Hủy
Doanh Nghiệp

Dế vàng BBQ: Snack thế hệ mới

Đức Tài Thứ Ba | 20/09/2016 12:30

Dế vàng BBQ đã được vào chuỗi bán lẻ của một thương hiệu Nhật Bản và đang tiếp tục mở rộng kênh bán lẻ hiện đại.
 

Sản phẩm như một gói snack khoai tây hay tôm rang được bán rộng rãi trên thị trường, nhưng nếu để ý sẽ thấy logo hình chú dế vàng tươi cười thân thiện và dòng chữ “Dế vàng BBQ”. Đây chính là điều thú vị của sản phẩm BugSnack vì bên trong là những con dế được chế biến thành snack giòn, xốp nhưng không béo với nhiều hương vị rất phong phú. Đây cũng là sản phẩm snack dế nguyên con đầu tiên tại thị trường Việt Nam.

Thực tế, món ăn côn trùng khá phổ biến tại các nước như Thái Lan, Campuchia, Indonesia... bày bán ở nhiều khu chợ. Đối với Việt Nam, món ăn từ côn trùng cũng không xa lạ như bọ cạp chiên, châu chấu sốt sa tế, bọ xít rang lá chanh, trứng cà cuống phơi khô để làm bánh ngọt, dế chiên... Nhưng dường như các món ăn này chỉ mới dừng lại ở mức độ “ăn chơi” hơn là trở thành sản phẩm bán rộng rãi trên thị trường. Bởi việc cầm và thưởng thức hương vị của một con sâu hay dế cũng còn khiến nhiều người e dè. Đây cũng là một trong những thử thách lớn của BUG, công ty tiên phong phát triển thực phẩm côn trùng tại Việt Nam.

Tốt nghiệp chuyên ngành công nghệ sinh học, cảm thấy hứng thú với việc nuôi côn trùng từ những năm 2009, anh Bùi Ngọc Chương, được nhiều người biết đến tên gọi là “Chương dế”, chủ yếu nuôi và bán các loại côn trùng như sâu, bọ cạp, đuông dừa và các loại dế... cho các quán ăn, nhà hàng.

“Trong khi người dân Việt Nam còn e ngại với những sản phẩm từ côn trùng, thì trên thế giới, côn trùng tạo nên ngành công nghiệp thực phẩm trên dưới 1 tỉ USD”, anh Chương cho biết. Năm 2012, Công ty BUG được thành lập và có những bước tiến nghiên cứu kỹ hơn về thị trường thực phẩm côn trùng. Để cho ra được sản phẩm, anh và các cộng sự bỏ ra gần 2 năm nghiên cứu công nghệ chiên dế và tách dầu nhưng vẫn giữ được dinh dưỡng trong dế. “Thời điểm thành lập Công ty, chúng tôi chủ yếu cung ứng nguyên liệu cho nhà hàng. Ngoài ra, do đang trong giai đoạn khởi nghiệp ở một lĩnh vực hoàn toàn mới, chúng tôi phải mở nhiều kênh bán hàng, kể cả bán dạo, để tiếp cận và tìm hiểu nhu cầu thị trường. Tôi cũng trực tiếp nghiên cứu thị trường một số nước khu vực Đông Nam Á, cũng như tìm hiểu thêm một số sản phẩm khác như bột năng lượng (protein bar) của Mỹ được sản xuất từ côn trùng, hay con nui của Pháp được làm từ sâu”, anh Chương cho biết.

De vang BBQ: Snack the he moi
Sản phẩm snack dế đã thu hút được sự chú ý của người tiêu dùng. Ảnh: Sơn Phạm

Sau nhiều lần thất bại, nhờ sự hỗ trợ của các chuyên gia ngành công nghệ thực phẩm, BUG đã thành công trong việc đưa ra sản phẩm mới đầu tiên là “Dế vàng BBQ”. Cùng với vùng nuôi dế nguyên liệu được đặt tại vùng Cầu Đất nổi tiếng của Đà Lạt và một số hộ liên kết nuôi dế nguyên liệu tại Củ Chi và Long An. Hiện Công ty cũng đã gần như hoàn chỉnh quy trình khép kín chế biến dế. Giá bán lẻ sản phẩm đang ở mức 20.000 đồng/gói, được cung ứng khắp các tỉnh thành từ Bình Định trở vào TP.HCM. Sản phẩm cũng được vào chuỗi bán lẻ của một thương hiệu Nhật Bản và đang tiếp tục mở rộng kênh bán lẻ hiện đại.

Cầm trên tay thanh protein hương trà xanh để giới thiệu cho NCĐT, anh Chương cho biết, đây là một sản phẩm được sử dụng như một loại lương khô; sản phẩm này do Mỹ sản xuất. Theo anh, protein bar được sản xuất từ côn trùng và sử dụng rộng rãi và có một quỹ đầu tư hơn 5 triệu USD để phát triển. BUG cũng đang xúc tiến, đẩy mạnh nghiên cứu để ngay trong năm sau sẽ có thể đưa ra thị trường sản phẩm tương tự phù hợp với người tiêu dùng Việt Nam.

Theo Tổ chức Nông Lương Liên hiệp Quốc (FAO), khoảng 2 tỉ người trên thế giới có thói quen ăn côn trùng. Nguồn thức ăn từ côn trùng có thể là giải pháp cho tình trạng thiếu hụt thực phẩm theo đà tăng dân số toàn cầu. Côn trùng sẽ là nguồn thực phẩm chính trong tương lai và hiện nay ở các quốc gia phát triển như Pháp, Ý, Nhật và các nước châu Á như Thái Lan, Trung Quốc, Campuchia... Theo FAO, chỉ riêng tại Thái Lan, ngành này tạo được khoản thu hàng triệu đô la mỗi năm với hơn 20.000 trang trại. Đáng chú ý là thị trường khó tính như châu Âu cũng đang thay đổi quan niệm về thực phẩm côn trùng.

Ông Caparros Megido Rudy, giảng viên Đại học Tổng hợp Liège, Bỉ, cho biết: “Tôi đang nghiên cứu cách thức để người tiêu dùng thay đổi quan niệm về côn trùng. Ví dụ tôi chứng minh về hàm lượng dinh dưỡng thì khi đó cho thấy con châu chấu không khác con tôm là mấy”. Để tránh tâm lý e ngại của người tiêu dùng, nhiều sản phẩm được chế biến khác đi nhưng vẫn giữ được các dưỡng chất và lại có cách sử dụng tiện lợi hơn. Hiện nay, có một số doanh nghiệp đang kinh doanh mặt hàng đặc biệt này vẫn phải nhập khẩu nguyên liệu từ các nước nhiệt đới. Thái Lan, Trung Quốc đã bắt đầu xuất khẩu côn trùng nguyên con hoặc dưới dạng bột cung cấp cho thị trường châu Âu...

Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này khi nhiều trại nuôi dế khá phát triển ở Đồng Nai, Củ Chi, Long An, trung bình các trại xuất ra thị trường 5-6 tấn/tháng. “Nuôi dế nói riêng và các loại côn trùng khác nói chung không khó; dế hiện nay được bán với giá 100.000 đồng/kg, mỗi thùng hoặc mỗi mét vuông có thể cho ra hàng chục kg dế thương phẩm mỗi tháng”, ông Trương Thanh Dũng, chủ một trại dế tại Long An, cho biết.

Theo ông Dũng, Việt Nam là nước nhiệt đới nên côn trùng đa dạng, có điều kiện để nuôi, nên cũng là một hướng phát triển cho nhiều hộ gia đình. Tuy nhiên, cũng cần có sự quản lý chặt chẽ cũng như quy hoạch cụ thể, rõ ràng để trở thành một ngành sản xuất, xuất khẩu tiềm năng. Đặc biệt, hành lang luật pháp về nuôi, sản xuất và tiêu thụ côn trùng thực phẩm chưa được chú ý. Vì đây vẫn đang là một loại thực phẩm mới cần tuân thủ tiêu chuẩn chung về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đức Tài


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới