Hủy
Công Nghệ

Bức tranh ngành công nghệ Việt Nam năm 2019

Trang Lê Thứ Năm | 26/12/2019 10:06

Nguồn ảnh: kr-asia

Năm 2019, các nhà đầu tư xem Việt Nam là thị trường tăng trưởng tiếp theo cho các khoản đầu tư công nghệ...
 

Tại SeaGames 30 vừa qua, đội tuyển bóng đá Nam của Việt Nam đã có một chiến thắng “ngọt ngào” trước đội tuyển Indonesia, và mang về Việt Nam chiếc huy chương vàng cho người hâm mộ sau 60 năm chờ đợi.

Không chỉ là đối thủ trên sân cỏ, Việt Nam và Indonesia còn là “đối thủ” của nhau trong bối cảnh nền kinh tế Internet Đông Nam Á đang phát triển rầm rộ. Theo báo cáo e-Conomy SEA năm 2019  do Google, Temasek và Bain & Company công bố, hai quốc gia này đã có mức tăng trưởng vượt trội so với các nước còn lại trong khu vực, với tỷ lệ lần lượt là 38% và 49%, vượt qua mức trung bình của khu vực 33%. Và năm 2019, các nhà đầu tư xem Việt Nam là thị trường tăng trưởng tiếp theo cho các khoản đầu tư công nghệ...

Không thiếu những thương vụ gọi vốn khủng

Hơn 3.000 startup công nghệ của Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn đầu nhưng lại nhận được nhiều ưu đãi lớn trong khu vực. Đầu năm 2019, MoMo nhận được khoản đầu tư 100 triệu USD từ Warburg Pincus. Sau đó, vào tháng 7, SoftBank Vision Fund và quỹ GIC của Singapore cũng đã cùng nhau rót 300 triệu USD vào nhà cung cấp giải pháp thanh toán, VNPAY.

SoftBank Ventures Asia cũng đã là một trong những nhà đầu tư chủ chốt trong vòng gọi vốn Series C trị giá 61 triệu USD của Sendo. Vào tháng 10,  Scommerce, một startup về giao nhận, logistics của Việt Nam, đã được Tập đoàn đầu tư Temasek của Singapore rót 100 triệu USD.

Nhìn chung, hiện các khoản đầu tư lớn đang nhắm vào các lĩnh vực đang phát triển nhanh, dựa trên cơ sở tiêu dùng và sức mạnh chi tiêu. Số tiền tài trợ tổng hợp của Việt Nam dự kiến ​​sẽ lên tới 800 triệu USD vào cuối năm 2019, theo dự đoán của 2 quỹ đầu tư Cento Ventures và ESP Capital. Nhưng con số này có thể đạt mức 1 tỷ USD, vì nhiều giao dịch trong nước chưa được tiết lộ hoặc không được tiết lộ.

Hưởng lợi từ thương chiến Mỹ - Trung

Samsung đã dừng sản xuất điện thoại thông minh tại Trung Quốc vào tháng 10 và chuyển hoạt động sang Việt Nam và Ấn Độ. Trước Samsung, nhiều công ty công nghệ khác cũng đã chọn Việt Nam là trung tâm sản xuất tiếp theo của họ để tránh ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung. Trong số này phải kể đến, Google (điện thoại thông minh Pixel) , Apple (AirPods) và  Nintendo (Switch). Facebook cũng cho biết họ sẽ sản xuất tai nghe Oculus VR tại Việt Nam.

Hiện, các nhà đầu tư rất tự tin Việt Nam sẽ trở thành một trung tâm sản xuất công nghệ cao. Tuy nhiên, những thách thức vẫn còn rất nhiều vì cơ sở hạ tầng và năng lực sản xuất của Việt Nam vẫn chưa ngang tầm với Trung Quốc.

Trong một cuộc phỏng vấn với KrASIA, ông Nick Nash, đồng sáng lập và đối tác quản lý của quỹ đầu tư Asia Partners, đã lưu ý rằng, về mặt kinh tế thuần túy, không ai thực sự giành chiến thắng trong cuộc chiến thương mại vì những bất ổn.  Hiện, khả năng Việt Nam có thể thoát khỏi những điều kiện bất lợi và nắm bắt những cơ hội từ cuộc chiến thương mại trong sản xuất công nghệ cao vẫn còn là điều chưa chắc chắn.

Ảnh: Shutterstock.
Ảnh: Shutterstock.

Cuộc chiến của các ứng dụng gọi xe

Việc Uber rời khỏi Đông Nam Á vào tháng 4/2018 đã tạo cho Grab cơ hội vượt lên trước các đối thủ cạnh tranh tại các thị trường trong khu vực, bao gồm cả tại Việt Nam. Vào tháng 8, Grab đã công bố khoản đầu tư 500 triệu USD và hiện đã có mặt tại 43 tỉnh, thành phố tại Việt Nam, với mạng lưới khoảng 190.000 tài xế ô tô và xe máy. Các đối thủ cạnh tranh khác, chẳng hạn như FastGo và Be, cung cấp thêm cho người tiêu dùng các lựa chọn thay thế, nhưng Grab dường như là lựa chọn chính. 

Tiến tới xã hội không tiền mặt

Các công ty fintech của Việt Nam đã nhận được một lượng vốn kỷ lục. Tổng cộng, lĩnh vực này dự kiến ​​sẽ trị giá 7,8 tỷ USD vào năm 2020. Theo báo cáo của UOB, PwC và Hiệp hội Fintech Singapore, các công ty fintech của Việt Nam đã thu hút các khoản đầu tư trị giá 410 triệu USD trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 9 chỉ xếp sau Singapore.

Dòng vốn đầu tư mạo hiểm vào fintech sôi động do những cơ hội to lớn ở thị trường Việt Nam. Hiện, khoảng 70% giao dịch trong nước dựa trên tiền mặt, nhưng người tiêu dùng và những người buôn bán nhỏ lẻ cũng dần nhận ra lợi ích của việc không dùng tiền mặt. Việt Nam đang xem Trung Quốc như một ví dụ về việc chuyển đổi từ nền kinh tế dựa trên tiền mặt sang một xã hội không tiền mặt trong thập kỷ qua.

Thời gian trước, chính phủ có mục tiêu giảm tỷ lệ giao dịch bằng tiền mặt xuống còn 10%. Trong khi mục tiêu này khó đạt được,khoảng 150 doanh nghiệp fintech đang hoạt động tại Việt Nam thi nhau “đốt tiền” để thay đổi thói quen thanh toán của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, giới hạn sở hữu nước ngoài 49% cho các công ty fintech dự kiến ​​sẽ được áp dụng vào năm tới có thể cản trở dòng vốn vào những công ty fintech nhỏ hơn, trong khi mang lại cho các công ty lớn, như MoMo, Moca và VNPAY vì lợi thế rõ ràng hơn trên thị trường do quy mô hiện có của họ.

Ảnh: kr-asia
Ảnh: kr-asia

Cuộc đua 5G

Việt Nam đã tiến hành thử nghiệm 5G vào năm 2019 và các nhà cung cấp viễn thông đang gấp rút hợp tác với các nhà cung cấp nước ngoài trong lĩnh vực này để đẩy nhanh quá trình này. Chính phủ hy vọng mạng 5G sẽ được đưa vào sử dụng, sớm nhất là vào năm 2021.

Các nhà cung cấp nước ngoài cũng đang thực hiện đấu thầu để cung cấp cho Việt Nam phần cứng 5G. Huawei đã và đang xây dựng mối quan hệ hợp tác với một trong những nhà mạng nhỏ hơn của Việt Nam. Qualcomm có trụ sở tại Mỹ cũng đã tham gia một loạt các cuộc họp  với chính phủ vào đầu tháng này. Công ty này, cũng có kế hoạch mở một phòng thí nghiệm IoT tại Hà Nội vào tháng tới.

Trung Quốc quyết tâm không dùng công nghệ của phương Tây trong chính phủ

Thanh toán bùng nổ, VnPay dẫn đầu về hút vốn đầu tư fintech tại Đông Nam Á

Nguồn KrAsia


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới