Hủy
Doanh Nghiệp

Doanh nghiệp vốn điều lệ 1 tỷ đồng sẽ chi 1.900 tỷ mua cổ phần Vietjet Air

Thứ Ba | 24/01/2017 15:44

Việc phát hành riêng lẻ gần 7,5% cổ phần cho Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny là một nội dung vừa được Đại hội cổ đông Vietjet thông qua.
 

Công ty cổ phần Hàng không Vietjet (Vietjet Air) vừa công bố Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông dưới hình thức lấy ý kiến bằng văn bản. Đại diện trên 90% cổ phần có quyền biểu quyết đã thông qua nhiều vấn đề như đăng ký, lưu ký, niêm yết cổ phiếu, phương án phát hành riêng lẻ; chủ trương thành lập công ty con, ủy quyền cho HĐQT...

Trong đó, Vietjet Air dự kiến phát hành riêng lẻ gần 22,4 triệu cổ phần, tương đương 7,46% số lượng đang lưu hành cho một nhà đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny với giá 84.600 đồng mỗi cổ phần. Tổng số tiền thu về đạt gần 1.900 tỷ đồng, thực hiện trong năm 2017 sau khi có quyết định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Cũng theo phương án phát hành, 76% số tiền thu được (1.453 tỷ đồng) được Vietjet Air sử dụng để thuê, đặt cọc máy bay, 225 tỷ đồng dùng để đầu tư hệ thống công nghệ thông tin và hơn 215 tỷ để sử dụng cho mục đích khác.

Theo thông tin từ Cổng thông tin Đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny được thành lập ngày 2/11/2016 với vốn điều lệ 1 tỷ đồng. Chủ sở hữu của công ty, Giám đốc và người đại diện theo pháp luật khi thành lập là bà Nguyễn Thị Phương Thảo, cũng đồng thời là Tổng giám đốc của Vietjet Air. Đến ngày 16/11/2016, chức danh Giám đốc và người đại diện theo pháp luật của Hướng Dương Sunny được chuyển giao cho ông Đào Duy Tường.

Bên cạnh đó, Vietjet Air cũng thông qua quyết định đăng ký niêm yết toàn bộ 300 triệu cổ phần tại Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE). Theo thông tin trước đó từ Reuters, cổ phiếu của hãng khả năng sẽ lên sàn ngày 23/2/2017 với mức định giá từ 75.900 đến 98.400 đồng mỗi đơn vị.

Theo nghị quyết nêu trên, cổ đông Vietjet cũng thông qua chủ trương thành lập các công ty con, công ty liên doanh, liên kết trong nhiều lĩnh vực, như cho thuê máy bay (aircraft leasing), dịch vụ sân bay, nhượng quyền thương hiệu, thương mại điện tử và dịch vụ tài chính, bảo hiểm.

Một số quyết định thuộc thẩm quyền Đại hội đồng cổ đông như giao dịch, đầu tư hoặc bán tài sản vượt quá 50% giá trị tổng tài sản công ty; quyết định giao dịch với bên có liên quan ít nhất bằng 30% tổng tài sản cũng được ủy quyền cho Hội đồng quản trị quyết định.

Theo số liệu từ Cục Hàng không Việt Nam (CAAV), tính đến hết tháng 6/2016, Vietjet Air chiếm 41,5% thị phần vận chuyển hành khách bằng đường hàng không, chỉ kém hãng Hàng không quốc gia Việt Nam - Vietnam Airlines 1%. Trong khi thị phần của Jetstar Pacific, đối thủ cạnh tranh của Vietjet Air cùng phân khúc chỉ đạt 14,2%.

Theo một báo cáo đánh giá triển vọng Vietjet Air năm 2017 của Trung tâm Hàng không châu Á - Thái Bình Dương (CAPA), thách thức với Vietjet Air là việc tiếp cận thị trường quốc tế trong năm tới, khi thị trường hàng không nội địa không thể giữ được tốc độ tăng trưởng 2 con số như những năm gần đây.

"Vietjet đã cực kỳ thành công trong 5 năm đầu. Nhưng những gì họ làm được hoàn toàn là trong nước. Thị trường nội địa đã bắt đầu chậm lại, và việc mở rộng ra quốc tế sẽ khó khăn hơn. Nhiều người đang nghi ngờ họ có thể tiếp tục đà tăng trưởng hiện tại được không", Brendan Sobie - nhà phân tích tại hãng tư vấn hàng không CAPA trả lời phỏng vấn Reuters cho biết.

Tính đến hết năm 2015, tổng nguồn vốn của Vietjet Air đạt gần 12.045 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu hơn 2.147 tỷ, còn lại gần 9.900 tỷ đồng nghĩa vụ phải trả. Đến cuối năm 2015, hãng đang vay nợ hơn 3.500 tỷ đồng. 

Nguồn VnExpress


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới