Mạng xã hội 300 triệu người dùng sắp phát hành tiền ảo
Gần đây, CEO Ted Livingston của Kik Interactive (Canada) vừa công bố kế hoạch phát triển đồng tiền ảo Kin cho cộng đồng 300 triệu người dùng của mạng xã hội kiêm ứng dụng nhắn tin Kik. Kin sẽ được xây dựng dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain) của nền tảng tiền ảo Ethereum, và có thể được sử dụng bởi người dùng của Kik cho rất nhiều mục đích, chẳng hạn như mở group chat, mua bán hàng hóa ảo, và thậm chí quy đổi ra tiền thật.
Ông Livingston cho biết: “Đây là điều mà chúng tôi đã thử nghiệm từ năm 2014. Đây là thời điểm lý tưởng cho chúng tôi và cho hệ sinh thái mới”.
Cũng theo Livingston, hiện tại Kik đang có khoảng 15 triệu người dùng thường xuyên hàng tháng, chủ yếu là các thiếu niên ở Mỹ. Điều này có nghĩa là một khi cộng đồng này sử dụng rộng rãi tiền ảo Kin, nó sẽ trở thành một trong những cộng đồng sử dụng tiền ảo lớn nhất thế giới. Ngay như tiền ảo bitcoin, vốn đã thu hút sự chú ý từ khá lâu, cũng chỉ mới có nhiều nhất là 14 triệu tài khoản ví bitcoin, theo ước tính từ các trang web chuyên theo dõi đồng tiền này.
Ted Livingston, nhà sáng lập kiêm CEO của Kik. Ảnh: Reuters |
Theo dự kiến, Kik sẽ mở cửa Kin cho các nhà phát triển bên ngoài vào đầu năm 2018, và sẽ cho phát hành Kin với lưu lượng tương đương 100.000 USD/ngày. Livingston kỳ vọng con số này sẽ tăng trưởng nhanh chóng, tùy theo giá trị của Kin. Ngoài ra ông cũng sẽ thành lập một tổ chức để giám sát và kiểm soát sự phát triển của Kin.
Bên cạnh đó, 10% số lượng Kin cũng sẽ được chào bán công khai cho các nhà đầu tư, trong chương trình chào bán tiền ảo đầu tiên (initial coin offering – ICO).
Nhà đầu tư mạo hiểm Fred Wilson, vốn là một trong những người đầu tiên đầu tư vào Kik và hiện là thành viên HĐQT công ty, cho biết: “Kik sẽ là ứng dụng phổ thông đầu tiên tích hợp chức năng tiền ảo. Đây có thể là một thời khắc cách mạng cho lĩnh vực blockchain”.
Được thành lập vào năm 2009, cho đến nay Kik đã gọi vốn được 120,5 triệu USD, với mức định giá gần nhất là 1 tỷ USD vào cuối năm 2015, khi được Tencent Holdings (Trung Quốc) rót vào 50 triệu USD.
Danh sách các vòng gọi vốn của Kik. Ảnh: CrunchBase |
Theo bà Julie Maupin, chuyên viên cao cấp của Trung tâm Sáng kiến Lãnh đạo Quốc tế (CIGI) tại trường Đại học Waterloo, việc tự phát hành tiền ảo không phải là một ý tưởng quá mới mẻ. Bà Maupin đã so sánh điều này với các chương trình điểm thưởng của những hãng hàng không, với một khác biệt ở chỗ là tiền ảo cho phép người dùng thực hiện các giao dịch ngang hàng với nhau (p2p transactions). Bà nói thêm: “Không có nhiều công ty có thể thành công với mô hình này. Có chưa tới 10 công ty có đủ lượng người dùng để làm điều đó, chẳng hạn như Amazon, Tencent hay Alibaba”.
Mặc dù Kik cũng là một mạng xã hội lớn, tuy nhiên chắc chắn công ty này chưa thể nằm trong top 10 mà bà Maupin nhắc tới. Để so sánh, một mạng xã hội khác là Snapchat có hơn 160 triệu người dùng thường xuyên hàng ngày, còn Messenger của Facebook có hơn 1 tỷ người dùng thường xuyên hàng tháng. WeChat của Trung Quốc từng tuyên bố họ có hơn 846 triệu người dùng hàng tháng, với lưu lượng chuyển khoản qua lại lên tới hơn 50 tỷ USD/tháng.
Tuy nhiên, ông Livingston không hề nao núng, và cho rằng tiền ảo Kin không cần phải có quy mô quá lớn để thành công. Theo ông, việc phát huy sức mạnh của tiền ảo có thể cho phép các ứng dụng có quy mô cỡ vừa như Kik tiếp tục tồn tại trong một thị trường đang bị thống trị bởi các đại gia như Facebook và Google, vốn đang hút gần hết doanh thu quảng cáo số nhờ vào số lượng người dùng quá lớn.
Tuấn Minh
Nguồn Reuters/The Globe and Mail
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Vũ Hoài