Hủy
Công Nghệ

Cách học qua Audio hiệu quả cho người đi làm

Hoàng Kim Thứ Sáu | 29/04/2022 16:56

Hiện nay, cùng với “đọc”, “nghe” là mắt xích quan trọng giúp trau dồi tri thức hiệu quả.
 

Với đối tượng có quỹ thời gian eo hẹp nhưng nhu cầu phát triển bản thân lại lớn như người đi làm, các khóa học âm thanh trở thành lựa chọn tối ưu.

Nhịp sống bận rộn, sẽ lý tưởng biết bao nếu các hoạt động trong ngày được đồng bộ cùng nhau và vẫn đem lại hiệu quả tối ưu. Tỉ dụ như khi làm việc nhà hoặc trong giờ nghỉ trưa, chúng ta được tiếp thu thêm một lượng kiến thức mới. Sự ra đời của những ứng dụng âm thanh trên điện thoại thông minh đang từng bước đáp ứng nhu cầu đó. Đối với thế hệ hiện đại - lớp người luôn cảm thấy 24 giờ đồng hồ 1 ngày là không đủ, hành trình mở mang tri thức dần trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn nhờ các ứng dụng âm thanh/sách nói.

Giờ đây, người ta diễn giải khái niệm học tập như sau: Learning (học) = Listening (nghe) + Reading (đọc) + Doing (làm) + Communicating (giao tiếp) + Playing (chơi). Có thể thấy dưới hình thức tích hợp đó, “nghe” là mắt xích quan trọng giúp trau dồi tri thức hiệu quả. Sự ra đời của các ứng dụng âm thanh (mà mới nhất là Soundio - nền tảng tập trung vào việc học tập bằng thính giác) đã góp phần làm phong phú hơn kho nội dung dành riêng cho đôi tai.  Bởi vậy, ngày càng nhiều người đi làm tìm đến App âm thanh để học tập phát triển bản thân. 

 

Ưu điểm lớn nhất của các podcast/khóa học âm thanh trên những ứng dụng như Soundio là bạn được phép phân bổ thời gian học phù hợp với sinh hoạt cá nhân, kể cả khi phải dừng lại giữa chừng để đi làm việc khác thì nội dung vẫn còn đó và bạn hoàn toàn có thể tiếp tục vào lần sau, không hề bỏ lỡ phần kiến thức nào. Tuy nhiên nhiều người nghe vẫn chưa có phương pháp học tập đúng đắn, dẫn đến dù đã rất nghiêm túc và hết lòng với bài giảng nhưng lại không tiếp thu được bao nhiêu. Một số hiện tượng thường gặp:

1, Cho rằng nghe xong nghĩa là đã học xong. Những bài giảng bằng âm thanh có thời lượng không quá dài, kiến thức được truyền tải tương đối dễ hiểu, thường tổng kết lại toàn bộ nội dung ở cuối bài, khiến người nghe nghĩ mình đã nằm lòng vốn kiến thức sau khi nghe xong, từ đó sinh ra ảo tưởng về việc “học tập hiệu quả”. 

2, Không thể nhớ - không thể áp dụng. Tình trạng này xảy ra với những người nghe quá nhiều podcast/khóa học trong một thời gian ngắn. Quá trình nghe diễn ra suôn sẻ nhưng khi kết thúc lại không nhớ được những điểm kiến thức đã nêu, sau bài giảng cũng không thể vận dụng tốt kiến thức đó. 

 

Thực tế, người đi làm có quỹ thời gian khá eo hẹp, mong mỏi tích lũy và phát triển bản thân lại cao, vì vậy nếu học để rồi quên thì quả là lãng phí. Từ nghe đến áp dụng là cả một quá trình tác động tới tâm trí, trong đó hiểu và ghi nhớ giữ vai trò mấu chốt. Sau đây là phương pháp học tập gồm ba bước sẽ giúp kết quả của khóa học đạt được hiệu quả như ý muốn.

Bước 1: Ghi chú trong khi nghe

Trong khi nghe, thay vì ghi chép lại toàn bộ nội dung âm thanh, hãy chỉ gạch ra những điểm khiến bạn thấy thú vị và thật sự rung động. Từ khóa ở đây chính là “rung động”, nghe có vẻ trừu tượng nhưng hiểu một cách cơ bản, nó bao hàm những thuật ngữ chuyên môn truyền cảm hứng sâu sắc cho bạn, những câu nói vàng ngọc khiến bạn phải gật gù tâm đắc, cũng có thể là các bước thực hành cụ thể, các điểm sáng trong bài... Mục đích của việc này là nhanh chóng ghi lại phần tri thức mà bạn cho là quan trọng hoặc hữu ích đối với bản thân, để suy ngẫm kỹ càng hơn sau buổi học. Điều này cũng góp phần đưa bạn thoát ra vũng lầy của sự tù túng, khi cứ chú tâm quá nhiều tới những phần kiến thức chưa hiểu. 

Bước 2: Nghiền ngẫm sau khi nghe

Sau khi nghe, hãy dành ra 5-10 phút để hồi tưởng, suy ngẫm và tổng kết bài học. Trong quá trình hồi tưởng, điểm ra những phần kiến thức còn mù mờ chưa hiểu và nghe lại lần nữa, bổ sung những phần còn thiếu cùng ví dụ minh họa trực quan. Tiếp đó tham khảo thêm tài liệu để hiểu sâu hơn, nếu lại tìm thấy một điểm nào đó truyền cảm hứng, đừng quên nối dài nó vào ghi chú của mình. Cuối cùng, tổng kết thành các ý một, hai, ba để tiện theo dõi và nắm bắt. 

Bước 3: Vẽ sơ đồ tư duy

Hãy dành thêm 10 phút để vẽ sơ đồ tư duy, điều này có thể giúp chúng ta hệ thống lại kiến thức, thấy rõ mối liên hệ giữa các mục, hiểu bài học một cách bao quát hơn. Vẽ sơ đồ tư duy cũng giống như học lại một lần nữa ở cấp độ sâu hơn. Lưu ý, sơ đồ tư duy cần kết hợp giữa phần kiến thức khô khan trong bài giảng với phần kiến thức khiến chúng ta “rung động” đã được ghi chép lại. Sau đó tùy thuộc vào nhu cầu của bản thân, bạn có thể ôn tập và củng cố những gì đã học theo ngày, tuần, tháng. 

Khi mới bắt đầu sử dụng phương pháp này, bạn sẽ thấy hơi bỡ ngỡ, bởi việc thay đổi cách thức học tập cũng như tư duy thường rất khó khăn. Tuy nhiên thời gian trôi qua, bạn sẽ dần cảm nhận được hiệu quả trong học tập, nắm vững kiến thức đã tiếp thu. Âm thanh là một phạm trù thú vị, với khả năng khơi gợi hứng thú, tăng cường sự tập trung và bồi dưỡng óc liên tưởng. Bạn có thể tìm các nền tảng âm thanh để phục vụ việc học tập của mình như Soundio, Fonos, Voiz... Khai mở tri thức bằng âm thanh, tại sao không? 


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới