Hủy
Doanh Nghiệp

Đánh thuế nặng người vay tiền nhiều

Thứ Sáu | 25/08/2017 09:12

Pháp Luật Online

Cho vay thế nào để đảm bảo an toàn là nhiệm vụ của ngân hàng chứ không phải của ngành thuế.
 

Trong dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) mới công bố, Bộ Tài chính đề xuất việc khống chế tỉ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu. Cụ thể, các DN sản xuất khi có phần chi trả lãi vay của khoản vay vượt quá năm lần vốn chủ sở hữu (5:1) thì phần chi trả lãi vay này sẽ không được tính vào chi phí hợp lý khi tính thuế TNDN. Tương tự, với các DN ở lĩnh vực khác, định mức để khoản lãi vay được tính vào chi phí hợp lệ là khoản vay không được vượt quá bốn lần vốn chủ sở hữu (4:1).

Riêng các lĩnh vực đặc thù như tín dụng, ngân hàng (NH) thì tỉ lệ tối đa là không quá 12 lần vốn chủ sở hữu. Bộ Tài chính cũng đề xuất thời điểm áp dụng quy định này là từ 1-1-2019.

Vay càng nhiều, nộp thuế càng nhiều

Theo lý giải của Bộ Tài chính, việc đề xuất bổ sung quy định mới về khống chế chi phí lãi tiền vay trong Luật Thuế TNDN nhằm đảm bảo lành mạnh hóa tài chính DN và của nền kinh tế, góp phần thúc đẩy việc tái cơ cấu kinh tế, chống chuyển giá.

“Thời gian qua nhiều DN có khoản vay vốn sản xuất, kinh doanh vượt gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu. DN ít vốn, hoạt động dựa nhiều vào vốn đi vay dẫn đến nguy cơ mất an toàn tài chính và là một trong những yếu tố làm ảnh hưởng đến thu ngân sách” - đại diện Bộ Tài chính lý giải.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và DN cho rằng nếu quy định khống chế chi phí lãi vay được áp dụng thì không chỉ khiến DN mất đi cơ hội làm ăn, gây thất thu cho ngân sách nhà nước mà còn làm gia tăng nguy cơ gian lận sổ sách. Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang, cho rằng việc Bộ Tài chính quy định khống chế lãi vay gây khó khăn lớn cho DN và làm giảm tăng trưởng tín dụng, đi ngược chủ trương của Chính phủ.

Ông Xoa ví dụ: Hiện tại một DN có 1 tỉ đồng nhưng có thể đi vay 10 tỉ đồng, khoản chi trả lãi vay của khoản vay 10 tỉ đồng được khấu trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN. Theo quy định mới được Bộ Tài chính đề xuất, chỉ có phần chi trả lãi vay cho khoản vay vượt bốn lần vốn chủ sở hữu là 4 tỉ đồng được khấu trừ khi tính thuế TNDN; còn phần chi lãi vay cho khoản vay 6 tỉ đồng còn lại không được khấu trừ, tức DN phải chịu thuế.

“Hệ quả của quy định này là nhà kinh doanh sẽ phải hạn chế vay. Bởi nếu vay càng nhiều phải đóng thuế càng nhiều khi chi phí trả lãi vay vượt quy định không được khấu trừ khi tính thuế TNDN” - luật sư Xoa nói.

Trói chân trói tay doanh nghiệp

Ông Nguyễn Tất Bính, Giám đốc công ty sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, kể bình thường những DN nhỏ có vốn chủ sở hữu tầm khoảng 5-10 tỉ đồng tiếp cận vốn vay NH đã không hề đơn giản. Giờ lại thêm quy định khống chế chi phí lãi tiền vay nữa thì không khác nào trói cả tay lẫn chân của người kinh doanh.

Việc không cho DN đưa phần tiền lãi vào chi phí hợp lý sẽ khiến các DN gặp khó khăn rất lớn trong việc vay vốn tín dụng. Đó là chưa kể nếu không được vay NH thì nhà kinh doanh chỉ còn cách vay nóng bên ngoài, qua người thân, bạn bè… với lãi suất cao hơn.

“Một khi chi phí lãi vay cao hơn nhưng lại không được khấu trừ vào thuế, DN chỉ còn cách đẩy vào giá thành sản phẩm. Điều này càng làm giảm lợi nhuận, giảm tính cạnh tranh của DN” - vị giám đốc công ty trên lo lắng.

Quá vô lý

Bà Dương Thị Thảo, chủ một DN chế biến thức ăn chăn nuôi gia cầm ở Bình Dương, đánh giá đề xuất vay càng nhiều phải đóng thuế càng nhiều của Bộ Tài chính quá vô lý.

“Vốn chủ sở hữu của công ty chúng tôi 50 tỉ đồng nhưng tài sản cố định được NH định giá là 400 tỉ đồng với hệ thống nhà xưởng, máy móc, thiết bị. Mỗi năm công ty vay 600-700 tỉ đồng để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Điều này cho thấy vốn chủ sở hữu không thể hiện hết năng lực tài chính của DN nên cơ quan quản lý không thể xem đây là yếu tố cốt lõi để đánh giá và làm căn cứ cho vay nhiều hay ít” - bà Thảo nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Lợi, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Thiên Phát, cho rằng với đề xuất trên thì không còn là tận thu mà phải nói là “triệt thu” mới đúng.

“Với quy định trói DN như trên thì cái mất mát lớn nhất là DN mất niềm tin, mất động lực. Những chính sách như thế không làm lành mạnh hóa thị trường tài chính mà làm khó DN thì đúng hơn” - ông Lợi bức xúc.

Làm khó cho cả ngân hàng

Tổng giám đốc một NH thương mại nêu quan điểm: Trước khi phê duyệt một khoản vay, NH xem xét báo cáo tài chính, kiểm tra dòng tiền lưu động, lợi nhuận của DN, phương án kinh doanh… Nếu đạt yêu cầu mới cho vay. Do vậy, việc Bộ Tài chính đưa ra quy định khống chế chi phí lãi tiền vay là không hợp lý và không rõ ràng.

“Việc giới hạn tỉ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu nếu chỉ nhằm để tìm DN tốt mới được vay vốn NH thì đây có phải là trách nhiệm của Bộ Tài chính hay không? Đưa ra quy định này là để hỗ trợ hay là để cản trở DN phát triển? Nếu DN có nhu cầu vay vốn gấp 10 lần vốn chủ sở hữu mà phương án kinh doanh hiệu quả và là khách hàng uy tín, lâu năm của NH, cộng thêm tài sản đảm bảo có giá trị gấp 20 lần vốn chủ sở hữu thì lý do gì NH lại từ chối cho vay” - vị tổng giám đốc NH này đặt vấn đề.

Cũng theo vị tổng giám đốc NH trên, nếu quy định khống chế chi phí hợp lý đối với khoản lãi vay được áp dụng vào thực tế thì chỉ tạo ra bức xúc, phản cảm đối với cộng đồng DN mà thôi. “Nói cách khác, quy định này là sự khống chế thô bạo mang tính hành chính, đi ngược quy luật thị trường”.

Chuyên gia tài chính-NH - TS Nguyễn Trí Hiếu phân tích: Tùy thuộc vào từng ngành nghề mà DN có nhu cầu vay vốn khác nhau. Nếu quy định này được áp dụng thì không chỉ ảnh hưởng đến DN mà cả NH cũng bị tác động. Bởi khi phê duyệt một khoản vay, NH sẽ nhìn vào tài sản bảo đảm, vòng quay vốn lưu động, đánh giá tình hình sức khỏe tài chính của DN dựa trên bản cân đối kế toán…

Qua đó xem DN làm ăn có lãi không, tính toán tỉ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu là bao nhiêu, tỉ lệ tài sản có ngắn hạn/tài sản nợ ngắn hạn như thế nào. Nếu một DN có uy tín, dòng tiền tốt, tài sản bảo đảm nhiều thì NH sẵn sàng đáp ứng nhu cầu vay của khách hàng có thể lên tới 6:1, 7:1 hoặc 10:1.

“Do đó, nếu Bộ Tài chính chỉ dùng tỉ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu để làm thước đo sức khỏe tài chính của DN là không hợp lý và làm khó cho cả người cho vay và người đi vay. Người đi vay NH phải chịu lãi, đó là tài sản nợ, không phải tài sản có nên không thể dựa vào khoản vay để đánh thuế” - ông Hiếu nhấn mạnh.

Lỗ cũng phải nộp thuế

Luật Thuế TNDN hiện hành quy định hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt mới được khấu trừ thuế giá trị gia tăng (VAT) đầu vào và tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.

Tuy nhiên, trong dự thảo Luật Thuế TNDN vừa công bố, Bộ Tài chính đề xuất quy định mức 10 triệu đồng bắt buộc phải thanh toán qua NH. Bộ Tài chính giải thích: Việc đưa ra quy định này nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, ngăn chặn gian lận trong việc khấu trừ, hoàn thuế VAT, phòng chống rửa tiền và góp phần minh bạch hóa các giao dịch mua bán.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và DN cho rằng quy định này làm rắc rối, mất công cho DN, không phù hợp với tình hình thực tế sản xuất, kinh doanh. Đại diện một DN cho hay một ngày phải chi rất nhiều khoản khác nhau, trong đó có rất nhiều khoản lặt vặt phải dùng tiền mặt. Vì vậy quy định hàng hóa có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đã là quá thấp. Nay nếu giảm xuống chỉ còn 10 triệu đồng sẽ càng làm DN tốn nhiều thời gian và công sức hơn…

Tại dự thảo sửa đổi Luật Thuế TNDN, Bộ Tài chính  cũng đề xuất bổ sung quy định áp dụng tỉ lệ thu thuế 1% đối với chuyển nhượng vốn của DN nước ngoài có hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, bất kể lãi hay lỗ nhằm tránh thất thu ngân sách nhà nước. Một số chuyên gia nhận xét quy định này bất hợp lý vì theo nguyên tắc có lãi mới phải nộp thuế, lỗ thì không thể bắt DN phải nộp thuế.

Nguồn Pháp luật online


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới