Ai thích dịch vụ thanh toán di động Apple Pay?
Tại sự kiện công bố iPhone 6 và 6 Plus hôm 9/9 vừa qua của Apple, dường như chiếc iPhone mới đã làm lu mờ đi dịch vụ mà Apple muốn nói tới là Apple Pay.
Tim Cook đã chiếu một đoạn video, một người phụ nữ cần chiếc iPhone, đứng kế bên đầu đọc thẻ ở quầy tính tiền, đặt ngón cái vào nút Home trên điện thoại để quét vân tay. Sau đó, thiết bị báo là: transaction complete (giao dịch thành công).
Tính đơn giản là yếu tố mà Apple muốn mang lại cho việc thanh toán di động, thị trường mà Forrester Research ước tính năm nay có tổng giao dịch đạt 31 tỷ USD và 90 tỷ USD vào năm 2017.
Đến nay, Square, Google và Softcast cùng phát triển một ứng dụng ví điện tử, có thêm 3 nhà cung cấp dịch vụ không dây hậu thuẫn, còn đang phải rất vất vả chứng minh cho các nhà bán lẻ rằng họ có một hệ thống thanh toán tuyệt vời. Nhưng đây rõ là vấn đề "con gà - quả trứng" khi mà cả bên mua bán lẫn bên phát triển đều cần thuyết phục được người tiêu dùng rằng tải về một ứng dụng cho điện thoại thông minh thì dễ dàng hơn quét thẻ tín dụng.
Và Tim Cook nhận định là, "Ai cũng bắt đầu bằng việc tập trung vào một mô hình doanh nghiệp, có lợi cho bản thân họ hơn là tập trung vào trải nghiệm người dùng."
Apple không phải là công ty đầu tiên bước vào mảng dịch vụ mà ban đầu phải chi rất nhiều tiền này, nhưng Apple Pay từ khi chính thức triển khai từ hôm 20/10 vừa qua có được 2 lợi thế.
Đầu tiên là thiết kế. Một khi thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ được đăng ký qua ứng dụng PassBook kèm theo với iPhone 6 và iPhone 6 Plus thì người mua sắm không cần gõ vào mật khẩu và bật một ứng dụng nào để dùng dịch vụ thanh thoán. Với iPhone, muốn thanh toán, người dùng chỉ việc quét ngón tay vào Touch ID, và bộ truyền sóng không dây cự ly ngắn truyền tín hiệu đến đầu đọc thẻ ở quầy tính tiền. Tất cả quy trình thực chất gói gọn ở chuyện quét vân tay.
Lợi thế thứ 2 của Apple Pay là đối tác của hãng này, là các công ty phát hành thẻ tín dụng và ngân hàng. Tính đến nay, chỉ riêng tại Mỹ, có đến hơn 80% đơn vị tài chính ủng hộ Apple Pay bất chấp việc Apple cũng sẽ tính phí đối với nhà phát hành thẻ tín dụng.
Dễ hiểu khi ngân hàng và các công ty phát hành thẻ thanh toán sẵn sàng đồng ý với lời mời của Apple vì đây là cách rất hiệu quả đối với chi trả bằng di động. Việc hợp tác giữa Apple và các đối tác cũng sẽ khiến cho những người trong cuộc luôn phải chạy theo công nghệ nếu không muốn bị tụt hậu và nhất là họ có được dữ liệu người dùng rất giá trị. Còn đối với người dùng, các ngân hàng vẫn chưa đưa ra quy định có tính phí cho thanh toán di động hay không.
Thực tế mà nói, Apple đã gieo hạt giống Apple Pay từ cách nay tròn một năm, khi mà họ tung ra bộ đọc vân tay trên iPhone 5S. Trong khoảng thời gian đó, Visa và MasterCard đã cộng tác với nhau để đưa ra các chuẩn cho thanh toán di động sử dụng các token, là ID số để xác thực khi mua hàng mà không phải gửi thông tin tài khoản khách hàng đến bên bán. Rồi các công ty phát hành thẻ và ngân hàng bắt đầu nói chuyện với Apple, rồi họ cùng lên chung một chiếc thuyền.
Công nghệ NFC (near field communication) cự ly ngắn trên Apple Pay vận hành tương tự với chip nhúng trong giấy thông hành (passport) hay chứng minh thư ở một số quốc gia. Điều quan trọng ở đây là đầu đọc thẻ cần được nâng cấp để tương thích với một chuẩn mới ở Mỹ, cho phép phân biệt đâu là thẻ tín dụng, đâu là giấy thông hành hay chứng minh thư có gắn chip nhúng.
Hạn chót cho các cửa hàng tại Mỹ nâng cấp máy đọc thẻ là vào tháng 10/2015. Tại Mỹ có khoảng 220.000 của hàng cần nâng cấp trong tổng số hơn 10 triệu cửa hàng. Và chi phí nâng cấp từ khoảng 500 USD đến 1.000 USD cho mỗi quầy tính tiền.
Đến nay, chuỗi cửa hàng McDonald, Walgreens, Macy, Subway, Petco và Office Depot đã đồng ý theo Apple Pay. Rõ ràng khách hàng mua sắm, cầm điện thoại trong tay thì tại sao không tận dụng công nghệ NFC để thanh toán? Quá tiện!
Tuy vậy, không phải cửa hàng bán lẻ hay tổ chức tài chính nào cũng bị Apple Pay thuyết phục, nhất là những ngân hàng và công ty phát hành thẻ muốn thu thập dữ liệu người dùng. Apple Pay hoàn toàn bỏ qua ứng dụng của cửa hàng trong quá trình giao dịch. Ví dụ như 1 cửa hàng bán bánh nào đó có ứng dụng cho iOS, cho phép bạn gọi món qua điện thoại và có những chương trình khuyến mãi nếu dùng ứng dụng này, nhưng để thanh toán bằng Apple Pay, bạn vẫn phải đến quầy tính tiền và để có được ưu đãi giảm giá, bạn phải cung cấp số điện thoại. Rõ ràng đây là điều mà nhiều cửa hàng không mong muốn nếu muốn đưa ra một sáng kiến kinh doanh nào đó và chưa thể "ăn rơ" được với Apple Pay.
Chuỗi cửa hàng cà phê Starbucks tại Mỹ có đến 15% thanh toán qua ứng dụng di động của họ, cho biết cũng có kế hoạch triển khai thanh toán qua Apple Pay nhưng khách hàng vẫn sẽ có chọn lựa sử dụng ứng dụng Starbucks để trả tiền. Còn cửa hàng Wal-Mart cho rằng họ đang làm một hệ thống riêng do Merchant Customer Exchange phát triển.
Theo các chuyên gia thì ngoài ra, thế mạnh khác của Apple, mà có thể xem là lớn nhất, đó là khả năng bảo mật cho hệ thống token. Ngay khi chiếc iPad mới được Tim Cook công bố hôm 16/10 vừa qua, ông cho rằng thành công của Apple Pay là tính bảo mật và tính riêng tư hài hòa với tính dễ sử dụng.
Nguồn PC World VN
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư