Hủy
Công Nghệ

Israel trở thành “quốc gia khởi nghiệp” nhờ chế độ nghĩa vụ quân sự?

Thứ Sáu | 19/05/2017 13:16

Có tới 90% nhân sự công nghệ cao của Israel từng đi nghĩa vụ quân sự, so với tỷ lệ 60% của toàn dân số.
 

Năm nay 35 tuổi, doanh nhân người Israel Ofer Familier đang giữ cương vị giám đốc phát triển kinh doanh tại Vayyar Imaging, một công ty khởi nghiệp đang ăn nên làm ra trong lĩnh vực phát triển các bộ cảm ứng tầm soát bệnh ung thu vú.

Thoạt nhìn thì ai cũng nghĩ công việc này chẳng liên quan gì tới 3 năm đi nghĩa vụ quân sự (NVQS) của Familier trong đơn vị tình báo không quân của Israel. Tuy nhiên, đây lại là một trải nghiệm cực kỳ quan trọng trong hành trình khởi nghiệp của Ofer, tương tự như nhiều doanh nhân Israel khác.

Familier cho biết: “Các đơn vị tình báo kỹ thuật của quân đội Israel (IDF) là môi trường giống như Đại học Harvard vậy. Tại đây, bạn xây dựng các mạng lưới quan hệ, và sau này sẽ cùng làm ăn với những người đó. Là một lính nghĩa vụ 18 tuổi trong IDF, bạn đã được giao rất nhiều trách nhiệm đưa ra những quyết định sinh tử, và liên tục phải suy nghĩ những quyết định về chỉ huy cũng như quản trị”.

Cách đây 2 năm, ông Nadav Zafrir, vốn là lãnh đạo bộ phận tình báo điện tử của IDF, đã nghỉ việc để thành lập một công ty khởi nghiệp chuyên về theo dõi tội phạm mạng. Công ty này nhanh chóng huy động được 18 triệu USD vốn đầu tư mạo hiểm.

Từ chiến trường tới thương trường

Ở Israel có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn câu chuyện như của Familier và Zafrir. Chế độ NVQS đã được xem là mang lại rất nhiều lợi ích cho nền kinh tế của quốc gia 8,7 triệu dân này. IDF thường xuyên bố trí các lính nghĩa vụ có sẵn tài năng vào các đơn vị chủ chốt trong lĩnh vực kỹ thuật, tình báo cũng như chiến đấu. Tại đây, họ học được thêm các kỹ năng cực kỳ có lợi cho cuộc sống dân sự sau này.

Israel tro thanh “quoc gia khoi nghiep” nho che do nghia vu quan su?
Một khóa học về tác chiến điện tử tại IDF. Ảnh: timesofisrael.com

Lĩnh vực công nghệ cao của Israel, vốn chiếm phần lớn trong số 1.500 công ty đươc thành lập năm 2015 cũng như đóng góp tới 40% kim ngạch xuất khẩu cả nước, có nền tảng từ các binh sĩ như vậy. Mặc dù chỉ có 20% thanh niên Israel được chọn vào các binh chủng tinh nhuệ, nhưng có tới 60% số người làm trong các ngành công nghệ cao xuất thân từ những binh chủng này.

Giáo sư kinh tế Eran Yashiv tại Đại học Tel Aviv cho biết: “Chế độ NVQS chính là cách để xây dựng nguồn nhân lực. Khu vực kinh tế tư nhân được hưởng lợi từ chế độ huấn luyện của quân đội”.

Trong một nghiên cứu năm 2013, 2 học giả từ Đại học Texas ở Austin (Mỹ) đã nhận xét rằng: “Việc phục vụ trong IDF giúp các binh sĩ trau dồi kỹ năng mới (tích lũy vốn nhân lực), xây dựng mạng lưới quan hệ (tích lũy vốn xã hội) và làm quen với các chuẩn mực xã hội mới (tích lũy vốn văn hóa)”. Nói một cách khác, môi trường IDF mang lại cho các thanh niên Israel những kỹ năng, thói quen và mạng lưới quan hệ mà không trường đại học nào cung cấp được. Có tới 90% số người làm trong các ngành công nghệ cao của Israel đã từng đi NVQS, so với tỷ lệ 60% của toàn dân số.

Trong năm 2015, các công ty khởi nghiệp tại Israel đã huy động được 2,6 tỷ USD vốn đầu tư mạo hiểm, so với mức 1,9 tỷ USD tại Pháp, một quốc gia đông dân hơn gấp 8 lần.

Israel tro thanh “quoc gia khoi nghiep” nho che do nghia vu quan su?
Nhiều tập đoàn công nghệ lớn của thế giới đã đặt trung tâm nghiên cứu tại Israel. Ảnh: wordpress.com

Còn theo bảng xếp hạng năng lực sáng tạo mới nhất của Bloomberg, Israel đã được nằm trong top 5 về mặt đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, bên cạnh Phần Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc và Thụy Điển. Có một điều đáng chú ý là trong nhóm này thì 2 nước Phần Lan và Hàn Quốc cũng có chế độ NVQS, và Thụy Điển thì đang chuẩn bị áp dụng lại chế độ này từ ngày 1/7 năm nay.

Từng làm việc tại châu Âu cũng như làm chuyên viên tư vấn tại tập đoàn McKinsey, Familier so sánh sự khác biệt giữa Cựu Lục địa với Israel: “Ở châu Âu, mọi người tìm kiếm sự thăng tiến thông qua những con đường truyền thống, trong khi tại Israel thì mọi người lại thích sáng tạo và phá vỡ khuôn khổ. Trải nghiệm đi nghĩa vụ quân sự dạy cho chúng tôi là không được chấp nhận khuôn khổ, và điều đó mang lại rất nhiều sự sáng tạo”.

Liệu có học được kinh nghiệm Israel?

Trước đây vào thời Chiến tranh Lạnh, gần như nước châu Âu nào cũng có chế độ NVQS. Tuy nhiên, trong giai đoạn từ đầu những năm 1990 đến năm 2010, nhiều nước đã bãi bỏ chế độ này.

Giờ đây, chế độ NVQS lại đang có dấu hiệu hồi sinh trở lại. Lithuania và Thụy Điểm đã thông qua việc áp dụng lại chế độ nghĩa vụ, Na Uy thì mở rộng chế độ này để áp dụng luôn cho nữ giới. Tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã đề xuất việc khôi phục lại chế độ NVQS ở nền kinh tế lớn thứ 3 châu Âu này.

Nhà xã hội học Bernard Boene, người từng có nhiều năm giảng dạy tại học viện quân sự lừng danh Saint-Cyr của Pháp, cho biết rằng chế độ NVQS không chỉ giúp thanh niên thoát khỏi tình trạng thất nghiệp, “mà còn mang lại cơ hội giáo dục thông qua việc huấn luyện các kỹ năng có giá trị trên thị trường lao động”.

Israel tro thanh “quoc gia khoi nghiep” nho che do nghia vu quan su?
Hầu hết nhân sự trong các công ty khởi nghiệp và ngành công nghệ cao của Israel đều đã từng đi NVQS, tỷ lệ chưa đi nghĩa vụ (phần màu nâu) là rất nhỏ. Ảnh: utexas.edu

Tuy nhiên, ông Boene cũng cho biết rằng “lợi ích giáo dục chỉ phát huy giá trị khi thời gian đi NVQS đủ dài để học thêm các kỹ năng ngoài huấn luyện quân sự cơ bản”. Khó có quốc gia nào có thể áp dụng lại chế độ NVQS dài 3 năm cho nam giới và 2 năm cho nữ giới như Israel đang làm. Tại Pháp, ông Macron cũng chỉ mới đề xuất chế độ NVQS kéo dài… 1 tháng.

Giáo sư Yashiv nói: “Các quốc gia khác có thể học hỏi từ mô hình của Israel, nhưng thành công tới đâu thì phụ thuộc vào việc chọn lựa binh sĩ như thế nào. Việc đào tạo những người xuất thân ít giáo dục sẽ tốn kém rất nhiều thời gian và chi phí. Bạn sẽ cần phải đặt những người xuất sắc nhất vào những vị trí tốt nhất, và điều đó thực ra không giải quyết được vấn nạn thất nghiệp trong giới trẻ”.

Tại Na Uy, quân đội nước này thường lựa chọn top 12% những thanh niên có thể lực và trí tuệ tốt nhất để đi NVQS. Ông Henning A. Frantzen, cục phó cục nhân sự tại Bộ Quốc phòng Na Uy, cho biết: “Ngày nay quân đội có nhiều binh chủng chuyên môn hơn, bao gồm cả chiến tranh mạng. Đi NVQS không còn có nghĩa là chỉ biết đi xa và vác nặng”.

Tại Hàn Quốc, nước này đã cải tổ chế độ tuyển lựa binh sĩ NVQS vào các binh chủng được nhiều ưu đãi như hải quân và không quân, cũng như vào đơn vị bổ túc cho quân đội Mỹ (KATUSA). Trước đây, việc tuyển lựa chủ yếu dựa trên điểm số cấp 3 hoặc điểm thi đầu vào đại học, nhưng nay đã trở nên toàn diện hơn, đòi hỏi hiểu biết ngôn ngữ cũng như khả năng kỹ thuật chuyên môn.

Tuấn Minh

Nguồn Foreign Affairs


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới