Hủy
Doanh Nghiệp

Bán hơn 1.000 USD/ tấn, gạo mang thương hiệu Việt Nam hiện diện trên kệ hàng thế giới

Khánh Linh Thứ Tư | 26/08/2020 11:02

Gạo VJ Pearl Rice của Vinaseed vừa được xuất khẩu ở mức giá hơn 1.000 USD mỗi tấn sang Châu Âu. Nguồn ảnh: PAN Group.

Lần đầu tiên gạo Việt Nam có giá xuất ngang hàng với loại gạo ngon top đầu của Thái Lan trong vòng 30 năm.
 

Hai thương hiệu gạo của Vinaseed – thành viên của Tập đoàn PAN (The PAN Group) vừa xuất sang Châu Âu với mức giá 1.040 USD mỗi tấn. Đây là giá bán vượt trội so với giá gạo trung bình xuất khẩu của Việt Nam, ngang hàng với loại gạo ngon top đầu của Thái Lan.

“Cú hích” cho gạo Việt

Theo thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), từ giữa tháng 7 giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng và có thời điểm đã vượt qua giá gạo cùng chủng loại của nhiều nước, trong đó có Thái Lan để vươn lên dẫn đầu thế giới. Đây là lần đầu tiên gạo Việt Nam có giá xuất ngang ngửa với gạo Thái Lan trong vòng 30 năm, nhất là đối với gạo loại 5% tấm.

Theo lý giải của các chuyên gia, nguyên nhân đến từ việc đồng Baht Thái tiếp tục tăng giá so với USD khiến hoạt động xuất khẩu của nước này gặp thiệt thòi. Bên cạnh đó, loại gạo 5% tấm hiện nay trên thị trường cũng đã hết, vụ hè thu ít người trồng loại này nên cung không đủ cầu khiến giá tăng mạnh.

Thông tin từ một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết, giá gạo Việt Nam tăng cao một phần cũng đến từ chất lượng được cải thiện, lợi thế có sẵn nguồn cung và giao hàng nhanh trong bối cảnh COVID-19 khiến các nhà nhập khẩu ưu tiên. Ngoài ra, hiệu ứng tích cực cũng đến từ việc Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ 1.8.2020.

Biếu giá xuất khẩu gạo thế giới ngày 14.8. Nguồn ảnh: Oryza.
Biếu giá xuất khẩu gạo thế giới ngày 14.8. Nguồn ảnh: Oryza.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào cơ cấu, loại gạo có giá xuất khẩu tốt nhất của Việt Nam là Jasmine hiện cũng chỉ đạt từ 590 - 600 USD/tấn. Trong khi đó, gạo Hom Mali 92% của Thái Lan có giá xuất dao động quanh 960 USD/tấn, cao vượt trội so với các quốc gia khác trên thế giới.

Giá gạo của Việt Nam được đánh giá là chưa tương xứng với chất lượng, nước ta có nhiều giống gạo ngon thuộc top đầu thế giới như ST24, ST25… đủ sức cạnh tranh với gạo thơm từ Thái Lan.

“Gõ cửa” thị trường EU và Úc

Cách đây một tháng, Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam (Vinarice), công ty con của CTCP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) – thành viên của Tập đoàn PAN cho biết đã đạt chứng nhận hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (FSSC 22000) về chế biến, đóng gói và xuất hàng.

FSSC 22000 được chứng nhận bởi Bureau Veritas (tổ chức độc lập của Vương Quốc Anh), được thiết lập giữa ISO 22000 và PAS 220. Với chứng nhận này, sản phẩm gạo của Vinaseed đáp ứng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ.

Thông tin từ công ty này cho biết, hai thương hiệu gạo VJ Pearl Rice và gạo thơm RVT đã được xuất sang Hà Lan, Cộng hòa Séc với mức giá 1.040 USD/tấn, cao hơn nhiều so với giá trung bình. Thành viên của The PAN Group cũng thông tin sắp tới sẽ tiếp tục xuất khẩu gạo trắng Ban Mai và gạo lứt Phúc Thọ sang Úc. Đây cũng là những sản phẩm gạo mang thương hiệu Việt Nam đầu tiên nhập khẩu chính ngạch vào thị trường này.

Gạo VJ Pearl Rice của Vinaseed vừa được xuất khẩu ở mức giá hơn 1.000 USD mỗi tấn sang Châu Âu. Nguồn ảnh: PAN Group.
Gạo VJ Pearl Rice của Vinaseed vừa được xuất khẩu ở mức giá hơn 1.000 USD mỗi tấn sang Châu Âu. Nguồn ảnh: PAN Group.

Đặc điểm của sản phẩm gạo Vinaseed là đều xuất phát từ giống lúa bản quyền của công ty, gieo trồng, thu hoạch và chế biến tại Việt Nam. Vinaseed là một trong số ít doanh nghiệp nông nghiệp tổ chức được chuỗi giá trị nông sản từ nghiên cứu, chọn tạo giống chất lượng – hệ thống canh tác, sản xuất – công nghệ sau thu hoạch – làm thương mại (nội tiêu và xuất khẩu).

Trong đó, hoạt động gieo trồng triển khai tại các vùng sinh thái lúa tôm và vùng cao nguyên với khí hậu ôn hòa được kiểm soát chặt chẽ về nguồn nước, đất, sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh và phương pháp canh tác lúa thông minh, ứng dụng quản lý bằng phần mềm Farm Record.

Công ty cũng hạn chế sử dụng hóa chất khi gieo trồng, ngay cả với những chế phẩm chưa bị cấm. Đây là bước đi đón đầu của nhà sản xuất Việt Nam với xu thế trên thế giới, thể hiện sự khác biệt với số đông. Cũng vì lý do này, gạo của Vinaseed bán được với giá tốt.

Thực tế, bước chuẩn bị của công ty Việt Nam bắt đầu ngay từ thời điểm Hiệp định EVFTA đang trong quá trình đàm phán. Vùng trồng của Vinaseed đặt ra yêu cầu đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP và phát triển bền vững.

Cuối năm ngoái, Vinaseed khánh thành trung tâm công nghiệp chế biến hạt giống và nông sản Đồng Tháp với công suất 50,000 tấn giống, 100,000 tấn gạo / năm. Qua đó, công ty này hoàn tất chu trình khép kín từ hạt giống đến hạt gạo đến tay người tiêu dùng.

Trung tâm chế biến nông sản vốn đầu tư 350 tỷ đồng của Vinaseed tại Đồng Tháp. Nguồn ảnh: PAN Group.
Trung tâm chế biến nông sản vốn đầu tư 350 tỷ đồng của Vinaseed tại Đồng Tháp. Nguồn ảnh: PAN Group.

Trước đây, gạo Việt Nam xuất khẩu vào EU thường là loại chưa qua chà xát, không có thương hiệu và chịu thuế nhập khẩu rất cao. Nhưng khi hiệp định EVFTA được thông qua, EU sẽ dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm xuất khẩu với thuế xuất 0%, điều này tạo lợi thế không nhỏ cho các nhà sản xuất.

Theo Tổng giám đốc Vinaseed – ông Nguyễn Quang Trường, công ty có thêm lợi thế cạnh tranh về giá so với các đối thủ. Năm 2020, thành viên của The PAN Group đặt mục tiêu xuất khẩu 5.000 tấn gạo sang EU, gấp đôi năm ngoái.

Phát triển nông sản an toàn, truy suất nguồn gốc và phát triển thương hiệu riêng

Triết lý nền tảng của Tập đoàn PAN là tạo ra một công ty nông nghiệp - thực phẩm tầm cỡ quốc tế, muốn cải thiện chất lượng sản phẩm phải nâng cao chất lượng nguyên liệu nông sản đầu vào.

Triết lý này được Tập đoàn áp dụng cho các công ty thành viên mà Vinaseed là ví dụ điển hình. Đây hiện đang là công ty giống cây trồng lớn nhất Việt Nam, năm 2019 đạt quy mô kinh doanh 85.000 tấn hạt giống, tương đương 1 triệu ha gieo trồng. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp này cũng hết sức ấn tượng khi bình quân đạt 30 – 40% mỗi năm.

Kể từ khi chính thức về chung một mái nhà với Tập đoàn PAN, giai đoạn 2014 – 2019, Vinaseed đã thực hiện đầu tư hơn 1.500 tỉ đồng. Trong đó 300 tỉ đồng cho nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ, 1.200 tỉ đồng cho công nghiệp hóa ngành giống và mở rộng quy mô kinh doanh.

Thành quả mà công ty này có được là cho ra 4 trên 10 giống lúa gieo trồng nhiều nhất Việt Nam, trong đó có hai giống lúa thơm là RVT và Đài Thơm 8. Riêng Đài Thơm 8 sau 2 năm công nhận đã chiếm 18% cơ cấu sản xuất lúa phục vụ xuất khẩu của đồng bằng song Cửu Long.

Tập trung vào chuỗi giá trị khép kín cũng là chiến lược được PAN áp dụng tại tất cả các mảng hoạt động như thủy sản với các thương hiệu Aquatex Bến Tre, Fimex VN; thực phẩm với bánh kẹo Bibica, hạt điều Lafooco và mới nhất là cà phê với thương hiệu SHIN Cà phê.

Sản phẩm của PAN thường nhắm đến phân khúc cao cấp và các thị trường phát triển khó tính. Vì lẽ đó, công ty tập trung vào phát triển nông sản an toàn, truy xuất nguồn gốc và phát triển thương hiệu riêng.

Chủ động công nghệ từ đầu đến cuối giúp Tập đoàn PAN có thể tạo ra các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Nguồn ảnh: PAN Group.
Chủ động công nghệ từ đầu đến cuối giúp Tập đoàn PAN có thể tạo ra các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Nguồn ảnh: PAN Group.

Năm ngoái, Tập đoàn này thành lập PAN CG với hệ thống phân phối bao phủ gần như 100% điểm bán lẻ hiện đại trên toàn quốc, bên cạnh đó quan hệ với hơn 145.000 cửa hàng bán lẻ.

Chia sẻ về chiến lược của PAN, bà Nguyễn Thị Trà My – Tổng Giám đốc Tập đoàn cho biết: “Đầu tư vào nông nghiệp là một hành trình dài và đầy khó khăn, đòi hỏi thời gian và nỗ lực rất lớn. Do đó, chúng tôi sẽ luôn kiên định với chiến lược phát triển bền vững, tập trung vào hoạt đông nghiên cứu và phát triển, cung cấp những sản phẩm chất lượng cao trong một chuỗi giá trị hoàn chỉnh, để giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực từ bên ngoài”.

Cùng với các sản phẩm xuất khẩu chất lượng cao như gạo, hạt điều, tôm, cá tra, The PAN Group đang cho thấy từng bước tiến trên con đường đưa các thương hiệu Việt Nam hiện diện trên kệ hàng thế giới.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới