Hủy
Doanh Nghiệp

Đua nhau lập công ty phân phối

Thứ Hai | 20/07/2009 09:12

Nhiều doanh nghiệp FDI và tập đoàn nước ngoài có văn phòng lâu năm tại Việt Nam đang tích cực lập công ty phân phối sản phẩm.
 

Sau khi quy định cho phép doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được phép mở rộng đăng ký quyền nhập khẩu và phân phối bắt đầu có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp đã tiến thêm một bước bằng việc thành lập công ty chuyên phát triển phân phối sản phẩm của chính doanh nghiệp mình.

Thời điểm tốt


Đại diện Canon cho biết, họ vẫn cần nhà phân phối của Việt Nam hơn là tự thành lập công ty phân phối.

Với 2 nhà phân phối lâu năm là Công ty Sao Nam và Silicom, Tập đoàn Brother International, chuyên sản xuất máy in, thiết bị văn phòng, máy khâu công nghiệp của Nhật Bản, rất hài lòng về mức tăng trưởng tại thị trường Việt Nam trong thời gian qua. Chỉ tính trong giai đoạn 2003-2008, doanh số của họ đã tăng gấp 3,5 lần. Tập đoàn cũng đã thành lập nhà máy sản xuất tại tỉnh Hải Dương vào năm 2007. Nhưng chính thời điểm đáng lẽ cần duy trì thế ổn định như lúc này, Brother International lại thành lập chi nhánh kinh doanh tại TP.HCM, thay thế văn phòng đại diện trước đây và trở thành một trong những công ty 100% vốn nước ngoài đầu tiên trong lĩnh vực phân phối.

Ông Yoshihiro Nakayama, Tổng Giám đốc Brother International Việt Nam, cho rằng bất chấp tác động khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Việt Nam vẫn là mảnh đất hứa cho các nhà đầu tư nước ngoài. Việc thành lập công ty mới có vốn đầu tư 2 triệu USD sẽ giúp cho việc xây dựng thương hiệu và làm mảng hậu cần của Công ty tốt hơn.

Trước đó, từ tháng 3.2009, Sojitz Asia Pte Ltd, công ty con ở Singapore của Tập đoàn Sojitz (Nhật Bản), đã được phép thành lập công ty hoạt động xuất, nhập khẩu, phân phối bán sỉ và phân phối bán lẻ tại Việt Nam (nhưng không được thành lập cơ sở bán sỉ và bán lẻ).

Tiếp nối hai tên tuổi trên, 2 tập đoàn lớn của Nhật Bản là Nissan và Sharp cũng công bố thành lập công ty mới. Chính thức công bố liên doanh với Tập đoàn Ôtô Việt Nam VMC, ngoài hợp tác lắp ráp ôtô, Nissan còn đảm nhận khâu phân phối với việc thành lập Công ty Nissan Việt Nam, liên doanh giữa Nissan và doanh nghiệp phân phối ôtô Kjaer Group A/S của Đan Mạch.

Còn Sharp, sau 13 năm hợp tác với các nhà phân phối Việt Nam phân phối các mặt hàng điện tử, điện lạnh cũng đã khai trương Công ty Điện tử Sharp Việt Nam vào đầu tháng 7.2009. Công ty này sẽ nhập khẩu sản phẩm điện tử, điện lạnh và điện gia dụng, thiết bị văn phòng và các linh phụ kiện sửa chữa và thay thế, đồng thời tiếp quản toàn bộ trách nhiệm liên quan đến hàng hóa như cam kết chất lượng, chế độ bảo hành, dịch vụ hậu mãi từ Công ty Mitsui Việt Nam, nhà phân phối ủy thác sản phẩm Sharp tại Việt Nam từ tháng 10.2007 đến tháng 6.2009.

Nhưng còn cẩn trọng

Ông Masatoshi Asao, phụ trách văn phòng Canon Singapore tại Việt Nam, cho rằng các doanh nghiệp FDI thành lập công ty mới để đẩy mạnh phân phối là một xu hướng tích cực, cho thấy Việt Nam là điểm thu hút đầu tư nước ngoài và là thị trường tiêu thụ sản phẩm hấp dẫn, với mức tăng trưởng ổn định và có những cải thiện đáng kể về cơ sở hạ tầng. Đó là lý do các công ty nước ngoài nhìn nhận đây là thị trường tiềm năng để mở rộng hoạt động kinh doanh.

Nhưng ông Asao khẳng định, Canon dù đã có tới 3 nhà máy tại Việt Nam, nhưng vẫn cần một nhà phân phối nội địa để có thể thực hiện tốt các hoạt động kinh doanh phù hợp với tình hình nội địa, thay vì lập công ty chuyên phân phối. Ông cho rằng, các nhà phân phối nội địa rất có kinh nghiệm và hiểu biết sâu sắc về thị trường, có mạng lưới phân phối mạnh trên toàn quốc cùng đội ngũ lãnh đạo giỏi.

DÙ KINH TẾ KHÓ KHĂN, VIỆT NAM VẪN ĐƯỢC NHÌN NHẬN LÀ MỘT THỊ TRƯỜNG RẤT TIỀM NĂNG.


Có thể nói, chinh phục thị trường nội địa Việt Nam thông qua công ty do mình lập nên đang là mục tiêu hàng đầu của các tập đoàn nước ngoài. Samsung cũng không bỏ lỡ kế hoạch này. Nhưng theo Tổng Giám đốc Samsung Electronics Việt Nam Yoo Young Bok, trước mắt Công ty vẫn gặp khó khăn. Sau khi đưa nhà máy sản xuất điện thoại di động đầu tiên tại Việt Nam đi vào hoạt động, ngoài mục tiêu chính là xuất khẩu, Samsung cũng từng bước vươn tới thị trường nội địa. Nhưng kế hoạch thăm dò thị trường của Công ty trong quý II năm nay hiện chưa thực hiện được do vướng mắc về việc chứng nhận hợp chuẩn cho sản phẩm. Ông Yoo cho biết, theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông, các loại sản phẩm viễn thông được sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh mua bán trong nước đều phải có Giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn. Trong khi các lô hàng xuất khẩu không cần chứng nhận hợp chuẩn vẫn được tiêu thụ tốt. Do đó, Công ty đang chuyển hướng đưa các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam sang Indonesia, Malaysia…

Tuy thành lập công ty phân phối mới nhưng trước mắt, một số doanh nghiệp nước ngoài vẫn nhập khẩu sản phẩm vào Việt Nam. Nhưng theo như chia sẻ từ một số doanh nghiệp FDI đã thành lập nhà máy tại Việt Nam, việc trực tiếp sử dụng sản phẩm từ nhà máy để phục vụ thị trường nội địa đều đã nằm trong kế hoạch. Đại diện Brother International cho biết, nếu đạt được thỏa thuận với Chính phủ Việt Nam, Công ty sẽ tiến hành tiêu thụ sản phẩm của nhà máy ở Việt Nam. Việc này sẽ giúp giảm chi phí, thay vì phải nhập khẩu, hoặc tái nhập khẩu chính sản phẩm làm ra tại Việt Nam thông qua văn phòng đặt tại Singapore.




Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới