Hủy
Doanh Nghiệp

89,2% cổ đông BJC từ chối Metro

Thứ Tư | 29/04/2015 11:56

Metro Việt Nam sẽ vẫn phải tiếp tục kinh doanh cho đến khi tìm được đối tác mới, cùng với việc bị phát hiện chuyển giá.
 

Cơ hội để Metro Cash & Carry rút lui khỏi thị trường Việt Nam trong bối cảnh bị lên tiếng vì hành vi chuyển giá càng trở lên xa vời, khi đa số cổ đông của Công ty Berli Jucker Public Company Limited (BJC) ở Thái Lan đã một lần nữa phủ quyết thương vụ thâu tóm 100% cổ phần của Metro Cash & Carry Việt Nam (Metro Việt Nam).

Trong báo cáo kết quả Ðại hội Cổ đông gần đây nhất của BJC, 89,2% số cổ đông đã bỏ phiếu không chấp thuận việc mua lại toàn bộ Metro Việt Nam theo đề xuất của ban giám đốc BJC trước đó. Chỉ có 4,7% số cổ đông đồng ý thương vụ này. Tuy nhiên, TCC Holding Limited, cổ đông lớn nhất của BJC thuộc sở hữu của tỉ phú Charoen Sirivadhanabhakdi, đã không tham gia bỏ phiếu. Đây là lần thứ hai cổ đông BJC bỏ phiếu từ chối thương vụ thâu tóm.

Tổng cục Thuế công bố Metro Việt Nam đã báo cáo giả lỗ 504 tỉ đồng
Tổng cục Thuế công bố Metro Việt Nam đã báo cáo giả lỗ 504 tỉ đồng

Kết quả này gần như là dấu chấm hết cho nỗ lực của ban giám đốc BJC và TCC Holding Limited trong việc thuyết phục cổ đông chấp thuận thương vụ nói trên.

Thực ra, việc thâu tóm Metro Việt Nam với giá 655 triệu EUR sẽ mang lại một số lợi ích cho BJC, như mở rộng phân phối hàng tiêu dùng vào thị trường Việt Nam qua cả hai kênh bán sỉ và lẻ. Ngoài ra, BJC cũng có thể tận dụng hệ thống các nhà cung cấp ở Việt Nam mà Metro Việt Nam đã dày công xây dựng trong suốt 13 năm qua.

Nhưng điều khiến các cổ đông của BJC lo ngại lại là rủi ro tiềm tàng theo thỏa thuận của hai bên, khi BJC buộc phải thanh toán 655 triệu EUR trước cả khi các cơ quan của Việt Nam điều chỉnh lại giấy chứng nhận đầu tư. Nghĩa là BJC phải trả tiền trước trong khi chưa biết đến bao giờ mới có quyền sở hữu hoàn toàn Metro Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam. Và ngay cả khi thương vụ bị đổ bể và tiền đã được trả, việc hoàn tiền cũng không được nhanh chóng và sẽ mất khá nhiều thời gian. Nói cách khác, điều khoản này chỉ có lợi cho Metro Việt Nam nhiều hơn khi cầm chắc tiền trong tay và đẩy rủi ro lại cho phía BJC.

Do đây là thương vụ lớn với tổng số tiền giao dịch tương đương 52,24% tổng giá trị tài sản của BJC, nên điều khoản thanh toán trên “có thể mang lại rủi ro lớn và ảnh hưởng tiêu cực đến tình trạng tài chính, hình ảnh và cả thanh khoản của BJC”, theo báo cáo của JayDee Partners Limited và Advisory Plus, hai nhà tư vấn tài chính độc lập của công ty này.

Kết quả này không chỉ là gáo nước lạnh dội vào nỗ lực của ban giám đốc BJC, mà còn đóng sập cánh cửa dẫn đến lối thoát của Metro Việt Nam, ít nhất là vào thời điểm hiện tại. Metro Việt Nam sẽ vẫn phải tiếp tục kinh doanh cho đến khi tìm được đối tác mới, cùng với việc bị phát hiện chuyển giá.

Vào Việt Nam từ năm 2001, Metro Việt Nam đã đầu tư hơn 301 triệu USD để xây dựng 19 trung tâm và một kho trung chuyển hàng hóa tại 16 tỉnh, thành phố. Trong suốt 13 năm kinh doanh, từ 2002 - 2013, Metro Việt Nam chỉ báo lãi duy nhất năm 2010, còn lại các năm đều thua lỗ với tổng số tiền là 1.657 tỉ đồng. Dù vậy, Tổng cục Thuế vừa công bố kết quả thanh tra Metro Việt Nam cho thấy công ty này đã báo cáo giả lỗ tới 504 tỉ đồng (24 triệu USD). Số tiền bị truy thu thuế mà Metro Việt Nam phải trả lại là 507 tỉ đồng.

Nếu muốn tìm đối tác khác để bán lại toàn bộ công ty, Metro Việt Nam sẽ phải trả hết số tiền thuế bị truy thu. Giả định thương vụ với BJC trót lọt với giá 655 triệu EUR, tương đương hơn 701 triệu USD, Metro Việt Nam vẫn thu được một khoản lợi nhuận khá cao. Tuy nhiên, điều đó chưa xảy ra và con đường để Metro Việt Nam rút lui khỏi thị trường vẫn còn xa

Nguồn NCDT


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới