Hủy
Công Nghệ

Rau, dưa cũng “lên đời” công nghệ

Thứ Ba | 26/07/2016 12:30

Theo mục tiêu quốc gia, trước năm 2020, Việt Nam sẽ có 10 khu nông nghiệp công nghệ cao.
 

Quản lý canh tác bằng phần mềm hay sử dụng cảm biến không còn xa lạ với bà con nông dân ở Củ Chi. Nhờ ứng dụng công nghệ cao, nhiều hộ dân huyện Củ Chi đã làm giàu bằng nhiều cây trồng có giá trị kinh tế cao như hoa lan, dưa lưới, cà chua bi...

Chẳng hạn, nhờ tiếp nhận chuyển giao quy trình, kỹ thuật canh tác từ Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM (AHTP), dưa lưới Ba Hưng Sài Gòn trở thành thương hiệu có tiếng với những trái dưa to, tròn, đẹp và trái đều. Anh Võ Minh Hưng, chủ cơ sở Ba Hưng Sài Gòn cho biết, với diện tích trồng 1.500 m2, sau 4 vụ dưa, anh đã có lãi hơn 100 triệu đồng. Ngoài ra, lan hồ điệp, nấm linh chi, rau thủy canh... cũng là thương hiệu mới của nông nghiệp Củ Chi sau khi áp dụng các kỹ thuật trồng trọt mới.

Những sản phẩm này phần lớn có xuất xứ từ AHTP tại Củ Chi. Từ cuối năm 2015, AHTP đã có khu nhà màng rộng hơn 1.000 m2 được đầu tư trồng dưa lưới bằng công nghệ tự động, ứng dụng công nghệ thông tin, sản lượng dưa lưới tăng khoảng 10% so với phương pháp trồng truyền thống. Đặc biệt, hiệu quả cao hơn khi ứng dụng hệ thống quản lý Smart Agri của Công ty Global CyberSoft Việt Nam (GCS) và AHTP phối hợp triển khai. Smart Agri hỗ trợ phân tích, đánh giá chất lượng, năng suất theo giống, mùa vụ, quy trình, khu vực sản xuất...; đồng thời, thiết lập hệ sinh thái cho nhà nông, chuyên gia, nhà phân phối và đơn vị thu mua trao đổi thông tin, tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm...

Quy trình tự động hóa tại đây cho phép nông dân có thể giám sát toàn bộ hệ thống trồng trọt; các cảm biến tự động cho phép tưới nước và dưỡng chất cho cây trồng tùy theo điều kiện môi trường như nhiệt độ, độ ẩm, thời tiết, áp suất, ánh sáng, lượng mưa, tốc độ gió...

Rau, dua cung “len doi” cong nghe
Dưa lưới trồng theo công nghệ cao tại AHTP.

Hằng tháng, Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM (thuộc AHTP) có nhiều buổi tập huấn cho bà con nông dân hoặc doanh nghiệp nông nghiệp các kỹ thuật nuôi trồng mới. Các buổi tập huấn thường phải đăng ký trước rất lâu do số lượng người tham dự đông, cho thấy sự háo hức của nông dân trước các kỹ thuật mới được áp dụng trong nông nghiệp. Bởi vì, công nghệ cao giúp nâng cao năng suất, giảm chi phí đầu vào, giảm sử dụng nước, thuốc và sản phẩm ra đồng bộ hơn, tạo được uy tín về vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng nguồn gốc.

Theo mục tiêu quốc gia, trước năm 2020, Việt Nam sẽ có 10 khu nông nghiệp công nghệ cao với khoảng 200 doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện chỉ có hơn 20 doanh nghiệp tham gia trong một số lĩnh vực hạn chế. Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao còn khó khăn ở khâu đất, vốn, khoa học và công nghệ. Trong đó, lựa chọn mô hình công nghệ phù hợp cũng rất quan trọng trong quá trình đầu tư vào nông nghiệp.

Nhiều đơn vị cũng đã đưa ra giải pháp, dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ nông nghiệp. Chẳng hạn, VinaPhone cung cấp công nghệ M2M (thiết bị đến thiết bị) cho nông dân có thể nắm bắt diễn biến của thời tiết, thông số môi trường để phòng tránh dịch bệnh, thông tin giá cả thị trường các mặt hàng nông sản tại nhiều vùng miền, trên thế giới được cập nhật theo ngày, giờ qua điện thoại di động.

Tập đoàn FPT và Fujitsu cũng đã xây dựng Trung tâm Hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ điện toán đám mây Akisai để trồng cà chua và xà lách. Ứng dụng này quản lý từ sản xuất đến phân phối, tiêu thụ được Fujitsu (Nhật) áp dụng tại Nhật. Xà lách khi thu hoạch sẽ giòn, ngọt, hàm lượng kali chỉ bằng 1/5 xà lách thông thường, phù hợp với người bị bệnh thận và người ăn kiêng. Đặc biệt, vì không sử dụng hóa chất nên sản phẩm có thể ăn ngay mà không cần rửa. Với kỹ thuật này, cà chua được trồng với mật độ cao - trung bình 4.000-6.000 cây/1.000 m2, thu hoạch quanh năm, có thể nâng năng suất lao động lên 2-3 lần.

VinEco cũng đang nổi lên là đơn vị áp dụng nông nghiệp công nghệ cao trong trồng rau củ sạch và chất lượng. Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, VinEco sẽ hoàn thiện lắp đặt 55 ha nhà kính công nghệ Israel và hơn 200 ha nhà lưới/nhà màng để canh tác rau mầm, rau thủy canh và các loại rau quả khác tại miền Bắc, miền Nam và Lâm Đồng.

Rau, dua cung “len doi” cong nghe
Mô hình trồng rau sạch của VinEco. Ảnh: Tư liệu

Dự kiến, VinEco sẽ tiếp tục triển khai các dự án tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Nha Trang, Phú Quốc, Bắc Ninh. Được biết, VinEco sử dụng công nghệ của Teshuva Agricultural Projects (TAP), Israel. Đây là công ty duy nhất trên thế giới cung cấp bí quyết công nghệ sản xuất rau mầm, rau thủy canh “siêu sạch”.

Ông Avner Shohet, Giám đốc Phát triển Kinh doanh TAP, chia sẻ: “Toàn bộ các công đoạn từ gieo hạt đến thu hoạch đều được kiểm soát hoàn toàn tự động và khép kín nhằm đảm bảo giá trị dinh dưỡng cao trong rau. Rau mầm trồng trong nhà kính VinEco được kiểm soát hoàn toàn khỏi sâu bệnh, đảm bảo tối đa các tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm, cho năng suất cao gấp 3-6 lần so với rau đồng ruộng. Cũng nhờ công nghệ nhà kính hiện đại, VinEco có thể sản xuất những bộ giống rau mầm nhập khẩu đa dạng và độc đáo, chưa xuất hiện trên thị trường nội địa”.

Những nông dân ở VinEco như chị Nguyễn Thị Thủy (34 tuổi, Đội Hiệp Thuận, xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết, công việc hằng ngày của chị chỉ đơn giản là “đo cây, ấn nút”. Toàn bộ các giai đoạn từ trồng cây như tra hạt, phủ hạt, tưới ẩm... đều được thực hiện bằng máy để đảm bảo độ sạch 100%. Máy sẽ kiểm soát và thông báo khu vực nào cần phun nước, khu vực nào cần mở kính để lấy ánh sáng, khi nào nhà kính thiếu độ ẩm. Máy cũng cho biết thông tin rau đang ở giai đoạn còn non hay đã trưởng thành và cả lịch thu hoạch.

Trong khi đó, người nông dân sử dụng Smart Agri còn có thể theo dõi mùa vụ từ bất kỳ nơi đâu thông qua các ứng dụng di động hoặc trình duyệt web trên nền tảng đám mây, ghi lại lịch sử chăm bón và các sự kiện trong suốt mùa vụ, để khi vào vụ thu hoạch hệ thống sẽ tự tạo mã QR nhằm cung cấp cho người dùng các thông tin về sản phẩm (mùa vụ, ngày trồng và thu hoạch, chất lượng, hàm lượng, xuất xứ, hạn bảo quản...).

Hiện Khu Nông nghiệp công nghệ cao ở Củ Chi, TP.HCM đã và đang thử nghiệm, khai thác thành công 2 vụ mùa với giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin vào nông nghiệp qua Smart Agri.

Theo ông Từ Minh Thiện, Phó Trưởng Ban Quản lý AHTP, trong 5 năm tới, đơn vị này sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng thêm gần 400 ha từ con số 88 ha hiện nay, để hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. Đến nay, AHTP đã thu hút được 14 dự án đầu tư với số vốn 190 tỉ đồng. Theo định hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2025, ngoài khu hiện hữu với diện tích hơn 88 ha ở xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi tập trung cho trồng trọt đã được khai thác hết, AHTP sẽ phát triển thêm 3 khu khác gồm khu 200 ha bên cạnh khu hiện hữu này cũng tập trung cho hoạt động trồng trọt, nuôi cá cảnh nước ngọt, cây thủy sinh.

Hai khu còn lại sẽ được phát triển ở địa điểm khác của Thành phố trong đó một ở xã Long Hòa (huyện Cần Giờ) có diện tích quy hoạch 90 ha sẽ tập trung phục vụ cho hoạt động chuyên ngành thủy sản. Khu còn lại có diện tích 100 ha ở huyện Bình Chánh tập trung sản xuất và lai tạo các giống bò sữa, bò thịt, gà, heo và các mô hình chăn nuôi tiên tiến, an toàn sinh học...

Lam Hồng


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới