Hủy
Doanh Nghiệp

Hoa Sen có cơ hội vượt khó?

Thứ Tư | 02/01/2019 14:02

Vừa qua, Tập đoàn Hoa Sen (HSG) đã công bố văn kiện ĐHĐCĐ thường niên 2018-2019, trong đó hé lộ bức tranh kinh doanh 2018 và kế hoạch 2019.
 

Vì đâu lợi nhuận 2018 giảm mạnh?

Trong báo cáo kết quả kinh doanh niên độ 2017 - 2018, HSG đã lý giải nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm của lợi nhuận sau thuế (giảm 69% so với niên độ trước đó).

Theo HSG, vào những tháng cuối năm 2017 – đầu năm 2018, giá nguyên liệu HRC có dấu hiệu tăng mạnh và đạt đỉnh điểm vào đầu tháng 3/2018. Nhịp tăng của giá HRC rơi vào thời điểm tập đoàn cần mua bổ sung nguyên liệu để phục vụ sản xuất dẫn đến giá vốn tăng. Để đảm bảo duy trì biên lợi nhuận, HSG cũng đã tăng giá bán để theo kịp giá vốn.

Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 4.2018, giá nguyên liệu đảo chiều, giảm sâu và đột ngột, gây áp lực lên giá bán, dẫn đến tập đoàn không thể tăng giá bán vào những tháng sau đó. Điều này làm cho biên lợi nhuận giữa giá bán và giá vốn của tập đoàn bị thu hẹp lại đáng kể.

Song song với diễn biến giá nguyên liệu, xung đột thương mại làm giảm nhu cầu nhập khẩu, biến động tỷ giá cũng như cạnh tranh trong nước cũng là những nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng đến lợi nhuận của HSG

Trong năm 2018, nguồn cung trên thị trường tôn thép gia tăng do các doanh nghiệp cùng ngành tăng công suất và các doanh nghiệp ngoài ngành chuyển hướng đầu tư sang tôn mạ, trong khi nguồn cung trên thị trường nội địa có xu hướng chững lại và giảm.

Do những khó khăn của thị trường nhập khẩu, các doanh nghiệp thép phải chuyển hướng tập trung vào thị trường nội địa ngày càng khốc liệt.

Bên cạnh đó, trong năm 2018, các sản phẩm thép nước ngoài, chất lượng thấp, giá rẻ vẫn được nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam, cạnh tranh trực tiếp về giá bán đối với các doanh nghiệp trong nước, trong đó có HSG.

Về các yếu tố bên trong, HSG cho biết tỉ suất lợi nhuận gộp trên doanh thu thuần của tập đoàn trong niên độ 2017 - 2018 đã giảm mạnh do giá vốn quá cao trong khi giá bán không thể tăng theo kịp giá vốn.

Hoa Sen co co hoi vuot kho?

Giá vốn cao làm giá trị hàng tồn kho trong niên độ 2017 – 2018 cao hơn so với cùng kỳ dẫn đến tăng dư nợ ngắn hạn.

Cùng với đó, do trong niên độ 2017 – 2018 và các niên độ trước đó, Hoa Sen Group cũng tập trung triển khai các dự án đầu tư mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh nên làm tăng dư nợ trung vài dài hạn. Dư nợ tăng, kết hợp với lãi suất tăng và tỷ giá dao động không ổn định, dẫn đến chi phí lãi vay tăng.

Do hệ thống phân phối phải được mở rộng và phát triển để ứng phó với những diễn biến bất lợi của thị  trường nên quy mô hoạt động của tập  đoàn ngày càng tăng, làm tăng các nhóm chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp.

Những yếu tố trên cộng hưởng với nhau đã làm cho chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế của Hoa Sen Group trong niên độ 2017 – 2018 giảm mạnh và không đạt kế hoạch đề ra.

Triển vọng nào cho năm 2019?

Cũng trong văn kiện, HĐQT HSG quyết định trình đại hội đồng cổ đông kế hoạch kinh doanh hợp nhất niên độ tài chính 1.10.2018-30.9.2019 như sau: doanh thu thuần 31.500 tỉ đồng, giảm 9% so với niên độ trước; lợi nhuận sau thuế 500 tỉ đồng, tăng 22% so với niên độ trước.

Kế hoạch này dựa trên giả định giá thép cán nóng trong niên độ 2018-2019 là 470 USD/tấn. Theo HSG, kế hoạch này là "thận trọng nhưng vẫn đảm bảo sự tăng trưởng ổn định và bền vững".

Tập đoàn này cho hay, thị trường ngành thép năm 2019 được dự báo sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều bất lợi, có thể diễn ra sự sàng lọc lớn, trong đó, nổi bật ở 3 điểm.

Thứ nhất, việc các nền kinh tế lớn có xu hướng leo thang trong các cuộc xung đột thương mại, bảo hộ sản xuất, phá giá tiền tệ, cộng với những bất ổn đối với tình hình kinh tế - chính trị thế giới sẽ tiếp tục là những nguyên nhân làm cho giá thép nguyên liệu biến động khó lường, gây ảnh hưởng đến giá vốn của các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước.

Thứ hai, hoạt động xuất khẩu ngày càng khó khăn do các biện pháp phòng vệ thương mại, bảo hộ sản xuất nội địa từ các quốc gia nhập khẩu thép và tình hình tỷ giá biến động không ổn định.

Thứ ba, thị trường nội địa sẽ bước vào cuộc cạnh tranh khốc liệt do các doanh nghiệp thép chuyển hướng tập trung vào thị trường nội địa, suy giảm nhu cầu và những hành vi gian lận thương mại thông qua việc nhập khẩu ố ạt sản phẩm thép kém chất lượng, giá rẻ vào Việt Nam.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới