Hủy
Doanh Nghiệp

Doanh nghiệp xi măng chờ chính sách tháo gỡ khó khăn cho thị trường xây dựng

Thứ Năm | 06/12/2012 10:08

Năm 2012 thua lỗ khiến doanh nghiệp xi măng dè dặt trong lập kế hoạch năm 2013 và trông chờ vào chính sách tháo gỡ khó khăn lĩnh vực xây dựng.
 

Tiêu thụ xi măng 11 tháng năm 2012 đã giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước, đạt 42 triệu tấn (tính cả xuất khẩu đạt gần 50 triệu tấn). Bức tranh bao trùm ngành xi măng năm 2012 là thua lỗ, tồn kho cao, nặng gánh nợ nần.

Thực tế này khiến các doanh nghiệp khá dè dặt với việc lập kế hoạch kinh doanh cho năm 2013 và đang trông chờ vào sự ấm lên của thị trường bất động sản.

Ông Bùi Trần Đông, Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Mỏ Việt Bắc, với thương hiệu xi măng Vinacomin cho biết, năm 2012, ngành xi măng đã rất khó khăn, dự báo năm 2013 cũng chưa mấy sáng sủa.

Số liệu thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, 11 tháng đầu năm 2012, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) tiêu thụ được 1,850 triệu tấn xi măng. Năm 2012, Vinacomin dự kiến tiêu thụ 2,2 triệu tấn xi măng. Trong khi, tổng công suất của 3 nhà máy (Quán Triều, Tân Quang, La Hiên) xấp xỉ 3 triệu tấn.

Theo ông Đông, năm 2012, trong khi nhiều doanh nghiệp khác lỗ nặng, hoặc tiêu thụ tục dốc, nhưng Vinacomin vẫn tiêu thụ đạt 80% công suất. Tuy nhiên, do mới đi vào sản xuất từ cuối năm 2010 đến nay, doanh nghiệp này vẫn bị lỗ kế hoạch 30-40 tỷ đồng.

Không riêng Vinacomin, khi được hỏi về kế hoạch kinh doanh cũng như triển vọng thị trường xi măng năm 2013, phần lớn doanh nghiệp ngành xi măng đều có chung dự báo, sức mua của thị trường chưa có dấu hiệu cải thiện.

Là doanh nghiệp có thị trường xuất khẩu khá ổn định trong ngành xi măng, Tập đoàn Xi măng The Vissai (Ninh Bình) dự kiến cũng chỉ tiêu thụ được hơn 5 triệu tấn, trong đó xuất khẩu 2 triệu tấn.

“Năm 2013, nếu nỗ lực bám thị trường xuất khẩu và các khách hàng là các dự án bất động sản lớn, tiêu thụ xi măng của Tập đoàn dự báo chỉ tăng được 5%”, ông Hoàng Mạnh Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Xi măng The Vissai, nhận định.

Đồng quan điểm, ông Đông cho rằng, nếu năm 2013, Chính phủ không có những chính sách kịp thời, tháo gỡ khó khăn cho thị trường xây dựng, thì thị trường xi măng sẽ chứng kiến một loạt doanh nghiệp phá sản, thậm chí ngay cả Vinacomin cũng không thoát khỏi khó khăn về tài chính.

Nguồn Báo đầu tư


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới