Hủy
Công Nghệ

ABCD trong EdTech

Diễm Trang - Thanh Trực Chủ Nhật | 26/01/2020 08:00

Ảnh: Quý Hòa

Công nghệ mới nổi đang trở thành công cụ để đổi mới sáng tạo, mang lại cơ hội giáo dục cho mọi người mọi lúc, mọi nơi.
 

VioEdu là nền tảng EdTech ứng dụng cho học sinh từ tiểu học đến trung học phổ thông. Hệ thống các bài luyện tập và bài kiểm tra trực tuyến áp dụng các công nghệ mới nhất. VioEdu có thể đáp ứng được hơn 1 triệu người dùng cùng lúc, 10 triệu yêu cầu mỗi phút và 95% yêu cầu được trả về với tốc độ “nhanh hơn chớp”.

Học sinh thời 4.0

VioEdu là một trong những ví dụ tiêu biểu ứng dụng công nghệ để tạo ra những đột phá về chất lượng giáo dục tại Việt Nam theo xu hướng mới của thị trường lao động thời 4.0. Bởi vì, theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), khoảng 60% người lao động sẽ làm những việc chưa từng học qua, trong đó phần lớn liên quan đến công nghệ. Thực tiễn này dẫn đến một xu hướng tất yếu cũng chính là nhiệm vụ cấp thiết cho mọi quốc gia là ứng dụng công nghệ vào giáo dục.

Theo thống kê của WEF, lĩnh vực EdTech (ứng dụng công nghệ vào các sản phẩm giáo dục) là thị trường đang rất nóng trên toàn thế giới chỉ xếp sau Fintech (công nghệ tài chính) và eCommerce (thương mại điện tử). 

 

Tại các trường học, công nghệ đang trở thành một phần quan trọng không thể thiếu trong xây dựng nền tảng giáo dục hiện đại. Nhiều mô hình ứng dụng công nghệ trong giáo dục tiêu biểu đã xuất hiện tại Việt Nam như: khóa học trực tuyến đại chúng mở (MOOC) của Đại học FPT, Topica; Sách giáo khoa điện tử của Trường Quốc tế Nam Sài Gòn, chuỗi trung tâm Tiếng Anh công nghệ Apax English cho trẻ 6-18 tuổi, Tiếng Anh công nghệ cho trẻ Mầm non Touch English!, Chương trình học lập trình robot cho trẻ 3-12 tuổi...

Diễn đàn về Công nghệ mới nổi ảnh hưởng lên giáo dục cho thấy công nghệ ABCD (A.I - Blockchain - Cloud - Data) có thể thay đổi diện mạo giáo dục. Chẳng hạn, dữ liệu lớn (Big Data) có thể giúp phân tích hành vi học tập của học sinh để có hỗ trợ, tư vấn phù hợp; hay Blockchain giúp xây dựng hệ thống quản lý thông tin và hồ sơ giáo dục của học sinh. Bên cạnh đó là ứng dụng thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) trong giáo dục để tạo dựng các phòng thí nghiệm ảo, mô hình thực tế ảo có khả năng tương tác với người dùng. 

A.I trong trường phổ thông

Bà Đoàn Kiều My, sáng lập YellowBlocks, cố vấn chiến lược cho các công nghệ mới nổi, cho rằng giáo dục hiện đại phải đào tạo cho người học những kỹ năng phù hợp cho các công việc mới. Không chỉ học kiến thức nền tảng mà còn học các kỹ năng như tư duy phản biện, sáng tạo, giải quyết vấn đề và khả năng tự tìm tòi học hỏi ở mỗi người học. Theo đó, xu hướng giáo dục mới sẽ kết hợp STEM và STEAM, nghĩa là kết hợp giảng dạy các môn khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học và nghệ thuật. Học sinh sẽ học cách sử dụng và khai thác, lập trình A.I.

Đón đầu xu hướng giáo dục thông minh, Trường Trung học Phổ thông chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) còn là trường trung học đầu tiên đưa A.I vào giảng dạy nhằm đào tạo học sinh phát triển toàn diện về trí lực, công nghệ, năng khiếu, kỹ năng... Ông Ngô Quốc Hưng, Giám đốc sáng lập Trung tâm Tài năng AI (COTAI) đang giảng dạy môn A.I tại Trường, nhận xét: “Công nghệ đặc biệt quan trọng trong giáo dục. Mỗi tiết học của các em không chỉ là những con số lập trình khô khan, mà là vô vàn những khám phá từ công nghệ. Mọi thứ thật dễ dàng và thú vị”. 

Những nền tảng giảng dạy số hóa mang lại trải nghiệm riêng biệt cho từng học sinh. Việc đánh giá được thực hiện liên tục để cung cấp phản hồi mau chóng về hiệu quả học tập và phần mềm thông minh tự đưa ra các lời khuyên để học sinh và giáo viên lựa chọn các hoạt động học tập tiếp theo nhằm thúc đẩy hiệu quả học tập...

 

Ông Tú Nguyễn, Giám đốc điều hành VietAI Community, người có 10 năm làm việc trong mảng công nghệ mới nổi, cho biết nhiều phụ huynh đã sử dụng công nghệ A.I vào việc giáo dục con cái từ lâu rồi. Như việc tìm địa điểm học ngoại ngữ bằng Google, nhận lịch họp phụ huynh qua mạng xã hội, hay mua những sản phẩm cho con học qua internet...

Và nay các phần mềm có sự hỗ trợ của A.I dùng trong học tập có thể cá nhân hóa việc học theo nhu cầu từng học sinh, bằng cách tập trung vào một số kiến thức mà học sinh gặp nhiều khó khăn nhất, lặp lại điều mà học sinh chưa hiểu, hướng tới mục tiêu giúp các em học với lộ trình riêng. 

Việt Nam đang nỗ lực để trở thành một trong những nước tiên phong trong cuộc cách mạng cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Vì vậy, việc đầu tư vào lĩnh vực công nghệ giáo dục hay EdTech ngày càng được coi trọng.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới