Hủy
Doanh Nghiệp

Gia tốc tài chính của CII

Thứ Ba | 24/05/2016 08:00

CII có doanh thu từ đầu tư tài chính ngày càng cao khiến cổ đông đặt ra nhiều câu hỏi về tương lai của những mảng kinh doanh cốt lõi.
 

Sáng ngày 24.4, một sự kiện thu hút nhiều chú ý đã diễn ra trên Xa lộ Hà Nội, gần Công viên Văn hóa Suối Tiên. Tại đó, Bí thư thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng cùng các nhà lãnh đạo của Ủy ban Nhân dân TP.HCM tươi cười bấm nút khởi động dự án BOT mở rộng xa lộ Hà Nội, đoạn từ Ngã Ba Trạm Hai đến Tân Vạn. Dự án này tiếp tục được giao cho Công ty Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII) triển khai.

Thực tế, CII là cái tên được nhắc nhiều trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông và kinh doanh nước sạch ở thị trường Việt Nam. CII được biết đến không chỉ vì lợi nhuận làm ra trong các năm gần đây luôn tăng trưởng cao, thu hút được nhiều nhà đầu tư hàng đầu thế giới trở thành cổ đông như Goldman Sachs, Metro Pacific Tollways Corp (MPTC), mà còn bởi những cách làm mới về đầu tư và quản lý tài chính.

Trong khi một số doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khác như Licogi 16, Đầu tư và Phát triển Dự án Hạ tầng Thái Bình Dương (PPI) đều muốn thoái lui khỏi lĩnh vực địa ốc để tập trung vào mảng cốt lõi, thì CII lại đi ngược dòng: đẩy mạnh đầu tư vào bất động sản như một trụ cột kinh doanh chính, bên cạnh hai mảng hạ tầng giao thông và kinh doanh nước sạch. Trong một thị trường bất động sản đầy cạnh tranh với rất nhiều tên tuổi lớn, chiến lược “ngược dòng” này sẽ dẫn CII đi đến đâu?

BOT quy mô ngày càng lớn

Hạ tầng giao thông là thị trường chủ lực của CII nếu không muốn nói là không có đối thủ xứng tầm tại khu vực phía Nam. Tên tuổi của nhà thầu này gắn liền với những công trình tiêu biểu của TP.HCM như Cầu Sài Gòn 2, Cầu Bình Triệu, Cầu Rạch Chiếc và Dự án mở rộng xa lộ Hà Nội trị giá hàng ngàn tỉ đồng. Theo ông Lê Quốc Bình, Tổng Giám đốc của CII, từ năm 2016 trở đi, lợi nhuận của mảng kinh doanh hạ tầng giao thông (kèm theo thu phí) có thể sẽ cao hơn nữa khi CII đang nhắm tới các dự án lớn từ 10.000 tỉ đồng trở lên và không tham gia các dự án khiêm tốn 1.000-2.000 tỉ đồng.

Một trong những dự án tiêu biểu mà CII đang nhắm đến chính là dự án BOT Trung Lương-Mỹ Thuận, dự án mà ông Bình ví von là một trong “hai thỏi vàng” sẽ giúp CII đổi đời trong 3 năm tới, bên cạnh một số dự án hứa hẹn khác như xây dựng hạ tầng cho siêu dự án hàng chục tỉ USD “sân bay Long Thành” dù chưa tiết lộ chi tiết.

Trong năm 2015, CII đạt được những kết quả kinh doanh khá khả quan. Tổng doanh thu đạt 3.094 tỉ đồng giảm nhẹ so với năm 2014, nhưng trái lại, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 806 tỉ đồng, tăng 7% so với năm trước đó (trong đó có một khoản lợi nhuận tài chính không được ghi nhận trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh mà được hạch toán thẳng vào lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên bảng cân đối kế toán theo Thông tư 202 của Bộ Tài chính).

Gia toc tai chinh cua CII
 

Bên cạnh trụ cột hạ tầng giao thông và thu phí, một mũi nhọn mà CII kỳ vọng sẽ mang lại sự tăng trưởng ổn định là mảng kinh doanh nước sạch - tương tự như chiến lược của một doanh nghiệp kinh doanh xây dựng khác là Cơ Điện Lạnh (REE). Trong năm 2015, lần đầu tiên mảng kinh doanh này đã mang lại cho CII 420 tỉ đồng doanh thu và hứa hẹn sẽ gia tăng hơn nữa trong thời gian tới nhờ một loạt các dự án mà CII đang triển khai cùng nhu cầu nước sạch ngày càng tăng mạnh, nhất là ở các đô thị lớn.

Đến cuối năm 2015, CII đang đầu tư vào khá nhiều các công ty chuyên khai thác, xử lý và cung cấp nước sạch ở khu vực miền Nam và Tây Nguyên như Công ty Kỹ thuật Enviro, Cấp nước Sài Gòn - Đan Kia, Cấp nước Sài Gòn - Pleiku, Cấp thoát nước Củ Chi, Nước Sài Gòn - Cần Thơ, Nước Tân Hiệp, Cấp nước Long An, Công ty Tân Hòa hay Cấp thoát nước Cần Thơ.

Gia toc tai chinh cua CII
Hạ tầng giao thông là thị trường chủ lực của CII - Ảnh: laodong.com.vn

Tuy nhiên, cũng giống như REE từng lo lắng, dù có tiềm năng tiếp tục tăng trưởng khả quan nhờ nhu cầu ngày càng tăng tại các thành phố lớn của Việt Nam nhưng với tỉ suất lợi nhuận gộp chỉ dừng ở mức 14%, mảng kinh doanh nước sạch khó lòng có thể mang lại lợi nhuận đột biến cho CII. Mặc dù vậy, mảng kinh doanh này có thể tạo ra đột biến về lợi nhuận nếu CII tiến hành các thương vụ bán lại.

Do đó, ngoài hạ tầng giao thông và nước sạch, CII còn đặt động lực tăng trưởng vào hai lĩnh vực khác là bất động sản và tài chính. Đặc biệt, từ năm 2016 trở đi, CII được định hướng sẽ không tham gia bất kỳ một dự án BOT có quy mô nhỏ khoảng 1.000 tỉ đồng nữa. Bởi vì, trên thị trường này đang cạnh tranh rất mạnh. Do vậy, CII không muốn đánh mất các lợi thế khác nên tìm kiếm các dự án lớn trên 10.000 tỉ đồng.

Áp lực cốt lõi

Tham vọng dấn thân sâu vào lĩnh vực bất động sản đã được các nhà lãnh đạo CII đặt ra cách đây 3 năm khi tiến hành tái cấu trúc toàn diện công ty. Nhưng bất động sản là một cửa khó của CII. Ngoài dự án cao ốc Lữ Gia đã hoàn thành vào năm 2011 và hợp tác với Công ty Dịch vụ tiện ích Quận 5 trong dự án chung cư 155 Nguyễn Chí Thanh, tiến độ của các dự án trọng điểm khác đều khá chậm, tiêu biểu như cao ốc văn phòng trên đường Điện Biên Phủ.

Năm 2015, CII từng lên kế hoạch sẽ thành lập CII Land để đẩy mạnh mảng địa ốc. Giấc mơ này tưởng chừng đã trở thành hiện thực khi CII thâu tóm được 24% cổ phần của Năm Bảy Bảy và dự kiến sẽ nâng lên cột mốc 51% trong năm nay. Tuy vậy, việc thâu tóm đã không thể tiến hành thuận lợi khi các cổ đông nước ngoài không đồng ý mức giá mua mà CII đưa ra.

Vì thế, mới đây, CII đã tạm giảm tỉ lệ sở hữu tại Năm Bảy Bảy xuống chỉ còn 19,99%, xem đây là một khoản đầu tư tài chính thay vì công ty liên kết và chỉ có thể ghi nhận doanh thu tài chính từ việc chia cổ tức từ công ty này trong năm nay. Đây là điều khá đáng tiếc bởi Năm Bảy Bảy là một doanh nghiệp địa ốc có nhiều kinh nghiệm trong triển khai, có thương hiệu, lại sở hữu đội ngũ bán hàng khá tốt. 

Gia toc tai chinh cua CII
CII đang nhắm tới các dự án lớn từ 10.000 tỉ đồng trở lên - Ảnh: Hải Nguyễn

Có thể việc không thâu tóm được Năm Bảy Bảy sẽ dẫn đến chiến lược khai khác mảng địa ốc của CII thay đổi chút ít. Mới đây, CII đã chuyển nhượng một lô đất có diện tích 6.000 m2 tại Thủ Thiêm cho Năm Bảy Bảy với giá trị 450 tỉ đồng (thương vụ này mang lại cho CII khoản lợi nhuận 150 tỉ đồng). Mảnh đất này theo quy hoạch trước đây sẽ được dùng để xây dựng văn phòng cho thuê với chiều cao khoảng 25 tầng.

Nhưng lợi thế của CII tại Thủ Thiêm đang nằm ở một lô đất khác, có diện tích hơn 9 ha để kinh doanh khu dân cư cao cấp. Cả hai mảnh đất nói trên là tài sản mà CII nhận được trong hợp đồng đổi đất lấy hạ tầng BT ký với Ủy ban Nhân dân TP.HCM. Tính đến nay, CII đã thông báo sẽ triển khai hai dự án tại đây là Marina Bay và Thủ Thiêm Lake View với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 3.300 tỉ đồng. Sức nóng tại Thủ Thiêm vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt sau một năm nóng bỏng khi ngày càng nhiều các nhà đầu tư mới bày tỏ mong muốn được tham gia thị trường hạ tầng và địa ốc như Phát Đạt, Keppel Land, Lotte...

Với CII, đây sẽ là một cơ hội. “Chúng tôi đã thí điểm chào hàng một lô với giá khủng để thăm dò phản ứng của các nhà đầu tư ngoại và kết quả cho thấy họ không ngại giá cao. Chỉ cần đất sạch, vị trí đẹp, họ sẵn sàng tiếp cận”, ông Bình cho hay.

Xem ra, với những hạn chế trong năng lực triển khai bất động sản và việc thâu tóm Năm Bảy Bảy diễn ra không như dự kiến, việc CII sớm muộn bán đi các dự án tại Thủ Thiêm cũng là điều dễ hiểu, bởi nó có thể mang lại hàng ngàn tỉ đồng lợi nhuận cho Công ty, đồng thời còn giúp giảm được các khoản vay ngân hàng. Tính đến ngày 31.12.2015, nợ phải trả của CII là 10.430 tỉ đồng, tăng gấp đôi đầu năm.

Là một người xuất thân từ tài chính, có bằng thạc sĩ kế toán - kiểm toán, ông Lê Quốc Bình hiểu rõ sức ép mà các cổ đông đối với giá cổ phiếu của Công ty cũng như các kỹ thuật mua bán tài sản để gia tăng lợi nhuận. Thực tế, kể từ khi ông Bình, người được mệnh danh là “phù thủy tài chính” nắm quyền lãnh đạo, lợi nhuận của CII đã tăng mạnh với các khoản đầu tư tài chính. Chỉ trong năm 2015, doanh thu tài chính mà CII thu về lên đến 1.030 tỉ đồng, tăng trưởng 64% so với năm trước.

Gia toc tai chinh cua CII
 

Cũng đáng chú ý là khoản lãi hơn 300 tỉ đồng đến từ việc định giá lại các khoản đầu tư vào hai công ty con là Cầu Đường An Bình và SII, cũng như khoản lãi hơn 220 tỉ đồng từ việc chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu LGC của đối tác ngoại MPTC chỉ chưa tới 1 năm nắm giữ (MPTC dự kiến sẽ tiếp tục hoán đổi 528 tỉ đồng khoản trái phiếu còn lại trong trong quý III/2016 thành khoảng 29,4 triệu cổ phiếu LGC và có thể đóng góp thêm hàng trăm tỉ đồng doanh thu tài chính cho CII trong năm nay).

Cỗ xe CII ngày càng dựa vào chiếc bánh mang tên tài chính nhiều hơn. Trong năm 2014, doanh thu tài chính đã chiếm đến hơn 1/3 tổng doanh thu của CII, trong khi các mảng cốt lõi là hạ tầng, xây dựng, thu phí và nước chỉ chiếm 55% tổng doanh thu trong năm 2015. Sau năm 2012, xu thế ngày càng tăng của doanh thu tài chính so với doanh thu thuần của CII ngày càng thấy rõ.

Đây có thể là điều đáng quan tâm cho CII trong các năm tới, bởi các cổ đông có lẽ muốn nhìn thấy các mảng kinh doanh cốt lõi và là thế mạnh của Công ty tăng trưởng tốt hơn, mang lại nhiều giá trị hơn. Bởi việc bán các dự án, cũng như bán cổ phần các công ty thành viên cho các đối tác bên ngoài không thể diễn ra mãi. Dấu hỏi về khả năng tái đầu tư nguồn vốn cũng như năng lực thâu tóm các dự án mới của CII vì thế cũng được đặt ra sau những niềm vui lớn về kết quả kinh doanh như trong 2 năm qua.

Sơn Nguyễn


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới