Hủy
Chứng khoán

POW: Nhìn xa vẫn sáng

Thanh Sơn - Khánh Vy (*) Thứ Tư | 18/09/2019 08:00

Ảnh: Hoàng Hải

Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (POW) có nhiều động lực tăng trưởng dài hạn trong bối cảnh nguy cơ thiếu điện ở miền Nam.
 

V iệc sở hữu danh mục nhà máy lớn tập trung ở khu vực trọng điểm kinh tế phía Nam và nhà máy mới với công nghệ hiện đại sẽ là động lực tăng trưởng dài hạn cho Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (POW), trong bối cảnh nguy cơ thiếu điện ở miền Nam đang dần hiện hữu khi nhiều dự án lớn chậm tiến độ.

Hạn chế nguồn cung mới

Nhu cầu tiêu thụ điện tăng trưởng ổn định và hạn chế về nguồn cung mới là yếu tố hỗ trợ các nhà máy điện hiện hữu trong trung hạn. Trong suốt 2 thập niên qua, tăng trưởng sản lượng điện tiêu thụ của Việt Nam hầu như luôn ở mức 2 chữ số và luôn cao hơn tốc độ tăng GDP từ 1,5-2 lần. Điều này xuất phát từ việc Việt Nam đang trải qua quá trình công nghiệp hóa dẫn tới nhu cầu tiêu thụ điện cho lĩnh vực sản xuất công nghiệp ngày càng cao. Mức thu nhập bình quân của người dân tăng lên cũng thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ điện ở lĩnh vực quản lý và tiêu dùng tăng cao qua từng năm, đặc biệt là vào mùa khô.

 

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tổng công suất nguồn điện có khả năng đưa vào vận hành từ năm 2018-2022 hiện thấp hơn so với Quy hoạch điện 7 điều chỉnh khoảng 17.000MW. Nhiều dự án giai đoạn này bị chậm sang giai đoạn năm 2026-2030 và hầu hết là dự án nhiệt điện tại miền Nam. Vì vậy, dự kiến ngay cả khi đã huy động nguồn điện chạy dầu có chi phí cao thì miền Nam vẫn có khả năng xảy ra thiếu điện từ năm 2020 với mức thiếu hụt tăng nhanh trong những năm tiếp theo.
Khi hệ thống xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung, việc huy động tối đa từ các nhà máy điện hiện hữu sẽ là điều tất yếu. Khi đó, áp lực cạnh tranh giữa các nhà máy sẽ không còn nhiều mà điều quan trọng nhất là duy trì hoạt động vận hành ổn định để đáp ứng nhu cầu của hệ thống. Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho rằng đây chính là cơ hội để POW phát huy thế mạnh về danh mục dự án và công nghệ.

Danh mục nhà máy thuận lợi

Danh mục 4 nhà máy nhiệt điện khí đặt tại khu vực trọng điểm kinh tế miền Nam là lợi thế lớn của POW. Tại miền Nam, tổng tiêu thụ điện chiếm tới 47,2% tổng mức tiêu thụ của cả nước, chỉ có chưa đến 40% tổng công suất nguồn điện của Việt Nam được đặt ở khu vực này. Lưu ý là nhiều dự án bị chậm tiến độ sang giai đoạn năm 2026-2030 và hầu hết là nhiệt điện tại miền Nam. Sự thiếu cân đối giữa cung và cầu khiến miền Nam đang phải phụ thuộc vào điện năng truyền tải từ miền Bắc và miền Trung vào thông qua đường dây 500kV Bắc - Nam.

Với cục diện cung - cầu như vậy, rõ ràng các nhà máy điện tại chỗ, đặc biệt là 4 nhà máy điện khí có công suất lớn nhất của POW (chiếm 64% tổng công suất) đều đặt tại miền Nam sẽ tiếp tục được huy động tối đa. Bên cạnh đó, dự án nhiệt điện Nhơn Trạch 3&4 có tổng công suất 1,5GW dự kiến đưa vào vận hành năm 2023-2024 hứa hẹn sẽ gia tăng vị thế của POW ở khu vực trọng điểm này.

Suất đầu tư thấp, nhà máy khấu hao gần hết và dòng tiền mạnh giúp POW gia tăng năng lực tài chính cho hoạt động đầu tư dự án mới. Cụ thể, Rồng Việt ước tính suất đầu tư bình quân các nhà máy điện khí và điện than của POW thấp hơn lần lượt khoảng 44% và 10% so với suất đầu tư hiện tại của các loại hình nhà máy điện trên. Có thể thấy các nhà máy mới đi vào vận hành trong tương lai rất khó có khả năng cạnh tranh được với các nhà máy của POW về định phí.

 

Bên cạnh đó, các nhà máy trong danh mục của POW cũng đang lần lượt bước vào giai đoạn hoàn thành trả nợ và khấu hao máy móc, qua đó giúp lợi nhuận Công ty tiếp tục được cải thiện. Các nhà máy nhiệt điện Cà Mau 1&2 đã lần lượt hết khấu hao trong năm 2018, Nhơn Trạch 1 dự kiến hết khấu hao từ nửa cuối năm 2019 và ước tính nhà máy Nhơn Trạch 2 cùng Vũng Áng 1 sẽ hết khấu hao từ năm 2025 trở đi. Kết quả kinh doanh của POW theo đó sẽ có sự cải thiện đáng kể trong giai đoạn này. Cộng với tỉ lệ giữ lại lợi nhuận ở mức cao, Rồng Việt ước tính nguồn vốn chủ sở hữu sẽ đủ để Công ty hoàn thành đầu tư dự án nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4 theo kế hoạch hiện nay mà không cần phát hành tăng vốn, dẫn tới rủi ro pha loãng lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS).

Do tỉ trọng điện khí và điện than chiếm tới 94% tổng công suất trong danh mục nhà máy của POW, việc đảm bảo nguồn cung nhiên liệu có ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty. Trong những năm tới, việc các mỏ khí suy giảm sản lượng nhanh hơn kế hoạch của Tổng Công ty Khí Việt Nam (GAS) hay những sự cố về nguồn cung than, cung khí cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của Công ty. Ngoài ra, cơ cấu nợ vay gồm hơn 3/4 dư nợ là ngoại tệ khiến Công ty chịu tác động đáng kể từ biến động tỉ giá.

Tóm lại trong ngắn hạn, dù còn một số rủi ro từ thay đổi chính sách, nhiên liệu đầu vào, việc các nhà máy lần lượt hết khấu hao, trả hết nợ sẽ giúp cải thiện lợi nhuận và dòng tiền của POW. Cụm dự án Nhơn Trạch 3&4 dự kiến sẽ là động lực tăng trưởng dài hạn của Công ty. Cổ phiếu POW được Rồng Việt định giá ở mức 17.900 đồng/cổ phiếu.

(*) Chuyên viên phân tích -  Rồng Việt


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới