Hủy
Công Nghệ

Khuôn khổ pháp lý cho các mô hình kinh doanh công nghệ: Làm sao cho đúng?

Thứ Tư | 13/09/2017 16:14

Bloomberg/Getty Images

Cần phải tìm cách tạo ra sân chơi bình đẳng và lấp các lỗ hổng thuế, vì việc chia tách các công ty công nghệ lớn sẽ không có nhiều tác dụng.
 

Bài viết thể hiện quan điểm từ nhà bình luận Leonid Bershidsky của Bloomberg

Nhiều người Mỹ và Châu Âu đang lo lắng về sự thống trị của các công ty công nghệ nghệ hàng đầu và ảnh hưởng chính trị của các công ty này. Thật không may, giải pháp được ưa chuộng hiện tại - vận dụng các luật chống độc quyền - lại chỉ giải quyết các triệu chứng của vấn đề này chứ không phải nguyên nhân gốc rễ của nó.

Khoảng 45% người Mỹ ở tuổi trưởng thành hiện đọc tin tức từ Facebook. Google chiếm 86% thị phần dịch vụ tìm kiếm ở Mỹ. Khoảng 43% doanh số bán lẻ trực tuyến tại Mỹ năm ngoái là thông qua Amazon.

Vì vậy không có gì ngạc nhiên khi Facebook báo cáo rằng trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ 2016, đã có hàng trăm tài khoản giả mạo, có thể là đến từ Nga, đã đặt mua và phát tán hàng loạt mẫu quảng cáo mang tính chính trị với tổng trị giá khoảng 100.000 USD. Cũng không có gì ngạc nhiên khi xuất hiện sự phản đối kịch liệt về cách mà Google đối xử với quyền tự do ngôn luận trong nội bộ công ty này và trong một tổ chức nghiên cứu được Google tài trợ. Việc Amazon thâu tóm lại Whole Foods cũng làm xuất hiện các cảnh báo về việc gã khổng lồ này ngày càng thống trị thị trường bán lẻ.

Làm thế nào để có thể ngăn chặn các tập đoàn công nghệ không trở thành những cỗ máy kiếm tiền vô hồn? Một số người đã đề nghị chia nhỏ các tập đoàn này, hoặc ngăn cản chúng thâu tóm thêm các công ty khác. Một giải pháp nữa là xem ác công ty này như một dạng dịch vụ công ích, tương tự như điện và nước.

Tất cả những cách trên đều không đủ sức thuyết phục. Vấn đề cơ bản với các hãng công nghệ hàng đầu là sức mạnh cốt lõi của họ thường khác xa những gì chúng ta nghĩ về họ. Amazon là một nhà bán lẻ lớn với mạng lưới phân phối mạnh mà các nhà bán lẻ khác cũng chọn sử dụng. Google và Facebook là các tập đoàn truyền thông bởi vì mô hình kinh doanh của họ dựa trên việc bán quảng cáo. Uber là một công ty taxi, còn Airbnb là một dịch vụ khách sạn.

Như Robert Haslehurst và Alan Lewis của L.E.K. Consulting đã viết trong tạp chí Harvard Business Review hồi năm ngoái, một thị trường chỉ được xem là mới nếu các giao dịch xảy ra trong thị trường đó không tồn tại từ trước đó. Theo định nghĩa này, dịch vụ viễn thông di động là một thị trường mới khi lần đầu tiên nó được cung cấp cho người tiêu dùng.

Nhưng Amazon, Uber, Airbnb, và thậm chí cả Google và Facebook thì không tạo ra các loại giao dịch mới hoàn toàn. Haslehurst và Lewis đã viết: "Chúng tôi tin rằng các doanh nghiệp này không định nghĩa lại các ngành công nghiệp mà họ tham gia, thay vào đó họ là 'bình mới rượu cũ'. Số điểm tương đồng giữa họ với các doanh nghiệp truyền thống nhiều hơn so với số điểm khác biệt, và do đó luật quản lý họ cũng cần được thiết kế cho phù hợp".

Các tập đoàn công nghệ đã thuyết phục được các nhà chức trách rằng họ là những công ty hoàn toàn mới - những nền tảng cho phép giao dịch mua bán hàng hoá và dịch vụ. Các cơ quan quản lý của châu Âu đã tin vào khái niệm này và đang cố gắng xác định những gì được phép và không được phép giao dịch thông qua các nền tảng trực tuyến.

Bằng cách thuyết phục nhà chức trách rằng mô hình kinh doanh của họ là hoàn toàn mới, các công ty công nghệ đang né tránh các quy định nghiêm ngặt mà những đối thủ truyền thống của họ phải tuân theo. Các chính sách đóng thuế mà Google và Amazon đang áp dụng cho phép họ trả ít thuế ở châu Âu bằng cách trả một khoản tiền cực lớn về quyền sở hữu trí tuệ cho những công ty nằm ở nơi khác.

Chắc chắn không nhà bán lẻ hoặc công ty truyền thống nào được phép chuyển hầu hết lợi nhuận cho một công ty vỏ bọc ở vùng Caribê, và các công ty công nghệ cũng không được phép làm như vậy. Nếu không, sân chơi kinh doanh sẽ không bình đẳng và các công ty truyền thống sẽ gặp khó vì không đủ nguồn lực đầu tư vào công nghệ mới để cạnh tranh hiệu quả hơn.

Đối xử với các "nền tảng" công nghệ theo đúng bản chất của chúng cũng sẽ giúp tao ra một sân chơi cân bằng theo những cách khác. Nếu nhà chức trách xem Facebook là một công ty truyền thông, hãng này sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với nội dung được chia sẻ trên hệ thống của mình, và buộc phải theo dõi tốt hơn các tài khoản vô danh đáng ngờ. Một công ty truyền thông bình thường phải luôn biết ai đã mua quảng cáo, thường là sau khi đã được kiểm tra bởi bộ phận pháp lý. Việc sử dụng một công nghệ quảng cáo khác không nên cho phép Facebook hoặc Google được miễn trừ khỏi trách nhiệm này.

Hoạt động cạnh tranh trong ngành vận tải cũng sẽ trở nên công bằng hơn nếu Uber phải tuân theo tất cả các quy định mà các đối thủ truyền thống phải tuân thủ. Việc yêu cầu Airbnb tuân thủ các quy định về khách sạn sẽ làm cho sân chơi trở nên bình đẳng hơn với các chuỗi khách sạn giá rẻ.

Bây giờ đã là khá muộn, nhưng không quá muộn để xem xét lại khuôn khổ pháp lý cho các công ty công nghệ. Một khi điều đó xảy ra, các đối thủ cạnh tranh của các công ty này có thể bắt kịp họ, và chúng ta sẽ không còn cần phải tranh cãi quá nhiều về việc kiểm soát các "nền tảng" như thế nào nữa.

Bá Ước

Nguồn Bloomberg


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới