Hủy
Công Nghệ

Eduu.vn: Lên mạng tìm "thầy" kiểu Uber

Thứ Tư | 22/07/2015 08:30

 
 
Sau 3 tuần thử nghiệm đầu tiên, Eduu.vn đã có gần 1.000 tài khoản đăng ký, phần lớn là những người muốn dạy học. Mục tiêu tới cuối năm: 10.000 người dạy.

Giáo dục là một lĩnh vực khá hấp dẫn đối với các công ty khởi nghiệp công nghệ (start-up) tại Việt Nam. Là một quốc gia có hơn 90 triệu dân với cơ cấu dân số trẻ, Việt Nam hiện có khoảng 22 triệu người đi học tính đến cuối năm ngoái. Ngoài ra, người trong độ tuổi đi làm và cả các bà nội trợ cũng là những khách hàng tiềm năng cho mô hình kinh doanh giáo dục trực tuyến. Một số start-up hướng về giáo dục nổi bật có thể kể đến như Topica, Hocmai.vn hay Kyna.vn.

Nếu như Topica liên kết với các cơ sở giáo dục chính quy để cung cấp các khóa học trực tuyến có bằng cấp được chứng nhận, thì Hocmai.vn lại tập trung vào mảng đào tạo luyện thi. Còn Kyna.vn chọn mảng huấn luyện kỹ năng mềm để khai thác.

Start-up Eduu.vn vừa xuất hiện không đi theo bất kỳ mô hình kinh doanh giáo dục trực tuyến nào đã có mặt trước đó. Là sản phẩm ra đời giữa thời điểm nền kinh tế chia sẻ đang là xu thế, Eduu.vn là một nền tảng giúp kết nối người dạy và người học ở rất nhiều lĩnh vực khác nhau, từ kiến thức phổ thông cho đến kỹ năng nghệ thuật hoặc cả thể thao. Mọi người đều có thể đăng ký trở thành người dạy hay người học, tùy theo nhu cầu và khả năng.

Ý tưởng sản phẩm tưởng chừng là rất đơn giản, nhưng sự có mặt của Eduu.vn sẽ có thể giải quyết một vấn đề mà phần lớn người học đều gặp phải. Đó là tìm được một “thầy” có trình độ được kiểm chứng, với mức học phí phù hợp và phải ở gần nơi mình đang sống. Điều này sẽ rất khó thực hiện được nếu người học chỉ tìm kiếm qua quảng cáo trên báo chí, các trung tâm việc làm hay giới thiệu của người quen.

Với Eduu.vn, người dùng chỉ cần nhập lĩnh vực kiến thức muốn học và địa điểm thuận tiện nhất, hệ thống sẽ tự động đề xuất những người dạy phù hợp với tiêu chí tìm kiếm, kèm theo đầy đủ thông tin về học phí và thời gian biểu. Quan trọng hơn, Eduu.vn cho phép người học có thể chấm điểm người dạy và thông tin này sẽ được hiển thị trên trang hồ sơ của “thầy”, qua đó giúp những người học sau có thêm căn cứ để lựa chọn.

Về phía người dạy, Eduu.vn cũng mang đến cho họ nhiều cơ hội gia tăng thu nhập hơn so với việc tham gia vào các trung tâm việc làm, hay chờ được giới thiệu. Với hồ sơ nhận được phản hồi tích cực từ các học viên trước đó, một người dạy có uy tín sẽ dễ dàng nhận thêm nhiều yêu cầu mới. Và hiển nhiên là họ có thể tăng mức học phí cho dịch vụ của mình nếu cảm thấy tự tin.

Sau 3 tuần thử nghiệm và chưa đầu tư marketing, hiện hệ thống dữ liệu của Eduu.vn đã ghi nhận gần 1.000 tài khoản đăng ký và phần lớn trong số đó là những người có nhu cầu dạy học. Theo Trần Đăng Khôi, đồng sáng lập Eduu.vn, thì đây là một tín hiệu khá lạc quan. “Mục tiêu của chúng tôi từ đây đến cuối năm là sẽ thu hút được 10.000 người dạy, bao gồm 800 người nước ngoài. Ngoài ra, Công ty cũng đang tìm cơ hội giới thiệu sản phẩm sang Singapore bởi thị trường này rất cởi mở với các công ty khởi nghiệp công nghệ”, anh nói.

Eduu.vn: Len mang tim
Trần Đăng Khôi, đồng sáng lập Eduu.vn

Một mô hình tương tự Eduu.vn là Wyzant.com ở Mỹ. Nguồn thu chính của Wyzant.com đến từ khoản hoa hồng 20-40% mức học phí trên mỗi kết nối thành công qua hệ thống. Còn theo đại diện Eduu.vn, Công ty sẽ tập trung vào việc mở rộng lượng tài khoản người dùng và củng cố hệ thống vận hành. Eduu.vn cũng sẽ tích hợp chức năng thanh toán trực tuyến nhằm đơn giản hóa giao dịch giữa người học và người dạy.

Rất tâm huyết với dự án khởi nghiệp có ý tưởng khá táo bạo của mình, nhưng Trần Đăng Khôi vẫn nhận ra không ít khó khăn đang chờ đón phía trước. Theo anh, do hình thức vận hành của Eduu.vn còn mới mẻ nên người dùng sẽ phải mất thời gian để làm quen và tận dụng hết các chức năng, ví dụ như việc chấm điểm người dạy.

“Vẫn còn rất nhiều người dùng sản phẩm công nghệ chưa có thói quen phản hồi để góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ chung. Đơn cử như sử dụng GrabTaxi hay Uber xong lại không chấm điểm tài xế. Eduu.vn sẽ phải tìm ra nhiều biện pháp khác nhau để khuyến khích người học chấm điểm người dạy, qua đó kích thích họ tự nâng cao chất lượng dịch vụ mình cung cấp”, đại diện Công ty cho hay.

Bên cạnh đó, khâu xác thực thông tin của người dạy cũng chưa được Eduu.vn đưa vào vận hành trong thời gian đầu. Đối với mô hình Wyzant.com, người dạy muốn được chứng thực sẽ phải trải qua một số bài kiểm tra phù hợp với lĩnh vực kiến thức hoặc kỹ năng của họ. Tuy nhiên, Trần Đăng Khôi khẳng định Eduu.vn cũng sẽ triển khai chương trình xác thực thông tin người dạy trong thời gian sớm nhất.

Có thể nói, cơ hội để một ý tưởng khởi nghiệp công nghệ mới như Eduu.vn khả thi tại Việt Nam là hiện hữu, bởi mô hình này đã được chứng minh là thành công ở Mỹ với trường hợp của Wyzant.com. Nhưng ý tưởng mới chỉ là một mặt của vấn đề. Chính yếu tố con người mới có thể quyết định khả năng thành công của bất kỳ hoạt động kinh doanh nào. Riêng đối với start-up, tiềm năng của những nhà sáng lập sẽ định hình toàn bộ tương lai Công ty.

Trước khi bắt tay cùng một đồng sáng lập (vốn là người thiên về kỹ thuật) để khởi nghiệp với Eduu.vn, Trần Đăng Khôi từng có hơn 3 năm điều hành một doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu sản phẩm nội thất cho Wal-mart (Mỹ) với quy mô gần 500 công nhân; đồng thời là Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Bình Định. Ngoài ra, nhà khởi nghiệp này cũng có kinh nghiệm làm việc thực tế ở lĩnh vực tư vấn chiến lược và nghiên cứu thị trường, sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành Phân tích Tài chính ở Đại học New South Wales (Úc) trở về.

Hà Nguyễn


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới