Hủy
Doanh Nghiệp

HAWA sẽ tổ chức tuần lễ giao thương quốc tế theo mô hình O2O

Thứ Năm | 18/03/2021 07:59

Tổng kết năm 2020, kim ngạch xuất khẩu lâm sản đạt 13,17 tỉ USD, tăng 16,4% so cùng kỳ năm 2019 và vượt 5,4% kế hoạch năm 2020.

Việt Nam Furniture Matching Week năm nay sẽ được tổ chức theo mô hình O2O ( online kết hợp truyền thống).
 

Cụ thể, theo Hội Mỹ Nghệ và Chế biến Gỗ TP.HCM (HAWA), 300 nhà sản xuất , văn phòng đại diện, đơn vị mua hàng trong và ngoài nước sẽ tập hợp tại trung tâm Hội nghị White Palace (Phạm Văn Đồng, TP.HCM). Song song đó, các nhà mua hàng quốc tế vì điều kiện cách ly không thể tham gia có thể kết nối với các nhà sản xuất Việt Nam thông qua nền tảng triển lãm và kết nối trực tuyến Hopefairs.com. Được biết sự kiện sẽ diễn ra từ ngày 12 đến ngày 19.4.

Theo bà Phạm Hồng Quang, Giám đốc VietS, đơn vị chuyên xuất khẩu đồ nội thất bằng mây tre cho biết, tháng 2 đến 4 hằng năm là thời điểm quan trọng để chào hàng các đối tác nước ngoài của công ty xuất khẩu trong nước. Trước khi có dịch, các công ty Việt Nam tốn trung bình 20.000 USD cho một lần tham gia hội chợ nội thất quốc tế.

Năm ngoái, khi dịch bùng phát, các sự kiện bị huỷ bỏ, VietS là một trong các đơn vị đầu tiên tham gia chào hàng qua nền tảng bán hàng trực tuyến Hope của Hawa.

Bà Quang cho biết, lợi thế của gian hàng online là có thể trưng bày nhiều sản phẩm, đem lại nhiều lựa chọn cho khách hàng trong khi đây là điều hạn chế so với việc tham gia hội chợ. Năm ngoái doanh thu VietS ghi nhận tăng trưởng 40% so với năm 2019.

“Qua trực tuyến, khách hàng có nhiều lựa chọn hơn nên giá trị đơn hàng trung từ khách hàng cũ và mới đều tăng.”, bà Quang nói.

Theo HAWA, sau hơn 8 tháng vận hàng, nền tảng Hope đã có tổng cộng hơn 20.000 m2 diện tích showroom với gần 10.000 sản phẩm đến từ hơn 100 doanh nghiệp, thu hút gần 30.000 khách tham quan đến từ gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch HAWA cho biết, tổng kết năm 2020, kim ngạch xuất khẩu lâm sản đạt 13,17 tỉ USD, tăng 16,4% so cùng kỳ năm 2019 và vượt 5,4% kế hoạch năm 2020.

Theo báo cáo của CSIL, năm 2020 Việt nam đã vượt qua Ba Lan, Đức, Ý chỉ đứng sau Trung Quốc trong Top các quốc gia xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trên thế giới.

Năm 2021, bên cạnh mục tiêu xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 14 tỉ USD, ngành cần chú trọng đến các chỉ số quan trọng khác như năng suất lao động, giá trị sản phẩm, các yếu tố phát triển bền vững về xã hội và môi trường.

Trao đổi với Nhịp Cầu Đầu Tư, ông Phương cho biết hiện nay chi phí vận chuyển cả chiều đi và về hiện vẫn cao tuy nhiên đây là chỉ khó khăn tạm thời. Bên cạnh đó, trước làn sóng COVID-19 lần 3 ở Châu Âu, ông Phương cho biết nhu cầu nội thất ở khu vực này vẫn tăng.

Theo ông Phương, lo ngại nhất đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ là dịch bệnh lây lan làm đóng cửa nhà máy.

“Lợi nhuận ngành này rất thấp. Công ty đóng cửa hai tuần là hết lãi, một tháng là lậm vào cả vốn.”, ông Phương nói.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới