Hủy
Doanh Nghiệp

Doanh nghiệp trở thành đại chúng trước 15/11/2013 không bị bắt buộc lên sàn

Thứ Năm | 27/03/2014 08:11

Tại Hội nghị Doanh nghiệp đại chúng chưa niêm yết diễn ra ngày 26/3, khá nhiều doanh nghiệp quan tâm đến quy định bắt buộc niêm yết theo Nghị định 108.
 

Nghị định 108 có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2013, liệu rằng những doanh nghiệp đã trở thành đại chúng trước đó có phải chịu sự chi phối của Nghị định này hay không?

Cụ thể, trong quy định mới nêu rõ nếu doanh nghiệp không đưa chứng khoán đã chào bán ra công chúng vào giao dịch trên thị trường có tổ chức trong thời hạn 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán, trừ trường hợp không đủ điều kiện niêm yết. Nếu không thực hiện sẽ bị phạt tiền từ 100 đến 150 triệu đồng và buộc phải thu hồi chứng khoán đã chào bán cùng tiền lãi (nếu có) trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Sơn, Vụ Trưởng Vụ phát triển thị trường - Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết đối với các doanh nghiệp trở thành doanh nghiệp đại chúng trước khi Nghị định 108 có hiệu lực sẽ không bị áp lực này bởi Nghị định 108 không có hiệu lực hồi tố.

Một vấn đề khác cũng nhận được nhiều sự quan tâm là việc phát hành dưới mệnh giá. Có doanh nghiệp hỏi rằng, đối với doanh nghiệp niêm yết đã thực hiện chào bán chứng khoán dưới mệnh giá, mọi quy trình thủ tục đã thực hiện xong, vốn cũng đã được huy động. Tuy nhiên, khi nộp hồ sơ yêu cầu thay đổi giấy phép đăng ký kinh doanh thì bị Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời không có văn bản luật hướng dẫn, việc này gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp. Giải đáp vấn đề này, ông Sơn cho biết đúng là chưa có văn bản hướng dẫn và cần sửa Luật doanh nghiệp, tuy nhiên theo UBCK được biết thì đã có một số doanh nghiệp chào bán cổ phần dưới mệnh giá nhưng không vấp phải khó khăn này và UBCK sẽ xem xét để có thể giải quyết tốt nhất cho các bên.

Đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực dược phẩm đã niêm yết trên thị trường tổ chức, chỉ cần nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần thì sẽ bị hạn chế lĩnh vực kinh doanh. Để tránh rơi vào trường hợp này, ông Sơn gợi ý doanh nghiệp nên gửi văn bản đến UBCK yêu cầu khóa room nước ngoài, khi đó UBCK sẽ hạn chế nhà đầu tư nước ngoài mua vào nhưng bán ra thì vẫn được và bán đến đâu UBCK khóa room đến đó.

Cuối cùng, liên quan đến vấn đề lưu ký chứng khoán trên Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), bà Vũ Thị Chân Phương, Vụ Trưởng Vụ Thanh tra – UBCK, cho rằng doanh nghiệp nên đăng ký tập trung tại VSD hay các Sở giao dịch để đảm bảo lợi ích cho cổ đông và không vướng phải những khiếu kiện không đáng có.

Bổ sung thêm, ông Sơn chia sẻ khi đăng ký tập trung tại VSD thì VSD sẽ làm sổ cổ đông cho doanh nghiệp. Mọi hoạt động mua bán, chuyển nhượng của cổ đông sẽ được cơ quan quản lý kiểm soát giúp doanh nghiệp, tránh trường hợp các nhóm cổ đông liên kết thành cổ đông lớn hay chốt quyền để chia cổ tức, tổ chức Đại hội đồng cổ đông cũng được VSD kiểm soát. Về mức phí, phí đăng ký đại chúng 10 triệu đồng, còn phí lưu ký chỉ xuất hiện khi chuyển nhượng hay doanh nghiệp yêu cầu chốt danh sách cổ đông, gửi thư mời dự Đại hội đồng cổ đông và mức phí là 5 triệu đồng.

Nguồn Vietstock/Công lý


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới