Hủy
Công Nghệ

Triển khai FeliCa tại Hà Nội: Cuộc chiến của Sony với Apple Pay

Thứ Hai | 19/10/2015 12:21

Sau Indonesia, Sony đang lên kế hoạch đưa công nghệ thanh toán FeliCa áp dụng vào hệ thống xe buýt tại Hà Nội.
 

Bị Apple và Samsung cạnh tranh dữ dội, Sony đang tạm gác lại tham vọng dẫn đầu thị trường điện thoại thông minh trên toàn cầu. Tuy vậy, tập đoàn điện tử Nhật Bản vẫn không ngừng đối đầu trực diện với 2 đối thủ kể trên trong công nghệ thanh toán trên điện thoại di động tại Châu Á.

Sony đang cố gắng triển khai công nghệ thanh toán FeliCa cho các quốc gia khác tại Châu Á sau khi công nghệ này đã được áp dụng thành công tại Nhật Bản và Hongkong. Hệ thống này sử dụng những con chíp có thể được gắn vào trong các thiết bị điện thoại thông minh, hay trong các thẻ nhựa có kích thước nhỏ gọn có thể bỏ lọt trong ví. Theo số liệu ước tính, có khoảng 890 triệu con chip FeliCa đang được sử dụng.

"Apple Pay và các hệ thống tương tự như vậy đang bắt đầu tiến ra thị trường nước ngoài. Tuy nhiên chúng tôi đã cung cấp dịch vụ này được hơn 10 năm nay", ông Kazuyuki Sakamoto, hiện là giám đốc phụ trách bộ phận FeliCa, chia sẻ. Ông cũng cho biết chiến lược của Sony là tìm cách đưa công nghệ này vào áp dụng trong các hệ thống giao thông công cộng trước, rồi từ đó tiến sang mảng bán lẻ. 

Công nghệ này đã được thử nghiệm lần đầu tiên tại Đông Nam Á  vào hồi tháng 3, ở thủ đô Jakarta của Indonesia. Tại đây, Sony đã hợp tác với công ty đường sắt PT KAI Commuter Jabodetabek. Sắp tới, họ sẽ tiếp tục hợp tác với công ty viễn thông PT Telekomunikasi Indonesia để triển khai hệ thống thẻ thanh toán xe bus ở một thành phố lớn khác của Indonesia là Bandung.

Ông Sakamoto cho biết Việt Nam có thể là điểm đến tiếp theo. Hiện tại, FeliCa đang đưa vào thí điểm trong hệ thống xe buýt ở Hà Nội, và chính phủ Nhật Bản cũng đã viện trợ cho Việt Nam 200.000 thẻ.

Theo Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) nhận định, thị trường Đông Nam Á có tiềm năng rất lớn. Hàng năm, các nước ASEAN chi đến 60 tỷ USD cho việc xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng.

Còn theo hãng nghiên cứu thị trường IDC, thị trường thanh toán di động toàn cầu có khả năng sẽ tăng gấp đôi quy mô và đạt tổng giá trị 1.000 tỷ USD trong năm 2017. Trong khi Nhật Bản và Hàn Quốc có thể dễ dàng tiếp nhận các dịch vụ dựa trên smartphone như Apple Pay, thì các nước có nền kinh tế mới nổi có thể sẽ ưa thích các thẻ trả trước hơn, chuyên gia Shiv Putcha của IDC nhận định.

Cho đến nay, một trong những thử thách lớn nhất đối với công nghệ thanh toán di động là tạo ra được sự liên kết giữa 3 bên: nhà sản xuất thiết bị, các tổ chức tài chính và các công ty bán hàng. Vì vậy, tốc độ thâm nhập thị trường của công nghệ này còn khá chậm. Theo ước tính của Aite Group hồi tháng 12 năm ngoái, công nghệ Apple Pay mới chỉ chiếm 1% tổng giá trị giao dịch bán lẻ tại Mỹ 1 năm sau khi ra mắt. Mặc dù vậy, 1% đó cũng vẫn là 45 tỷ USD.

Tuệ Nghi

Nguồn Bloomberg


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới