Hủy
Doanh Nghiệp

Ai đứng đằng sau GTNFoods?

Mai Hân Thứ Tư | 04/01/2017 12:30

Thực hiện hàng loạt thương vụ M&A, GTNFoods nhắm tới phát triển nông nghiệp theo hướng đa ngành.
 

Thông tin về công ty Cổ phần đầu tư và sản xuất Thống nhất (GTNFoods) hầu như im ắng cho đến khi công ty này thực hiện hàng loạt những thương vụ thâu tóm doanh nghiệp nhà nước.

Thầm lặng thâu tóm

Chỉ trong thời gian rất ngắn, một công ty không mấy tiếng tăm như GTNFoods ôm trọn cả 2 công ty nông nghiệp đang cổ phần hóa của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico) và Tổng Công ty Chè Việt Nam (Vinatea). Vilico có vốn điều lệ 765 tỉ đồng và đã cổ phần hóa nhưng không hấp dẫn nhà đầu tư vì Nhà nước vẫn giữ cổ phần chi phối (77,6%). Thêm một điểm trừ nữa là doanh thu và lợi nhuận của Vilico không lớn, lần lượt đạt 2.678,3 tỉ đồng và 66,3 tỉ đồng (năm 2014). Tuy nhiên, GTNFoods không ngại nâng tỉ lệ sở hữu tại Vilico lên tối đa 65% từ mức 7,7%.

Điều gì đã khiến cho GTNFoods quyết định thâu tóm các công ty cổ phần nhà nước, nhất là Vilico? GTNFoods cho rằng, Vilico là doanh nghiệp đầu ngành tại Việt Nam trong lĩnh vực chăn nuôi, chế biến, kinh doanh và xuất nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi và nông nghiệp - phù hợp với chiến lược phát triển dài hạn của Công ty. Do vậy, Công ty quyết định đầu tư vào Vilico giai đoạn 2.

Nhưng thực tế,  Vilico cũng khá hấp dẫn với danh sách 2 công ty con và 15 công ty liên kết. Vilico có 2 công ty con là Công ty Cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu và Công ty Cổ phần Chăn nuôi Miền Trung với tỉ lệ sở hữu lần lượt là 51% và 91%, giá trị đầu tư đạt 188 tỉ đồng và 8,6 tỉ đồng. Đáng chú ý nhất là Công ty Giống bò sữa Mộc Châu đóng góp 2/3 doanh thu cho Vilico. Theo số liệu Vilico công bố, năm 2014, Công ty Giống bò sữa Mộc Châu đạt 2.300 tỉ đồng doanh thu và 148 tỉ đồng lợi nhuận. Cơ cấu của mặt hàng sữa đối với doanh thu thuần của Vilico cũng duy trì ở mức rất cao, đều đạt xấp xỉ 70%. Trong cơ cấu lợi nhuận gộp, sữa luôn chiếm tỉ trọng từ 84-98%. Năm 2015, doanh số và lợi nhuận có giảm nhẹ vì  Công ty Giống bò sữa Mộc Châu phải cạnh tranh dữ dội với sữa của Vinamilk, TH True Milk nhưng công ty này vẫn mang về cho Vilico một nguồn tiền không nhỏ.

Điểm đặc biệt của Vilico không chỉ đến từ việc sở hữu Công ty Giống bò sữa Mộc Châu mà còn đến từ danh mục quỹ đất khổng lồ hơn 1 triệu m2 đất tại 4 tỉnh, thành trên cả nước. Trong đó có 3 đơn vị tại Hà Nội, 1 đơn vị tại TP.HCM, 1 đơn vị tại tỉnh Vĩnh Phúc và 1 đơn vị tại tỉnh Hưng Yên. Hầu hết đều là đất thuê thời hạn từ 30-49 năm.

GTNFoods cũng đã hoàn tất mua Vinatea với việc nắm giữ 75% vốn điều lệ. Có thể thấy tham vọng của GTNFoods khi sở hữu trong tay vùng nguyên liệu chè lớn nhất cả nước và thương hiệu chè Vinatea cùng nhiều thương hiệu của các công ty con được thị trường quốc tế biết đến. Rõ ràng, phát triển tốt lĩnh vực chè với quy mô quốc tế lên tới cả tỉ USD, tiềm năng tăng trưởng của GTNFoods là rất lớn.

Tại Đại hội cổ đông năm 2015, GTNFoods đã tuyên bố sẽ tiếp tục lấn sân sang lĩnh vực nông nghiệp bằng việc tiến hành các cuộc thâu tóm doanh nghiệp nhà nước. Để thực hiện mục tiêu này, mới đây, GTNFoods đã phát hành riêng lẻ thành công 100 triệu cổ phiếu, nâng vốn điều lệ lên 2.500 tỉ đồng. Theo kế hoạch, số tiền thu về từ đợt phát hành này sẽ dùng để mở rộng quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện các dự án đầu tư, mua lại, hợp nhất, sáp nhập (M&A) hoặc tái cơ cấu các khoản nợ của Công ty.

Rốt ráo thay đổi

Mục tiêu mà GTNFoods hướng đến chính là phát triển nông nghiệp theo hướng đa ngành. Công ty này liệu có thể điều hành cả một tập thể doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp? Cũng cần nói thêm trước đó, cổ phiếu GTN đã thu hút sự quan tâm của giới đầu tư với sự xuất hiện của Deutsche Bank. Sau khi bán đi cổ phiếu KDC, Deutsche Bank nâng lượng sở hữu sau giao dịch cổ phiếu GTN lên 7,93 triệu đơn vị, tương ứng 5,29% vốn điều lệ GTNFoods và trở thành cổ đông lớn của công ty này.

Ai dung dang sau GTNFoods?
GTNFoods đã đầu tư lớn vào Công ty Giống bò sữa Mộc Châu. Ảnh: rongbay.com

Tiếp đến, GTNFoods đã ký thỏa thuận phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho Công ty Hanil Feed, một doanh nghiệp hàng đầu Hàn Quốc trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi. Với thỏa thuận này, GTNFoods có thêm một cổ đông ngoại bên cạnh Deutsche Bank AG London, UBS AG London Branch, Tael Two Partners Ltd… Những cổ đông này sẽ phục vụ mục tiêu huy động vốn và thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm tại Việt Nam.

GTNFoods được hình thành thông qua sự hợp nhất của các công ty trong các lĩnh vực như sản xuất tre công nghiệp, xây dựng hạ tầng, nông sản, thực phẩm, vật tư nông nghiệp (phân bón và hóa chất), khoáng sản, vật liệu xây dựng, nhựa, cáp viễn thông... Sau thời gian dài hoạt động, năm 2014, GTNFoods xác định lại chiến lược kinh doanh trong đó, đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và hàng tiêu dùng.

Công ty tập trung xây dựng nền tảng hạ tầng chung thông qua việc đầu tư vào các tổng công ty của Nhà nước với bề dày lịch sử hoạt động, thương hiệu phổ biến, cơ sở hạ tầng tốt, nhưng gặp nhiều rào cản trong phát triển kênh phân phối, bán hàng và marketing. Vì vậy, vài năm trở lại đây, Công ty đã tái cấu trúc bộ máy, tiết giảm chi phí, xây dựng lại chiến lược marketing, định vị lại thương hiệu, thúc đẩy bán hàng. Hiện GTNFoods sở hữu nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác nhau như trà, rượu vang, chăn nuôi heo giống, heo thực phẩm, sữa, bò giống và nhựa công nghiệp… Ngoài ra, doanh nghiệp đã liên tục đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) để đưa ra các sản phẩm mới bắt kịp xu hướng của thị trường.

Mở rộng đa ngành, GTNFoods hướng đến chính sách phân phối các sản phẩm thông qua hệ thống phân phối chung, giúp giảm chi phí và khai thác tối đa nguồn lực bán hàng và marketing. Công ty cũng liên tục đầu tư vào hệ thống quản lý kênh phân phối, đảm bảo sản phẩm có được độ phủ tốt nhất cho người tiêu dùng. Đi sau nhưng mục tiêu của GTNFoods cũng chính là hướng đến phát triển bền vững và thân thiện môi trường, cung cấp các sản phẩm xanh và sạch theo chuỗi 3F, đi từ nông trại cho đến gia đình và cuối cùng là đến bàn ăn. Chính vì chuỗi 3F này mà GTN đã liên tục thực hiện các thương vụ M&A để nhanh chóng hướng mục tiêu trong thời gian sớm nhất.

Vì vậy, có thể thấy, dù  lợi nhuận 9 tháng năm 2016 thấp, chưa tới 8 tỉ đồng, nhưng GTNFoods vẫn là cái tên đáng được quan tâm

Mai Hân


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới