Hủy
Doanh Nghiệp

Doanh nghiệp vật liệu xây dựng bế tắc đầu ra

Thứ Sáu | 07/09/2012 21:50

Hàng tồn kho của doanh nghiệp gốm sứ lên tới 3.500 tỷ đồng, nhà máy sản xuất bê tông khí chưng áp hoạt động với 15% công suất.
 

Hàng tồn kho của doanh nghiệp gốm sứ lên tới hơn 40 triệu m2 (tương đương 3.500 tỷ đồng). Ông Đinh Quang Huy, Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Việt Nam cho hay, để giải phóng hàng tồn kho, Chính phủ phải sớm có chính sách kích cầu thị trường bất động sản, xây dựng cơ bản

Gạch bê tông khí chưng áp (được làm từ vôi, cát, thạch cao, xi măng được sản xuất theo công nghệ khí chưng áp, siêu nhẹ, có độ bền cao), cũng rơi vào tình trạng tương tự. Cả nước hiện có 12 nhà máy sản xuất bê tông khí chưng áp, công suất 1.500 m3/năm đang hoạt động, nhưng chỉ sử dụng 15% công suất.

Theo ông Kiều Văn Mác, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Bê tông khí chưng áp Sông Đà - Cao Cường, so với các vật liệu khác, gạch bê tông khí phải chịu nhiều khó khăn hơn trong tiêu thụ. Đó là nhu cầu thị trường giảm và tâm lý của người tiêu dùng chưa sẵn sàng sử dụng loại vật liệu mới này. Với mức tiêu thụ 15% công suất, hiện 12 nhà máy này đều ở trong tình trạng lỗ và khả năng phải đóng cửa là rất lớn.

Do làm ăn thua lỗ, cổ phiếu SCL của Công ty Bê tông khí chưng áp Sông Đà - Cao Cường đã bị vào danh sách cổ phiếu không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ từ ngày 20/8/2012. Lợi nhuận sau thuế trên Báo cáo tài chính bán niên 2012 có soát xét của Sông Đà Cao Cường bị âm hơn 2,7 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Chung, Tổng thư ký Hiệp hội Kính Việt Nam cho biết, tồn kho của 4 nhà máy kính nổi tính đến hết tháng 6/2012 là 264.000 tấn, tương đương 5 tháng sản xuất. Báo cáo tài chính của các nhà máy kính nổi đều trong tình trạng lỗ nhiều thêm. Ví dụ, Công ty cổ phần Viglacera Đáp Cầu bị lỗ trong 7 tháng đầu năm 2012 trên 20 tỷ đồng.

Sức mua thị trường xuống thấp, hàng tồn kho tăng nhanh, nên điều mà các doanh nghiệp vật liệu xây dựng (VLXD) mong được tháo gỡ nhất lúc này là làm thế nào để kích cầu thị trường xây dựng. Vì vậy, một trong những nội dung kiến nghị nhận được sự đồng tình của các ngành, được Hội VLXD Việt Nam đưa ra, là đề nghị Nhà nước sớm có chính sách kích cầu tích cực, công trình xây dựng ở trong nước phải sử dụng VLXD trong nước sản xuất, sử dụng VLXD nội địa, hạn chế tối đa hàng nhập khẩu. Đối với việc nhập khẩu, đề nghị nên rà soát, bổ sung các hàng rào kỹ thuật, hạn chế nhập khẩu VLXD trong nước đã dư thừa.

Nguồn Báo Đầu tư


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới