Hủy
Doanh Nghiệp

Doanh nghiệp Việt "sốt vó" vì NDT

Thứ Hai | 24/08/2015 12:30

Ai là kẻ thắng người thua giữa lúc Nhân dân tệ phá giá?
 

Chuyện đồng nhân dân tệ giảm giá xuống mức thấp nhất trong 2 thập kỷ là tin vui cho một số doanh nghiệp trên thế giới đang làm ăn với Trung Quốc. Số khác lại lo ngại. Còn các doanh nghiệp Việt Nam thì sao?

Xuất khẩu đứng ngồi không yên

Do xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc từ nhiều năm nay, nên trong thời điểm đồng nhân dân tệ giảm giá, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Thương mại Vân Phát cũng bị ảnh hưởng trên từng giá trị đơn hàng.

Trung bình mỗi tháng, Vân Phát xuất khẩu khoảng 4 container hàng sang thị trường Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Vì giao hàng mới nhận tiền nên khi đồng nhân dân tệ mất giá, các doanh nghiệp Trung Quốc càng ép giá xuống thấp. “Nếu chấp nhận xuất thì Công ty chắc chắn thua lỗ ít nhất 300 triệu đồng”, ông Bùi Thanh Vân, Giám đốc Công ty Vân Phát chia sẻ.

Sau một vài chuyến hàng thua lỗ hoặc phải chở về lại Việt Nam, ông Vân đang tìm thêm thị trường tiềm năng khác như Nga hay Malaysia. Tuy nhiên, do Trung Quốc hiện chiếm 40% kim ngạch xuất khẩu rau quả trái cây của Việt Nam, nên nhiều công ty khác trong lĩnh vực này cũng bị ảnh hưởng nặng.

Doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là qua tiểu ngạch và thỏa thuận miệng. Vì thế, giá có thể thay đổi bất kể khi nào. Khi đồng nhân dân tệ giảm, các doanh nghiệp Trung Quốc chắc chắn sẽ quay sang ép giá doanh nghiệp Việt. Bên cạnh nông sản, lĩnh vực xuất khẩu thủy sản cũng đang gặp khó khăn.

Sau khi gặp vấn đề về tỉ giá tại thị trường Nga và trở ngại ở châu Âu vào năm ngoái, nhiều doanh nghiệp thủy sản đã tìm đến thị trường Trung Quốc như một chỗ trú chân. Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cá tra xuất khẩu của Việt Nam đã chiếm 8% thị phần cá tra tại Trung Quốc trong năm 2014, dự báo sẽ lên mức 10% vào cuối sau nay. Thế nhưng, đồng nhân dân tệ giảm giá sẽ là cái cớ để doanh nghiệp Trung Quốc thương lượng hoặc điều chỉnh hợp đồng, ảnh hưởng đến lợi nhuận của các doanh nghiệp Việt.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, cho biết thị trường Trung Quốc đang được nhiều doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đánh giá là rất tiềm năng. Dù Ngân hàng Nhà nước đã nhanh chóng điều chỉnh tỉ giá giúp doanh nghiệp xuất khẩu vào Trung Quốc giảm bớt áp lực, nhưng khi nước khác cũng giảm giá đồng tiền, doanh nghiệp thủy sản của Trung Quốc có thể sẽ xuất khẩu trở lại và trở thành đối thủ cạnh tranh với doanh nghiệp Việt. Rõ ràng, ngành thủy sản đã khó lại càng khó hơn.

Nhập khẩu khấp khởi mừng thầm

Trong lúc các doanh nghiệp xuất khẩu tỏ ra lo lắng, một số doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa từ thị trường Trung Quốc lại khá hồ hởi khi đồng nhân dân tệ mất giá, nhất là những doanh nghiệp nhập khẩu máy móc thiết bị. Theo ông Võ Hải Phong, Phó Giám đốc Công ty Thiên Bình, ảnh hưởng của tỉ giá khiến giá máy móc thiết bị từ Trung Quốc giảm đến 10% so với trước.

Ở lĩnh vực may mặc, Công ty May Garmex cho biết do đã ký hợp đồng 20 triệu USD mua nguyên liệu, bán hàng hóa với các đối tác Trung Quốc đến hết năm 2015 bằng tiền USD, nên hiện tại Công ty không có thay đổi gì trong kế hoạch mua thêm nguyên phụ liệu từ Trung Quốc. “Nhưng có thể các đơn hàng mới sẽ có khó khăn. Khi tỉ giá nhân dân tệ giảm, hàng Trung Quốc xuất khẩu cũng sẽ giảm giá và cạnh tranh với mức giá của doanh nghiệp Việt. Như vậy, dù chúng ta có hưởng thuế xuất thấp thì cũng khó cạnh tranh với Trung Quốc”, ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch Garmex, nhận định.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp dệt may nhập khẩu nguyên phụ liệu từ Trung Quốc đang lên kế hoạch tận dụng cơ hội nhập khẩu máy móc với giá rẻ. Tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, trên 90% hợp đồng nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên vật liệu được thanh toán bằng đồng nhân dân tệ. Theo bà Đặng Phương Dung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, sắp tới các doanh nghiệp dệt may nhập khẩu nguyên phụ liệu và máy móc Trung Quốc cũng sẽ tăng cường hoạt động. Ðiều này sẽ ảnh hưởng lớn đến việc đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu trong nước để chuẩn bị cho TPP.

Nhân cơ hội này, doanh nghiệp Trung Quốc đang rất háo hức chuẩn bị cho cuộc đổ bộ hàng giá rẻ vào Việt Nam. Trong một buổi tiếp xúc giữa doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Sợi tổng hợp Bác Thao (Hồ Bắc, Trung Quốc) cho biết doanh nghiệp này đã xuất vải sợi sang nhiều tỉnh thành của Việt Nam như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng... vì mức giá sợi từ Trung Quốc rẻ hơn so với Hàn Quốc và nhiều nước khác.

“Việc phá giá đồng nhân dân tệ có thể giúp Bác Thao tăng lợi nhuận thêm 2% trên mỗi tấn hàng. Nhưng chúng tôi quyết định dành 2% này để giảm giá thành sản phẩm, tăng số lượng xuất khẩu và mở rộng thị trường không chỉ riêng Việt Nam”, ông Trương Thế Bác, Phó Tổng Giám đốc Bác Thao, nói.

Mảng kinh doanh ôtô tải Trung Quốc cũng nhận được cú hích trong dịp này. Vài năm trở lại đây, tỉ lệ ôtô Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam là tương đối lớn, đặc biệt là dòng ôtô tải. Ông Tu Xiulin, Giám đốc một công ty xuất khẩu ôtô Trung Quốc, cho biết thị trường Việt Nam rất rộng lớn và nhu cầu tiêu thụ ôtô vẫn cao. “Các chính sách tiền tệ của Trung Quốc có thể hỗ trợ doanh nghiệp giảm giá xe, giành ưu thế trước các đối thủ khác đến từ Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật... khi tham gia vào thị trường Việt Nam”, vị này cho hay.

Công ty Ôtô Tân Sở Phong Hồ Bắc là một trường hợp cụ thể. Họ hiện có khá nhiều đơn hàng xuất khẩu ôtô đầu kéo, rơ-mooc... sang Việt Nam. Đầu năm 2015 đến nay, các loại ôtô xuất sang Việt Nam Tân Sở Phong Hồ Bắc đã giảm 5% về giá, thấp hơn nhiều các hãng khác. “Việc nhân dân tệ phá giá chưa giúp giá sản phẩm giảm thêm, nhưng cũng sẽ tốt hơn cho chúng tôi khi xuất khẩu sang Việt Nam”, ông Vũ Văn Lôi, Phó Tổng Giám đốc Công ty, chia sẻ.

Mai Hân


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới