Hủy
Công Nghệ

Dân số trẻ: Lợi thế của Asean trong kỷ nguyên số

Thảo Nhi Thứ Ba | 03/09/2019 22:06

Ảnh: SCMP.

Trong khi toàn bộ thế giới đang bận tâm với tình trạng hỗn loạn hiện nay, Đông Nam Á đã suy tính và chuẩn bị cho tương lai.
 

Ngày 31/8/2019, Malaysia kỷ niệm Quốc Khánh lần thứ 62, dẫn đầu bởi Thủ tướng Mahathir Mohamad, một người đã 94 tuổi những vẫn thông thạo công nghệ. Vào ngày 9/8, trong ngày mừng Quốc Khánh lần thứ 54 của Singapore, Thủ tướng Lý Hiển Long chia sẻ cách đất nước chuẩn bị cho sự biến đổi khí hậu. Và để kỷ niệm ngày Quốc khánh lần thứ 74 của Indonesia, Tổng thống Joko Widodo của Indonesia về kế hoạch đầy tham vọng là dời thủ đô từ Jakarta đến Borneo.

Sau chuyến du lịch vòng quanh Đông Nam Á trong tháng 8, Andrew Sheng, chuyên gia của tờ South China Morning Post, nhận ra rằng, trong khi toàn bộ thế giới đang bận tâm với tình trạng hỗn loạn hiện nay, Đông Nam Á đã suy tính và chuẩn bị cho tương lai.

Lý do rất đơn giản. Đông Nam Á là khu vực với dân số 600 triệu người và GDP hơn 2,5 nghìn tỷ USD, các nền kinh tế ở đây đã tạo ra một trong những khu vực trẻ và tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Sự thành công của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) từ thập niên 1960 đã được xây dựng dựa trên thương mại, hòa bình và ổn định, và tập trung vào tăng trưởng kinh tế hơn là chính trị. Thành công trong tương lai của ASEAN phụ thuộc vào sự trung lập về chính trị.

Tại Hà Nội, trong một sự kiện do Young Scholar Initiative (Tổ chức Học giả trẻ Quốc tế) tổ chức, ông Andrew Sheng ấn tượng bởi cách Việt Nam lên kế hoạch cho nền kinh tế kỹ thuật số tới năm 2030 và 2045.

Việt Nam đã đưa ra bốn viễn cảnh cho tương lai kỹ thuật số, với tư cách là người mua hoặc người bán các dịch vụ và sản phẩm kỹ thuật số, nhằm duy trì đà tăng trưởng và tạo công ăn việc làm cho lượng dân số trẻ ngày càng tăng.

Đầu tiên, viễn cảnh “di sản”, tận dụng những bộ máy tăng trưởng truyền thống với mức chuyển đổi kỹ thuật số thấp, mức tăng trưởng tăng thêm chỉ ở mức tối thiểu. Trong viễn cảnh thứ hai, “nhà xuất khẩu kỹ thuật số”, các công ty nước ngoài thuê nhân công Việt Nam để xuất khẩu, điều này được dự báo cũng chỉ cho ra đôi chút lợi ích.

Trong viễn cảnh thứ ba, “người tiêu dùng kỹ thuật số”, thúc đẩy thị trường hàng tiêu dùng lớn của Việt Nam, nhưng những công việc hiện tại chịu rủi ro biến mất cao hơn 1/3 so với hai viễn cảnh trước. Viễn cảnh thứ tư, “sự chuyển đổi kỹ thuật số” giữa các ngành công nghiệp và dịch vụ chính phủ, dự kiến GDP hàng năm tăng thêm 1,1%, nhưng 38,1% công việc hiện tại sẽ có nguy cơ bị chuyển đổi hoặc gián đoạn.

Việt Nam nhận ra nền công nghiệp của mình có thể bị nuốt chửng nếu chỉ phụ thuộc vào doanh nghiệp nước ngoài và do đó cần phải có một sự chuyển đổi hoàn toàn đối với khu vực trong nước, nhằm tham gia với phần còn lại của thế giới về mặt kỹ thuật số. Viễn cảnh đó vẽ ra một lộ trình ưu tiên cơ sở hạ tầng, an ninh mạng, tăng khả năng và kỹ năng kỹ thuật số, hiện đại hóa chính phủ, một kế hoạch đổi mới quốc gia và nền công nghiệp 4.0, cải cách thuế và quy định quan trọng.

Một lý do ông Andrew Sheng  lạc quan về nền kinh tế kỹ thuật số của ASEAN là họ thật sự tân tiến hơn những gì mà các chỉ số thể hiện. Chỉ số Sáng tạo Toàn cầu gần đây nhất xếp Thụy Sĩ ở vị trí số 1, Mỹ số 3, Singapore số 8, trong khi Hồng Kông, Trung Quốc và Nhật Bản ở vị trí 13, 14 và 15, ở xa hơn là Malaysia (35), Việt Nam (42), Thái Lan (43) và Philippines (54).

Dan so tre: Loi the cua Asean trong ky nguyen so
GDP đầu người của Việt Nam qua các năm.

Những chỉ số này có thể là khá thiên lệch. Trong không gian kỹ thuật số, sự cải cách và khả năng nắm bắt thị trường rất quan trọng theo công thức “tốc độ x quy mô x phạm vi”. Trung Quốc có thể nhanh chóng cạnh tranh với Mỹ vì quy mô của thị trường trong nước (800 triệu người dùng internet), cơ sở hạ tầng có băng thông tốc độ cao và phạm vi các dịch vụ lai giữa nhiều phân khúc (Alibaba và WeChat).

Trong ASEAN, Indonesia, Việt Nam và Philippines có quy mô nhờ vào quy mô dân số của hai nước. Nhưng ông Andrew Sheng cho rằng sức mạnh thật sự của ASEAN đến từ dân số trẻ của mình, với sự thành thạo về kỹ thuật số và đang tiến vào nhóm có thu nhập trung bình và cao hơn.

Các quốc gia ASEAN có sức trẻ, sự đa dạng văn hóa và cơ hội tiếp cận với tri thức của thế giới, cũng như có vị trí địa lý chiến lược, họ sẽ trở thành tương lai của kỹ thuật số tiên tiến, ông Andrew Sheng nhận định.

Nguồn SCMP


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới