Hủy
Doanh Nghiệp

Bầu Hiển tính "làm nông" với Vinafood 2

Ngọc Thủy Thứ Ba | 27/02/2018 14:00

Tập đoàn T&T, thuộc sở hữu của ông Đỗ Quang Hiển dự kiến sẽ tham gia mua 25% cổ phần ở Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2).
 

Tập đoàn T&T, thuộc sở hữu của ông Đỗ Quang Hiển, tức bầu Hiển, dự kiến sẽ tham gia mua 25% cổ phần ở Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) vào ngày 14.3 tới. Theo kế hoạch sau cổ phần hóa, Nhà nước vẫn sẽ giữ cổ phần chi phối, chiếm 51% vốn điều lệ ở Vinafood 2. Phần vốn còn lại sẽ thuộc về cổ đông chiến lược (25%), nhà đầu tư bên ngoài (22,97%) và nhân viên, công đoàn (1,03%).

Vinafood 2 sẽ chào bán cổ phần công khai với giá 10.100 đồng/cổ phiếu và bán cho đối tác chiến lược không thấp hơn mức này. Nếu muốn trở thành cổ đông chiến lược duy nhất ở Vinafood 2, T&T sẽ buộc chi hơn 1.260 tỉ đồng. Trong trường hợp muốn can thiệp sâu hơn vào Vinafood 2, T&T cần bỏ nhiều tiền hơn để mua cổ phần ở cả phiên chào bán cho nhà đầu tư bên ngoài. Về lâu dài, nếu Nhà nước tiếp tục thoái vốn, T&T còn có cơ hội gia tăng sở hữu ở Vinafood 2.

T&T gần như là ứng cử viên chắc chắn cho vị trí cổ đông chiến lược ở Vinafood 2 khi hiện nay, chỉ duy nhất T&T là đơn vị đăng ký tham gia vào vai trò này. Trước đó, trong danh sách quan tâm có cả Tập đoàn FPT, nhưng đến phút chót chỉ còn mỗi T&T.
Với động thái tiến vào Vinafood 2, T&T đã tỏ rõ quyết tâm bành trướng ở mảng nông nghiệp. 

Vinafood 2 là ai?
Với vị thế đặc biệt, từ nhiều năm trước, Vinafood 2 và Vinafood 1 đã chiếm khoảng 40% thị phần ngành gạo trong nước. Tuy nhiên, xét về hiệu quả kinh doanh, Vinafood 2 lại bị mất điểm trong mắt giới đầu tư. Doanh nghiệp này đã thua lỗ hàng trăm tỉ đồng suốt từ năm 2013 đến nay. Sang đến giữa năm 2017, theo số liệu công bố, Vinafood 2 vẫn còn lỗ lũy kế 912 tỉ đồng. Doanh thu thuần cũng tiếp tục giảm 36% vào năm 2016.

Đó là chưa kể Vinafood 2 dính phải hàng loạt các sai phạm liên quan đến quản lý tài sản, kinh doanh yếu kém, gây thất thoát nặng nề. Kết quả thanh tra tại Vinafood 2 cho thấy, trong 2 năm (2014-2015), Công ty đã chuyển nhượng đất đai, bán tài sản không đúng quy định.

Bau Hien tinh
 

Chẳng hạn, năm 2014, Vinafood 2 đã bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất sai quy định đối với lô đất gần 700m2 tại Chợ Gạo, Tiền Giang; bán 3 cồn nuôi trồng thủy sản và tài sản đi kèm cho Công ty Nông sản Thực phẩm Trà Vinh, bán 2 căn nhà (đường Điện Biên Phủ, Trà Vinh)... với tổng trị giá gần 115 tỉ đồng. Vinafood 2 cũng đã để thất thoát 54 tỉ đồng trong dự án khách sạn, văn phòng, trung tâm thương mại tại 34, 36, 42 Chu Mạnh Trinh và 33 Nguyễn Du, quận 1, TP.HCM.

Với nhiều sai phạm, đề án cổ phần hóa ở Vinafood 2 từng bị tắc lại và phải gia hạn thêm thời gian. Bây giờ, khi Vinafood 2 được định giá lại với mức 14.610 tỉ đồng (vốn nhà nước là 5.280 tỉ đồng) và những xáo trộn được dàn xếp thì IPO của Vinafood 2 mới chốt được thời điểm diễn ra. 

Dự kiến, ngay trong năm đầu sau cổ phần hóa, Vinafood 2 sẽ đạt doanh thu khoảng 11.890 tỉ đồng, tăng gần 20% so với năm 2016. Vinafood 2 cũng sẽ chấm dứt tình trạng thua lỗ và ước ghi nhận lợi nhuận sau thuế 118 tỉ đồng. Về chiến lược, Vinafood 2 muốn thay đổi cơ cấu xuất khẩu để cải thiện hoạt động, tăng thu hồi nợ, đa dạng nguồn vốn.

Đây có thể là những áp lực lớn cho T&T trong vai trò cổ đông chiến lược. Theo các báo cáo, những khoản nợ khó đòi, vay nợ lớn và nhiều công ty con làm ăn bết bát là các vấn đề không dễ giải quyết ở Vinafood 2. Bởi thế, khi đặt ra tiêu chí chọn lựa nhà đầu tư chiến lược, ngoài các yêu cầu về quy mô vốn (trên 2.500 tỉ đồng), kết quả kinh doanh (3 năm liên tục lãi), cam kết 5 năm không chuyển nhượng, Vinafood 2 còn muốn nhận được sự hỗ trợ, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực để giúp doanh nghiệp tái cơ cấu hoạt động, liên kết với nông dân tạo thành chuỗi khép kín, phát triển sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu gạo. Ở tiêu chí này, T&T lại chưa đủ kinh nghiệm.

T&T tiến sâu vào nông nghiệp
Chỉ tính riêng mảng nông nghiệp, T&T đã rót vốn đầu tư vào một loạt công ty như đầu tư sở hữu cổ phần ở Tổng Công ty Vật tư Nông nghiệp (Vigecam), Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor), Tổng Công ty Rau quả, Nông sản (Vegetexco), Công ty Xuất nhập khẩu và Đầu tư Hà Nội (Unimex Hà Nội), thuộc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) và một công ty kinh doanh nông sản.

Nếu gộp cả các lĩnh vực kinh doanh khác, T&T triển khai M&A khá dồn dập, với các thương vụ như mua lại 98% vốn ở Cảng Quảng Ninh từ Vinalines, trở thành cổ đông chiến lược của Bệnh viện Giao thông Vận tải, Bia Việt Hà... Đó là chưa tính đến những mảng chính yếu của T&T như kinh doanh thương mại (xe máy, phân phối rượu vang, collagen từ da cá, thức ăn chăn nuôi...) và bóng đá. Đặc biệt, T&T hiện là nhà đầu tư chiến lược ở Ngân hàng SHB, Công ty Chứng khoán SHS, Công ty Bảo hiểm BSH cũng như tham gia triển khai nhiều dự án bất động sản.

Nếu như T&T là tên tuổi đình đám ở các mảng thương mại, bóng đá, tài chính, bất động sản thì ở lĩnh vực nông nghiệp, T&T vẫn còn khá lặng lẽ. Điều này lý giải vì sao, trước mỗi thông tin T&T sắp rót vốn đầu tư vào một công ty nông nghiệp nào đó, người ta luôn tò mò: bầu Hiển thực sự muốn tham gia hay chỉ nhìn vào đất đai, tài sản? (Vegetexco, Vinafor hay Vinafood 2 đều sở hữu những vị trí đất đai đắc địa tại các thành phố lớn như TP.HCM, Hải Phòng...).

Bau Hien tinh
 

Tuy nhiên, khi xem xét bức tranh đầu tư của T&T, có thể thấy Tập đoàn có ý định nghiêm túc trong phát triển mảng nông nghiệp. T&T hiện có trong tay một số đơn vị có khả năng sản xuất, chế biến đa dạng các sản phẩm nông sản, từ rau củ quả, cà phê, chè, sắn... cho đến sắp tới là gạo. T&T cũng sở hữu cổ phần ở doanh nghiệp chuyên về bán hàng, phân phối. T&T lại có kinh nghiệm trong thương mại các sản phẩm thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp, thủy sản... Trong khi đó, Cảng Quảng Ninh là một trong những cửa ngõ quan trọng để xuất nhập khẩu vật tư nông nghiệp ở phía Bắc.

Đặc biệt hơn, ngày 22.1.2018, T&T đã chính thức ra mắt thị trường thương hiệu nông nghiệp T.Vita. Theo ông Hiển, đây sẽ là một thương hiệu nông sản an toàn được T&T sản xuất theo công nghệ cao. Tại buổi ra mắt, T&T đã thông qua công ty con ký kết thỏa thuận hợp tác công nghệ với P.Marom (công ty dẫn đầu về công nghệ nhà kính của Israel) và Enza Zaden (có 80 năm kinh nghiệm lai tạo giống rau củ quả ở Hà Lan).

Đại diện T&T cho biết, T&T muốn đạt tới khả năng tổ chức vận hành sản xuất và phân phối theo chuỗi khép kín, tích hợp công nghệ cao trong trồng trọt và chế biến, nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm và gia tăng giá trị nông sản Việt. T.Vita sẽ nhận chuyển giao công nghệ, kỹ thuật, giống, thiết bị nông nghiệp từ 2 đối tác trên.

T.Vita cũng đã triển khai các vùng nguyên liệu, nông trường mẫu tại vùng cao nguyên Tây Bắc, Lâm Đồng và đồng bằng sông Hồng, với diện tích sản xuất năm 2018 ước đạt 1.000ha và 500 hộ sản xuất liên kết. Theo dự kiến, các sản phẩm đầu tiên của T.Vita sẽ ra mắt vào cuối quý I này.

Bây giờ, với việc đặt chân vào Vinafood 2, T&T sẽ tiến dài hơn trong bước đường dấn thân vào mảng nông nghiệp. Bởi Vinafood 2 không chỉ hoạt động trong mảng sản xuất xuất khẩu gạo như một đơn vị bình thường. Vinafood 2, cùng với Vinafood 1, là những đứa con cưng của Nhà nước, được bảo bọc và cho hưởng nhiều ưu đãi. Đây là lợi thế rất lớn, nhất là trong một thị trường lúa gạo còn cần Nhà nước điều tiết do liên quan đến an ninh lương thực quốc gia.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới