Hủy
Công Nghệ

Lưu trữ dữ liệu thế hệ mới: Sân chơi của start-up

Thứ Năm | 17/09/2015 09:00

Hơn 6 tỉ USD đã được rót vào 96 công ty khởi nghiệp liên quan đến lưu trữ trong giai đoạn 2010 đến nửa đầu năm 2015.
 

Các nhân viên tại tập đoàn đầu tư vốn cổ phần tư nhân Carlyle Group từng phải chờ hàng phút cho đến hàng giờ để các hệ thống máy tính cho ra một số báo cáo tài chính. Nhưng giờ những việc như vậy thường chỉ hoàn tất tính bằng giây, nhờ phần cứng lưu trữ dữ liệu thế hệ mới từ một công ty khởi nghiệp (start-up) gọi là Tintri Inc. Phần cứng này được Carlyle Group cài đặt cách đây 1,5 năm. “Tôi không thể tin nổi sự khác biệt mà nó làm nên”, Alan Thompson, Phó Chủ tịch bộ phận dịch vụ công nghệ thông tin toàn cầu của Carlyle, phải thốt lên.

Những nhận xét như vậy đã trở nên thường thấy khi một trong những ngành ít hấp dẫn nhất của Thung lũng Silicon trở thành một trong những ngành nóng sốt nhất hiện nay. Công nghệ giúp doanh nghiệp lưu trữ dữ liệu đang đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động để làm cho doanh nghiệp nhanh nhạy hơn. Lợi ích mà nó mang lại khiến cho doanh nghiệp sẵn sàng mở hầu bao nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin.

Chính ở điểm này, các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực lưu trữ đang gây áp lực cho các gã khổng lồ về công nghệ như IBM, HP, Dell Inc., EMC Corp. và NetApp Inc. Một số người chơi mới trong ngành đang nhắm đến các đối tượng khách hàng cụ thể, những người muốn mua hoặc xây dựng những phần cứng lưu trữ dữ liệu thế hệ mới. “Đó là một cuộc chiến khốc liệt”, Jeremy Burton, Chủ tịch bộ phận sản phẩm và marketing của EMC, nhận xét về môi trường cạnh tranh trong lĩnh vực này.

Nhận thấy tiềm năng từ những công ty khởi nghiệp này, các nhà đầu tư mạo hiểm đã rót hơn 6 tỉ USD vào 96 công ty khởi nghiệp bán các dịch vụ, phần mềm và phần cứng liên quan đến lưu trữ trong giai đoạn 2010 đến nửa đầu năm 2015, theo CB Insights.

Một số công ty khởi nghiệp như Pure Storage Inc. đang tận dụng triệt để cuộc chuyển giao từ phần cứng lưu trữ dữ liệu trên ổ đĩa sang trên chip nhớ truy cập nhanh. Công ty khởi nghiệp ở Thung lung Silicon này gần đây đã nộp đơn lên sàn sau khi được định giá 3 tỉ USD vào năm ngoái.

Các công ty khác đang kết hợp điện toán và lưu trữ trong những thiết bị đa mục đích để tiết kiệm chi phí và cải thiện tốc độ xử lý, chẳng hạn như Nutanix Inc. và SimpliVity Corp. Cả hai cũng đã được định giá lên tới hàng tỉ USD.

Sự trỗi dậy của các công ty cung cấp hệ thống lưu trữ thế hệ mới cũng là điều dễ hiểu khi máy tính, thiết bị di động và các thiết bị khác đang tạo ra một khối lượng dữ liệu khổng lồ (và ngày càng nhiều); những dữ liệu này phải được lưu trữ trên các thiết bị phần cứng của doanh nghiệp hoặc trên các dịch vụ đám mây. Một nghiên cứu của IDC, do EMC tài trợ, năm ngoái ước tính lượng byte dữ liệu từ tất cả các nguồn sẽ tăng trưởng 40% mỗi năm trong thập niên tới. Và để xử lý các dữ liệu này, các doanh nghiệp sẽ phải bỏ ra hơn 40 tỉ USD chỉ riêng vào phần cứng lưu trữ, theo ước tính của hãng nghiên cứu International Data Corp.

Các công ty như Pure, Kaminario, Violin Memory Inc. và SolidFire Inc. đã tỏ ra hứng thú hơn với các hệ thống lưu trữ dữ liệu trên chip nhớ truy cập nhanh, thay vì trên ổ đĩa, vốn dễ gặp trục trặc kỹ thuật và tiêu tốn nhiều năng lượng hơn so với chip. Các dữ liệu được lưu trữ trên những con chip như vậy có thể được lấy ra nhanh hơn so với ổ đĩa tới khoảng 20 lần, theo ước tính của Andy Walls, một người có 34 năm làm việc tại IBM, hiện đang là Giám đốc Công nghệ và Kiến trúc sư trưởng các hệ thống dựa trên chip nhớ truy cập nhanh của tập đoàn này. Chip nhớ truy cập nhanh “đang làm thay đổi ngoạn mục bức tranh ngành lưu trữ dữ liệu”, ông nói.

Blackline Inc. rất tin vào điều đó. Công ty phần mềm kế toán này đã bắt đầu cài đặt thiết bị lưu trữ dựa trên chip nhớ truy cập nhanh của Kaminario vào tháng 11 vừa qua. Alain Avakian, Giám đốc Công nghệ của Blackline, cho rằng công nghệ này đã tăng tốc hoạt động website của Công ty lên từ 30-40%; dữ liệu bắt đầu chuyển đi trong chưa tới một phần ngàn của giây - nhanh hơn 60 lần so với phần cứng lưu trữ trước đó của Công ty. “Tốc độ này thật không thể tin nổi”, ông nói.

Các nhà sản xuất ổ đĩa, một công nghệ ra đời vào cuối thập niên 1950, đã có hàng thập niên để cắt giảm chi phí so với chip nhớ truy cập nhanh, vốn trở thành một phần không thể thiếu trong điện thoại thông minh suốt thập niên vừa qua. Trong khi đó, dù giá đã giảm nhưng công nghệ chip nhớ truy cập nhanh vẫn đắt đỏ hơn xét trên từng byte dữ liệu được lưu trữ.  Một ổ dữ liệu 1 terabyte dựa trên công nghệ mới hơn này, chẳng hạn, có giá bán lẻ khoảng 500 USD, so với 50 USD của một ổ cứng tương đương. 

Vì thế, một số công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực lưu trữ trong đó có Tegile Inc., Reduxio Systems Ltd. và Nimble Storage Inc. đã cung cấp một sản phẩm kết hợp giữa chip nhớ truy cập nhanh và ổ đĩa để đáp ứng cả về tốc độ xử lý nhanh hơn lẫn năng lực lưu trữ lớn.

Các công ty khởi nghiệp khác như Nutanix và SimpliVity đang áp dụng công nghệ của các dịch vụ đám mây lớn để kết hợp cả máy chủ lẫn hệ thống lưu trữ trong một phần cứng tích hợp, giúp khách hàng dễ sử dụng hơn và tốc độ xử lý cũng nhanh hơn là sử dụng những thiết bị riêng lẻ. Điều đó đã thu hút giới doanh nghiệp đến với công nghệ lưu trữ của các công ty khởi nghiệp.

Sức hút của công nghệ mới còn nằm ở một vấn đề khác: lao động. Nhiều công ty sử dụng hệ thống lưu trữ truyền thống phải thuê nhân viên để quản lý các hệ thống sao lưu, khôi phục (backup) dữ liệu và tối đa hóa hoạt động bằng cách truyền dữ liệu đến cho các thiết bị khác nhau. Nhưng giờ các thiết bị lưu trữ mới hơn hoàn toàn có thể loại bỏ hoặc tự động hóa những công việc phức tạp như vậy.

“Bạn không cần phải làm như thế nữa”, Joris Vuffray, đứng đầu bộ phận quản lý các hệ thống và mạng tại công ty xổ số Swisslos có trụ sở tại Thụy Sĩ, mô tả trải nghiệm của ông với thiết bị mới của Nutanix.

Các công ty khởi nghiệp đang tăng tốc về phía trước mặc dù vẫn có nhiều công ty lại chọn thuê các dịch vụ điện toán đám mây của các đại gia như IBM, Google và Amazon.com Inc. để hạn chế việc phải bỏ một số tiền lớn mua phần cứng lưu trữ riêng cho mình. Pure - công ty khởi nghiệp đã huy động được 470 triệu USD - đã chiêu dụ hàng chục nhân viên kinh doanh của EMC về làm cho mình nhằm nhắm đến các đối tượng khách hàng của tập đoàn công nghệ này. Trong khi đó, EMC cũng đã mua lại 2 công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực lưu trữ dựa trên chip nhớ truy cập nhanh.

Không chỉ vậy, EMC đã đệ đơn kiện cáo buộc Pure ăn cắp bí mật kinh doanh và vi phạm bản quyền sáng chế. Pure phủ nhận hoàn toàn những cáo buộc này và nói rằng EMC đã vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ của Công ty. Vụ kiện này vẫn còn chờ xét xử.

Doanh thu từ bộ phận phần cứng lưu trữ dựa trên ổ đĩa của EMC đã sa sút trong thời gian gần đây. Nhưng ông Jeremy Burton, Chủ tịch bộ phận sản phẩm và marketing của EMC, dự báo doanh số bán phần cứng dựa trên chip nhớ truy cập nhanh sẽ đạt 1 tỉ USD trong năm nay, qua mặt cả tốp 3 hoặc tốp 4 đối thủ cộng lại.

Khánh Đoan

Nguồn WSJ


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới