Hủy
Công Nghệ

Apple: Cửa sinh - cửa tử tại Trung Quốc

Ngô Ngọc Châu Thứ Năm | 05/03/2020 11:11

Ảnh: theguardian.com

Trung Quốc là thị trường quan trọng thứ 2 của Apple nhưng cũng đang trở thành tử địa của hãng này.
 

Không một công ty Mỹ nào kiếm nhiều tiền tại Trung Quốc như Apple. Nhà sản xuất iPhone đã đạt 44 tỉ USD doanh thu tại Trung Quốc (tính cả Macau, Hồng Kông và Đài Loan) trong năm tài chính 2019, chủ yếu nhờ bán iPhone. Con số này còn hơn cả doanh số bán toàn cầu của United Airlines và Nike. Nhưng đại dịch COVID-19 quét qua Trung Quốc đang gây tê liệt các cơ sở sản xuất và doanh số bán iPhone tại thị trường lớn thứ 2 của Apple.

Tại các cơ sở của Apple và các nhà sản xuất theo hợp đồng cho hãng này, nhiều lao động nhập cư vẫn chưa quay trở lại làm việc do lệnh hạn chế của Chính phủ nhằm kiểm soát dịch COVID-19. Dòng người mua sắm nườm nợp trên đường phố nay cũng vắng bóng. Ngày 17.2, Apple đã khuyến cáo giới đầu tư rằng Công ty sẽ không đạt chỉ tiêu doanh thu trong quý. Từ sau thông tin trên, giá cổ phiếu Apple đã giảm 14,25%, còn 273,52 USD/cổ phiếu (ngày 27.2).

Trung Quốc đã trở thành động cơ tăng trưởng quan trọng của Apple trong suốt nửa thập niên vừa qua, khi doanh thu tại thị trường này tăng mạnh từ 2,8 tỉ USD vào năm 2010 lên đến 59 tỉ USD năm 2015. Dù doanh số bán có giảm trong những năm tiếp theo nhưng thị trường Trung Quốc vẫn chiếm tới 18% tổng doanh thu của Apple trong 10 năm qua, chỉ đứng thứ 2 sau Mỹ. Apple cho biết Công ty đang dần mở cửa lại các cửa hàng bán lẻ tại đây và tất cả các nhà máy sản xuất iPhone cũng đã mở cửa lại, dù chậm hơn dự kiến.

Cho dù cơn bùng phát COVID-19 có vẻ như chỉ là mối đe dọa tạm thời thì năm 2020 và những năm sau đó được dự báo sẽ không hề dễ dàng cho Apple, vì nhiều lý do.

Trước hết là chuỗi cung ứng. Apple phụ thuộc rất lớn vào hệ sinh thái sản xuất công nghệ cao của Trung Quốc. Chỉ Trung Quốc mới cung cấp được trình độ lao động và cơ sở hạ tầng cần thiết để sản xuất hàng trăm ngàn thiết bị mỗi ngày - số lượng mà Apple phải sản xuất trước thời điểm tung ra một chiếc iPhone mới. Foxconn (Đài Loan) đã là một động lực chính đằng sau nỗ lực xây dựng một đại bản doanh sản xuất mới gần Trịnh Châu ở tỉnh Hà Nam để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất iPhone. Không có nhà sản xuất theo hợp đồng nào khác ngoài Foxconn có thể đạt được quy mô như thế. Chính quyền địa phương cũng đã chi 1,5 tỉ USD để hỗ trợ xây dựng các nhà máy và khu nhà ở cho 400.000 công nhân và 10 tỉ USD để làm một sân bay mới.

Sự phụ thuộc này đã khiến hạ tầng sản xuất của Apple dễ bị tổn thương trước những xung đột công nghệ và kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc. Bộ Thương mại Mỹ (DOC), chẳng hạn, đang triển khai các quy định mới hạn chế xuất khẩu các thành phần kỹ thuật sang Trung Quốc. Những rào cản như vậy có thể làm què quặt hoạt động sản xuất của Apple tại đó. Vấn đề là Apple không còn nơi khác để dựa vào. Nỗ lực thành lập một hạ tầng sản xuất ở Brasil đã thất bại. Các cơ sở tại Ấn Độ dù cho thấy hiệu quả nhưng vẫn ở quy mô nhỏ. Apple có thể nói là bị buộc chặt vào Trung Quốc và trận dịch COVID-19 đã cho thấy mức độ mắc kẹt này lớn đến thế nào.

Đã vậy, lượng iPhone bán ra tại Trung Quốc đang trên đà giảm mạnh. Theo Canalys, mức giảm lên tới 21% trong năm 2019 còn 27,5 triệu chiếc, thậm chí sau khi đã giảm giá bán, một chiến thuật mà Apple hiếm khi nào dùng đến. Doanh số bán sụt giảm đã phủ bóng mây lên triển vọng tăng trưởng tương lai của Apple.

Quan trọng nhất là chiến lược mới của Apple về việc tăng trưởng doanh thu bằng cách tăng lượng đăng ký sử dụng các dịch vụ sẽ gặp khó khăn hơn rất nhiều so với việc bán iPhone cho thị trường này.

Lấy ví dụ, Công ty luôn phải thỏa hiệp với Chính phủ Trung Quốc như đồng ý lưu trữ dữ liệu đám mây của người sử dụng trên các máy chủ Trung Quốc. Dù Apple cam kết thiết bị mà Hãng bán tại Trung Quốc đều được mã hóa, được bảo vệ an ninh và tính riêng tư không khác gì ở các nơi khác trên thế giới, nhưng việc Chính phủ Trung Quốc muốn kiểm soát dữ liệu và thông tin có nghĩa là có những sản phẩm và dịch vụ Apple không thể cung cấp cho người dùng iPhone ở Trung Quốc. Việc không thể bán các dịch vụ đầy đủ tại Trung Quốc đang làm giảm doanh thu và khiến cho các thiết bị của Apple kém hấp dẫn. Trong khi đó, doanh số bán các dịch vụ như App Store hay Apple Music và các thiết bị mang trên người như AirPod và đồng hồ thông minh, vốn được thiết kế tích hợp với iPhone, thì lại phụ thuộc vào tình hình bán hàng của chiếc smartphone này, vốn đang suy giảm.

Báo cáo kinh doanh hằng quý của Apple (công bố ngày 28.1.2020, tức trước khi dịch COVID-19 bùng phát dữ dội) cho thấy doanh số bán toàn cầu của iPhone đã hồi phục sau kết quả ảm đạm của năm trước. Doanh thu đã tăng 9% đạt 91,8 tỉ USD. Doanh số bán phụ tùng và dịch vụ liên quan đến iPhone cũng tăng. Trước đó, Tim Cook, CEO Apple, tuyên bố Công ty đã chứng kiến tăng trưởng 2 con số trong doanh số bán iPhone, các dịch vụ và thiết bị mang trên người tại Trung Quốc. Nhưng thực tế cho thấy dù một số sản phẩm và dịch vụ có tăng nhanh, nhưng doanh số bán tại đây nhìn chung chỉ tăng 3% trong quý vừa qua, chậm hơn các thị trường khác ngoại trừ Nhật.

Vẫn còn một tia sáng hiếm hoi tại Trung Quốc. iPhone 5G, với tốc độ kết nối nhanh hơn nhiều, dự kiến sẽ ra mắt vào cuối năm 2020. Nhưng liệu iPhone 5G có tạo được cơn sốt bán hàng thì chưa rõ. Cho dù iPhone 5G có thành công thì cũng chỉ là sự cứu rỗi tạm thời. Khi các hệ sinh thái công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp tục đụng độ, sẽ càng khó cho Apple trong việc khai thác thị trường Trung Quốc và điều hành các chuỗi cung ứng tại đây một cách hiệu quả. Apple vẫn có cách bù đắp một phần doanh thu đã mất ở Trung Quốc, như bán các dịch vụ streaming cho người Mỹ đang là mảng kinh doanh tốt. Nhưng để tìm động cơ tăng trưởng mới mà mạnh mẽ như Trung Quốc là điều gần như không thể đối với Apple.

Nguồn The Economist


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới