Hủy
Công Nghệ

Nỗi khổ ngành bưu chính

Thứ Tư | 20/03/2013 10:22

 

Cô gái người New Zealand Sandra Vidulich phấn khích, bóc ngay bưu kiện bên trong đựng đôi giày cô mua qua Amazon và đi thử trước mặt người đưa thư. Sự bùng nổ của các hoạt động mua sắm qua mạng hiện nay giúp duy trì ngành bưu chính đang suy yếu dần tại các nước phát triển. Thư từ, thứ cốt lõi trong công việc kinh doanh của ngành bưu chính, đang giảm chóng mặt. Từng tự hào là ngành giúp xây dựng xã hội hiện đại, giờ đây, bưu chính tại nhiều quốc gia đang phải thu hẹp quy mô hoạt động.

Ngành bưu chính Mỹ (USPS) gần đây đã gây “choáng” khi thông báo kế hoạch ngừng chuyển phát thư vào ngày thứ bảy. Còn New Zealand đang cân nhắc việc giảm hoạt động chuyển phát thư xuống 3 ngày/tuần thay vì 6 ngày/tuần như trước đây.

Trong khi đó, Anh đang chuẩn bị rũ bỏ toàn bộ dịch vụ chuyển phát thư tín với dự định bán Royal Mail, vốn tồn tại gần 500 năm qua. Trong vài năm qua, ngành bưu chính thực sự gặp nhiều khó khăn và cảm nhận được những tác động của internet. Doanh thu của USPS, nơi trung chuyển khoảng 40% số thư tín của thế giới, đã đạt đỉnh với mức 75 tỷ USD vào năm 2007. Tuy nhiên, đến năm 2012, USPS thua lỗ 15,9 tỷ USD, doanh thu giảm xuống còn 65 tỷ USD. 23% lực lượng lao động (tương đương 156.000 người) đã bị cắt giảm. Bưu điện Pháp ước tính vào năm 2015, hoạt động chuyển phát thư của họ sẽ giảm 30% so với năm 2008.

Trong năm 2012, số lượng thư tín đã chuyển phát của Nhật Bản ít hơn 13% so với 4 năm trước. Ngành bưu chính Đan Mạch cũng cho hay lượng thư chuyển gửi của nước này giảm 12%/năm. Một thống kê của Liên minh Bưu chính toàn cầu ước tính khối lượng thư gửi chuyển trên khắp thế giới trong năm 2011 đã giảm gần 4%. Các nước phát triển đã phải đóng cửa 5% số trạm bưu điện trong riêng năm 2011.

Patrick Donahoe, Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện Mỹ, cho biết tuy cắt giảm việc chuyển thư ngày thứ bảy nhưng hoạt động vận chuyển bưu kiện 6 ngày/tuần vẫn sẽ được duy trì. Sự điều chỉnh này kỳ vọng giúp cho ngành tiết kiệm khoảng 2 tỷ USD/năm và có thể đứng vững trong thời gian tới. Một cuộc khảo sát do tờ New York Times và CBS News thực hiện cho thấy có khoảng 7/10 người dân Mỹ nói họ đồng ý với việc ngừng chuyển phát thư vào ngày thứ bảy, nếu điều này tạo điều kiện cho ngành bưu chính có thể giải quyết được số nợ lên tới hàng tỷ USD. “Người dân vẫn có thói quen mở thùng thư mỗi ngày và chờ thư đến. Đó là một phần cuộc sống của người Mỹ” - ông Donahoe nói.

Không chỉ có vậy, theo Hiệp hội sản xuất phong bì, bưu chính có vai trò quan trọng trong ngành thư tín trị giá hàng ngàn tỷ USD của Mỹ, hiện có số công nhân viên lên tới 8 triệu người. Một số quốc gia như Australia, Canada và Thụy Điển, hiện đã cắt giảm hoạt động chuyển phát thư xuống 5 ngày/tuần. Các nước khác đang tính đến việc tư nhân hóa một phần ngành bưu điện.

Có một điều hết sức thú vị là khi khối lượng thư tín tại các nước phát triển giảm dần, tại một số nước đang phát triển, tình hình ngược lại. Theo số liệu từ China Post, tại Trung Quốc, hoạt động chuyển phát thư tăng 56% kể từ năm 2007, nhờ lượng thư tốc hành được gửi tăng nhanh hơn gấp 4 lần. Tuy nhiên, với việc sử dụng internet ngày càng tăng tại các nước đang phát triển, rất nhiều ý kiến quan ngại rằng dịch vụ chuyển phát thư tín sắp tới cũng sẽ không còn quan trọng giống như đã từng diễn ra ở các nước phát triển.

(Theo Sài Gòn Giải Phóng)


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới