này hoàn toàn phù hợp khi MSB nằm trong top 3 thị trường về tỉ lệ tiền gửi không kỳ hạn trên tổng tiền gửi.

Tuy nhiên, đây cũng là dấu hiệu cho thấy trong tương lai MSB sẽ khó có thể đem lại những con số tăng trưởng vượt bậc nữa khi biên lãi cho vay đã cao và khó có thể mở rộng thêm. Do đó, MSB chỉ có thể tăng trưởng đơn thuần qua tăng trưởng tín dụng, các hoạt động dịch vụ, kinh doanh khác hoặc giảm chi phí hoạt động.

Theo ông Bùi Quang Hưng, chuyên viên phân tích Công ty Chứng khoán NH Securities, tỉ suất lợi nhuận của MSB có sự cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, MSB còn một đoạn đường dài để đi trên định hướng thiên về SME để đuổi kịp ACB, hay MBB; trích lập nốt cho khoản nợ xấu 2.432 tỉ đồng còn lại tại VAMC có lẽ cũng cần tới 3-4 năm. Trên thị trường OTC, MSB đang được giao dịch ở mức 10.100 đồng, khá sát với giá trị sổ sách sau khi trừ đi khoản nợ xấu. Đây là mức giá tương đối hợp lý của MSB tại thời điểm hiện tại.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới