Hủy
Công Nghệ

Các công ty công nghệ Trung Quốc ở Ấn Độ đối mặt với tương lai bất ổn

Mai Nam Thứ Ba | 11/08/2020 15:43

Một cửa hàng của Vivo vắng vẻ ở Ấn Độ. Nguồn ảnh: Twitter.

Dù chi hàng tỉ USD ở Ấn Độ, các thương hiệu thiết bị di dộng Trung Quốc vẫn rút lui để chờ đợi và theo dõi tình hình.
 

Rào cản khiến các công ty công nghệ Trung Quốc nản lòng

Theo Asia Times Financial, việc Vivo rút lui vào tuần trước với tư cách là nhà tài trợ chính thức của Giải Ngoại hạng Ấn Độ (IPL), một sự kiện thể thao lớn, là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy các thương hiệu điện thoại Trung Quốc không có "tâm trạng" để bơm thêm tiền trong bối cảnh bất ổn hiện tại, sau vụ đụng độ biên giới hồi tháng 6 đầy bế tắc giữa Trung Quốc và Ấn Độ.

Theo quan sát của các chuyên gia trong lĩnh vực công nghiệp, kế hoạch mở rộng của hầu hết các nhà cung cấp thiết bị di động Trung Quốc như Xiaomi, Oppo, Vivo, RealMe và OnePlus, vốn chiếm khoảng 80% toàn bộ thị trường điện thoại thông minh Ấn Độ, đã gần như bị dừng lại. Bởi lẽ, họ bị bao vây từ các biện pháp trừng phạt chính trị và các phản ứng xã hội sau căng thẳng địa chính trị dẫn đến hàng loạt làn sóng tẩy chay và cấm cửa các sản phẩm Trung Quốc.

Thông tin từ các Giám đốc điều hành của những công ty trong lĩnh vực công nghệ cho rằng các thương hiệu Trung Quốc đang vật lộn với việc khôi phục chuỗi cung ứng, cũng như phục hồi lại doanh số sau hơn 3 tháng bị đóng cửa ở Ấn Độ. Tuy nhiên, các khoản đầu tư và hoạt động sản xuất ở đất nước này đều sụt giảm so với dự kiến hoặc gặp rất nhiều trở ngại.

Ông George Paul - Giám đốc Điều hành của Hiệp hội các nhà sản xuất về công nghệ thông tin (MAIT), tổ chức tuyên bố đại diện cho 70% các nhà sản xuất thiết bị di động ở Ấn Độ, bao gồm Samsung, Apple, Xiaomi và Wistron cho biết: “Điện thoại thông minh hiện đã trở thành một loại hàng hóa phổ biến tại Ấn Độ. Điều đó có nghĩa là khả năng thành công của một công ty trên thị trường phụ thuộc nhiều vào các thông số khác ngoài công nghệ, như khả năng tiếp thị, sự nhanh nhạy của sản xuất với những thay đổi mới và xu thế thị hiếu của người tiêu dùng".

Công nghệ không đơn thuần là động cơ thành công trên thị trường. Những thương hiệu như Vivo đã vươn tới những nơi thuộc Ấn Độ vì họ đầu tư vào số lượng lớn thị trường và xây dựng kênh tiếp thị và phân phối. Nếu tâm trạng chung trong nước có nguy cơ ảnh hưởng đến doanh số của họ, thì việc đầu tư nhiều hơn vào Ấn Độ sẽ không có ý nghĩa.

Ông George Paul nói thêm: “Vì vậy, chắc chắn các công ty Trung Quốc đang xem xét và chờ đợi từ các động thái chính trị ở Ấn Độ”.

 

Các thương hiệu Trung Quốc thực sự bị bao vây bởi các quy tắc mới, các cuộc biểu tình và phản ứng dữ dội.

Điển hình, ngay sau cuộc giao tranh ở biên giới hồi giữa tháng 6, Ấn Độ đã cấm 59 ứng dụng di động của Trung Quốc, bao gồm SHAREit, TikTok, UC Browser và SHEIN, với lý do chúng là mối đe dọa an ninh. Vào tuần trước, lệnh cấm này được mở rộng ở Ấn Độ bao gồm một số ứng dụng di động khác của các công ty Trung Quốc như Xiaomi Corp và Baidu Inc.

Theo báo cáo, những động thái này không chỉ nhằm giải quyết các mối đe dọa an ninh mà còn để chống lại sự hiện diện thống trị của Trung Quốc trên thị trường dịch vụ internet của Ấn Độ.

Sau đó, Liên đoàn Thương nhân Toàn Ấn Độ (CAIT) đại diện cho 700 triệu thương nhân trên khắp đất nước cũng công bố danh sách tẩy chay hơn 500 sản phẩm Trung Quốc chiếm gần 13 tỉ USD nhập khẩu hàng năm.

Điện thoại Trung Quốc cũng đang bị tẩy chay ở Ấn Độ. Nguồn ảnh: India.com.
Điện thoại Trung Quốc cũng đang bị tẩy chay ở Ấn Độ. Nguồn ảnh: India.com.

Tuần trước, Liên đoàn Thương nhân Toàn Ấn Độ cho biết, họ sẽ khởi động một chiến dịch “Trung Quốc rời khỏi Ấn Độ” mới trên 600 thành phố của Ấn Độ như một bước leo thang của lời kêu gọi tẩy chay.

Vào tháng 6, các nhà hoạt động chính trị cũng đổ xô bên ngoài nhà máy thiết bị di động của Oppo ở bang Uttar Pradesh, Ấn Độ để phản đối sự xâm nhập của Trung Quốc. Điều này buộc Oppo phải giảm quy mô sản xuất xuống còn 30% công suất bình thường.

Gần đây, Ấn Độ cũng công bố các quy trình phê duyệt nghiêm ngặt đối với các công ty Trung Quốc muốn đầu tư vào nước này. Đồng thời, chính quyền New Delhi cũng thắt chặt các quy định đối với các công ty Trung Quốc muốn tham gia vào các cuộc đấu thầu của chính phủ Ấn Độ.

Các tác động khác

Việc cấm các ứng dụng Trung Quốc đã giáng một đòn mạnh vào doanh số bán thiết bị di động của Trung Quốc. Bởi vì, hầu hết họ bị buộc phải phân phối thiết bị di động với hệ điều hành Android, kết nối với máy chủ ở Mỹ mà không phải ở Trung Quốc. Nhiều ứng dụng bị cấm cài sẵn trên hầu hết các điện thoại thông minh Trung Quốc. Hậu quả của việc đặt những ứng dụng này ra ngoài vòng pháp luật là các nhà sản xuất thiết bị di động Trung Quốc không thể cài đặt các ứng dụng này trên các thiết bị mới dành cho Ấn Độ.

Một nhà sản xuất thiết bị di động cho biết: “Rõ ràng là tình cảm chống Trung Quốc đã phần nào làm sôi động bầu không khí đầu tư cho các thương hiệu Trung Quốc. Nếu điều này tiếp diễn trong một thời gian, tôi không nghĩ rằng các thương hiệu Trung Quốc khác sẽ tiếp tục đầu tư vào Ấn Độ”.

Những làn sóng phản ứng dữ dội không chỉ ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư của các nhà sản xuất thiết bị di động mà còn dẫn đến những hậu quả chiến lược khác.

Bất chấp sức hấp dẫn của chương trình Khuyến khích liên kết sản xuất (PLI), việc Oppo và Vivo tránh xa PLI cho thấy các thương hiệu Trung Quốc này không tin tưởng vào khuôn khổ chính sách của Ấn Độ.

Trước mắt, những hậu quả này chưa thể hiện rõ ràng. Nhưng về lâu dài, hậu quả có thể nhìn thấy là người tiêu dùng Ấn Độ sẽ phải lãnh đủ. Một khi các công ty công nghệ Trung Quốc rời bỏ Ấn Độ, giá thiết bị điện tử sẽ cao do rào cản từ thuế cũng như chi phí sản xuất tăng, tất cả những chi phí này sẽ nằm trong giá thành sản phẩm.

Kèm theo đó là tỉ lệ thất nghiệp sẽ tăng do sự di dời các nhà máy hoặc giảm năng suất sản xuất. Đó là những hậu quả mà bất cứ một chính trị gia nào cũng có thể tiên liệu được.

Có thể bạn quan tâm:

► Làn sóng tẩy chay hàng Trung Quốc nổi lên rầm rộ tại Ấn Độ


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới