Hủy
Công Nghệ

ByteDance sẵn sàng lấn sân vào vương quốc game di động của Tencent

Triệu Vân Thứ Hai | 20/01/2020 11:02

Ảnh: China Money Network.

ByteDance đang chuẩn bị để đẩy mạnh vào thị trường béo bở nhất trên thiết bị di động, một lĩnh vực mà Tencent đã thống trị trong 1 thập kỷ qua: Game.
 

Startup giá trị nhất trên thế giới đã nhanh chóng xây dựng bộ phận gaming đầy đủ để chỉa mũi nhọn vào các tựa game thể loại hardcore hoặc không phổ thông, Bloomberg trích nguồn thạo tin cho hay. Trong vài tháng qua, ByteDance đã âm thầm mua các studio chuyên cho chơi game và quyền phân phối độc quyền. Họ ra sức tuyển dụng và săn tài năng hàng đầu của các công ty đối thủ, xây dựng một nhóm hơn 1.000 người. Hai tựa game đầu tiên từ ByteDance sẽ được ra mắt vào mùa Xuân năm nay, nhắm tới cả những người chơi game trong và ngoài nước.

Thường được so sánh với Facebook vì có hơn một tỷ người dùng và khả năng ảnh hưởng đến giới tuổi teen ở Mỹ thông qua nền tảng mạng xã hội TikTok, ByteDance đang tìm cách mở rộng tầm nhìn.

Công ty này khởi đầu như một trang tin tổng hợp tin tức phổ biến với ứng dụng Toutiao ở Trung Quốc trước khi khiến cả thế giới phải kinh ngạc với nền tảng chia sẻ video dạng ngắn trên TikTok và ứng dụng Douyin ở Trung Quốc. Bây giờ, họ đang tìm cách phát triển các dòng doanh thu định kỳ bằng cách dấn thân vào mảng trò chơi điện tử trong cuộc đua để giành quyền phân phối.

“ByteDance đã đạt đến cột mốc 400 triệu người dùng hoạt động hàng ngày thông qua Douyin và có thể tận dụng nó để thu hút những user chơi game và phân phối game”, Daniel Ahmad, nhà phân tích tại Niko Partners – công ty nghiên cứu lĩnh vực game ở châu Á, cho hay. “Việc thâu tóm các nhà phát triển game lâu đời và những công ty game có kinh nghiệm khác sẽ giúp ByteDance có điểm khởi đầu tốt”.

Mảng gaming ở Trung Quốc từ lâu đã là pháo đài của Tencent, và công ty này bỏ khá xa công ty đứng vị trí thứ 2 là Netease. Thế nhưng, ByteDance có thể là một công ty tạo ra bước đột phá,  vốn vẫn sống sót và phát triển tốt bên ngoài quỹ đạo của Alibaba Group Holding và Tencent – hai công ty chiếm phần lớn thị trường internet của Trung Quốc. Toutiao là một kênh quan trọng để các nhà xuất bản trò chơi Trung Quốc thu hút người dùng mới, với 63 trong số 100 người chi tiền nhiều nhất cho quảng cáo trong các trò chơi di động trong năm 2019 đặt phần lớn quảng cáo trong các ứng dụng tin tức, theo dữ liệu từ App Growing.

Trong vài năm qua, ByteDance đã sản xuất ra một vài tựa game phổ thông và cũng trở nên nổi tiếng nhờ sự hỗ trợ của nền tảng video TikTok. Tuy nhiên, những trò chơi này tạo tiền phần lớn từ quảng cáo. Việc lấn sân sang mảng gaming buộc ByteDance phải bỏ ra khoản đầu tư lớn hơn nhiều và đang dần trở thành một sự thay đổi quan trọng về mặt chiến lược của công ty, nhắm tới những game thủ sẵn sàng chi tiền cho những vũ khí, quần áo, và các đặc quyền khác trong game.

Việc này có thể giúp ByteDance đa đạng hóa nguồn doanh thu tại thời điểm nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại và TikTok bị Mỹ giám sát kỹ lưỡng. ByteDance cũng đang thử nghiệm một ứng dụng nghe nhạc có phí mới ở châu Âu.

Các nguồn thu nhập ổn định sẽ giúp ByteDance chuẩn bị tốt cho đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Mặc dù động thái lấn sân sang lĩnh vực gaming vẫn còn ở giai đoạn “thai nghén”, nhưng ByteDance đang bù đắp cho sự thiếu kinh nghiệm bằng cách đi săn những nhân viên tài năng và kỳ cựu từ các công ty đối thủ. Một trong những nhóm sáng tạo của bộ phận gaming của ByteDance dưới sự dẫn dắt của Wang Kuiwu – người từng là nhân viên của công ty Perfect World của Trung Quốc, một nhà phát triển game và tổ chức giải đấu thể thao điện tử (esport) lớn của Trung Quốc. Yan Shou – giám đốc chiến lược và đầu tư tại ByteDance – giám sát việc vận hành. Đơn vị này hoạt động độc lập với những đơn vị tạo game di động phổ thông khác.

ByteDance đang tích cực tuyển dụng các nhân viên xuất bản và marketing ở nước ngoài, theo một mô tả công việc mà Bloomberg News tìm thấy.

Ngoài ra, ByteDance còn mua lại các studio. Trong năm qua, ByteDance đã mua lại studio Mokun Digital Technology ở Thượng Hải và Levelup.ai ở Bắc Kinh.

Dòng game của ByteDance sẽ bao gồm các trò chơi trực tuyến có lượng người chơi khổng lồ với các yếu tố giả tưởng Trung Quốc, Bloomberg trích nguồn thạo tin cho hay.

Gaming: Pháo đài của Tencent. Ảnh: Dixplore
Gaming: Pháo đài của Tencent. Ảnh: Dixplore

Tuy nhiên, việc cạnh tranh với Tencent sẽ là thách thức vô cùng lớn. Tencent có 3 trong số các tựa game di động nhiều người chơi phổ biến nhất thế giới bao gồm PUBG Mobile, Call of Duty: Mobile và Honor of Kings. Đây là những trò chơi miễn phí khi tham gia nhưng phải bỏ tiền để mua đồ trong game, vốn chiếm một lượng lớn doanh thu di động. Nhìn rộng hơn, Tencent đã có hơn 1 tỷ người dùng trên khắp châu Á với ứng dụng WeChat – một ứng dụng có nhiều tính năng bao gồm thanh toán, nền tảng mạng xã hội, dịch vụ theo yêu cầu và giải trí.

Tencent và Netease cũng hưởng lợi từ mối quan hệ lâu năm với các nhà điều hành Trung Quốc. Tuy nhiên, trong năm 2018, các nhà điều hành đang bắt đầu kêu gọi chấm dứt nạn nghiện game và từ đó làm giới hạn lại số lượng cũng như chủng loại game được phép xuất bản ở Trung Quốc. Cũng vì thế, Tencent mất hàng trăm tỷ USD vốn hóa.

Dù vậy, ByteDance không thể gọi bản thân là ông lớn internet nếu không có mảng game. Trong năm 2019, 72% chi tiêu tiêu dùng trong mảng di động đến từ game, theo App Annie và thị trường này có tính cạnh tranh rất khốc liệt. Lợi thế trọng yếu của ByteDance là họ đã có một lượng lớn người dùng và phần lớn là giới tuổi teen. ByteDance có thể tận dụng Douyin/TikTok để hướng người dùng tới các trò chơi của họ. Cách tiếp cận này cũng tương tự với cách Tencent đã sử dụng từ một thập kỷ trước khi sử dụng mạng xã hội để lấn sân sang mảng gaming. ByteDance sẽ phải ra sức chứng minh rằng chiến lược đó vẫn còn hiệu quả.

► Tencent: Từ kẻ chuyên đi sao chép đến tham vọng toàn cầu

Nguồn Bloomberg


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới