Hủy
Doanh Nghiệp

IPO Tín Nghĩa nóng tới đâu?

Thứ Ba | 14/07/2015 13:00

Năm 2014, Tín Nghĩa đã trở thành doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lớn thứ nhì Việt Nam với sản lượng 112.000 tấn và thu về gần 230 triệu USD.
 

Cuối quý 3 tới đây là thời điểm Tổng Công ty Tín Nghĩa dự kiến sẽ tiến hành chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO). Với doanh thu trung bình hằng năm (2011-2014) trên 10.000 tỉ đồng, đợt phát hành của doanh nghiệp này thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư.

Tín Nghĩa là 1 trong 4 doanh nghiệp nhà nước lớn ở Đồng Nai. Tháng 7 năm ngoái, Tỉnh ủy Đồng Nai có chủ trương cho phép Tín Nghĩa thực hiện cổ phần hóa Tổng Công ty sau khi đã tiến hành cổ phần hóa các công ty con.

Tín Nghĩa cũng từng lên kế hoạch IPO ngay trong năm 2014. Tuy nhiên, do chờ chốt số liệu vào ngày 31.12.2014 nên cuối tháng 6 năm nay, Công ty Tư vấn Grant Thornton Việt Nam mới cơ bản hoàn thành việc định giá doanh nghiệp và hoàn tất phương án cổ phần hóa để trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt. Theo dự kiến, khoảng tháng 9 này, Tổng Công ty Tín Nghĩa mới có khả năng thực hiện IPO.

Để chuẩn bị cho đợt IPO, từ năm 2013 Tín Nghĩa đã thực hiện nhiều giải pháp tái cấu trúc toàn diện. Về hoạt động, ông Lê Hữu Tịnh, Phó Tổng Giám đốc Tín Nghĩa, cho biết Tín Nghĩa đã tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị trực thuộc và các lĩnh vực kinh doanh theo hướng sáp nhập các công ty con về Tổng Công ty, giải thể các đơn vị thua lỗ và thoái vốn khỏi những khoản đầu tư không phải là thế mạnh.

Năm 2013 Tín Nghĩa thực hiện thoái vốn tại DaiABank và ngưng mở rộng hoạt động dịch vụ du lịch, nhà hàng. Công ty cũng thoái vốn khỏi khách sạn Champasak (Lào) và đang chuẩn bị thoái vốn khỏi một dự án tại Ninh Thuận.

Hiện tại, Tín Nghĩa đang tập trung vào 4 lĩnh vực chính: đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, kinh doanh xăng dầu, hậu cần và xuất khẩu, chế biến nông sản. Sau cổ phần hóa, Tín Nghĩa dự kiến đi theo mô hình holdings (mô hình sở hữu tài sản) với tổng công ty mẹ nắm sở hữu các công ty theo hình thức sở hữu chi phối, hoặc liên doanh liên kết…

Về nhân sự, sau khi sắp xếp lại, số lao động ở Tín Nghĩa ước tính sẽ giảm từ 1.300 người xuống còn khoảng 1.208 người. Ngoài ra, trước khi mời Grant Thornton Việt Nam vào định giá doanh nghiệp, Tín Nghĩa đã tiến hành kiểm kê, đối chiếu công nợ, xử lý các khoản nợ khó đòi, thanh lý tài sản công cụ, dụng cụ không cần dùng, thực hiện báo cáo tài chính kiểm toán, xây dựng phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa.

Với sự chuẩn bị này, đợt IPO của Tín Nghĩa chỉ còn chờ “bấm nút”. Tuy nhiên, đối với nhà đầu tư, điều quan trọng là Tín Nghĩa sẽ mang lợi những cơ hội sinh lời như thế nào.

Mặc dù được nhắc đến như một trong những doanh nghiệp đứng đầu ngành hạ tầng khu công nghiệp, nhưng trên thực tế, xuất khẩu cà phê mới là mảng đóng góp doanh thu cao nhất cho Công ty, chiếm đến hơn 50% tổng doanh thu. Trong 6 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu cà phê mang về kim ngạch hơn 65,5 triệu USD. Trước đó, năm 2014 Tín Nghĩa đã vươn lên chiếm vị trí thứ hai trong tốp 10 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lớn nhất Việt Nam với sản lượng 112.000 tấn, thu về gần 230 triệu USD.

Ở mảng đầu tư hạ tầng khu công nghiệp - lĩnh vực đóng góp lợi nhuận cao nhất cho Tín Nghĩa (30-40% tổng lợi nhuận), ông Lê Hữu Tịnh cho biết với việc thu hút thêm 8 nhà đầu tư vào các khu công nghiệp, Tín Nghĩa đã ghi nhận 65 tỉ đồng doanh thu trong 6 tháng đầu năm nay.

Hiện tại, Tín Nghĩa đang sở hữu khoảng 3.528 ha tại 8 khu công nghiệp, thu hút 220 nhà đầu tư. Việc đền bù, giải tỏa, thi công hạ tầng liên quan đến Khu Công nghiệp An Phước, Khu Công nghiệp Ông Kèo cũng như thi công nhà xưởng cho thuê giai đoạn 2 tại Khu Công nghiệp Nhơn Trạch 3 đang được Tín Nghĩa ưu tiên thực hiện.

IPO Tin Nghia nong toi dau?
8 khu công nghiệp của Tổng Công ty Tín Nghĩa có tổng quỹ đất 3.528 ha

Trong mảng kinh doanh xăng dầu, 6 tháng đầu năm nay sản lượng xăng dầu tiêu thụ ở Tín Nghĩa đạt 98 triệu lít, mang về 1.660 tỉ đồng doanh thu và 28,7 tỉ đồng lợi nhuận (doanh thu bằng xấp xỉ cùng kỳ năm ngoái nhưng lợi nhuận lại tăng gấp hơn 10 lần). Để phát triển mảng này, Công ty đang triển khai đầu tư 20 ha giai đoạn 1 dự án Tổng kho cảng xăng dầu Phú Hữu (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai).

Ở lĩnh vực hậu cần, Tín Nghĩa ghi nhận lợi nhuận 5,2 tỉ đồng, vượt con số cả năm ngoái. Công ty đang đầu tư cảng container ICD tại Nhơn Trạch nhằm mục tiêu tối ưu hóa giải pháp hậu cần trong khu vực.

Tính chung, trong 6 tháng đầu năm doanh thu toàn Công ty đạt 4.885 tỉ đồng, đi được hơn nửa chặng đường kế hoạch đề ra. Mặc dù có sự tăng trưởng và doanh thu trung bình hằng năm trên 10.000 tỉ đồng/năm nhưng Tín Nghĩa lại là công ty có tỉ suất lợi nhuận/doanh thu không cao, chưa tới 4% trong 6 tháng đầu năm nay.

IPO Tin Nghia nong toi dau?
Doanh thu và lợi nhuận hằng năm của Tổng Công ty Tín Nghĩa

Đáng chú ý, lĩnh vực xuất khẩu cà phê, tuy là nguồn thu chính của Công ty nhưng lại đạt tỉ suất sinh lời thấp, khoảng 1%. Theo lý giải của ông Lê Hữu Tịnh, đó là do từ trước đến nay Tín Nghĩa chỉ hoạt động xuất khẩu là chính, chưa thực hiện chế biến, nên giá cà phê thường biến động thất thường, dễ phát sinh rủi ro. Riêng hai lĩnh vực hậu cần và xăng dầu trong thời gian qua vẫn mang ý nghĩa tạo giá trị phát triển thương hiệu cho Tín Nghĩa hơn là góp phần trong bức tranh lợi nhuận của Công ty.

Tín Nghĩa cũng đã tham gia đầu tư bất động sản, đặc biệt là việc góp vốn vào Công ty Đầu tư Nhơn Trạch (NIC) để triển khai dự án Khu Đô thị Đông Sài Gòn tại Đồng Nai (quy mô 942 ha, vốn 6 tỉ USD). Tuy nhiên, vì thị trường bất động sản năm 2009 ảm đạm nên việc triển khai dự án không diễn ra như kế hoạch. Để có vốn đầu tư khu đô thị này, NIC đã phát hành 2 đợt trái phiếu có tổng trị giá 1.000 tỉ đồng. Do chưa có doanh thu từ dự án, NIC đã xin dời việc trả lãi và nợ gốc đến năm 2018. Theo báo cáo tài chính, tại thời điểm cuối tháng 3.2015, riêng chi phí lãi vay đã lên đến hơn 193 tỉ đồng.

Tuy nhiên, mới đây, theo thông tin từ Tín Nghĩa, NIC đã triển khai bán căn hộ Phú Thịnh 1 thuộc một phần của dự án. Ông Lê Hữu Tịnh cho biết Công ty sẽ cân nhắc đến việc hợp tác đầu tư với đối tác để triển khai dự án Đông Sài Gòn nếu tìm thấy cơ hội thích hợp.

Tín Nghĩa cũng sẽ phải chú ý hơn đến việc gia tăng giá trị trong xuất khẩu cà phê và tăng cường vai trò đóng góp của các lĩnh vực khác… Đây đều là những việc làm cần thời gian và đòi hỏi năng lực của nhà quản lý. Nhưng với 25 năm quen mặc chiếc áo doanh nghiệp nhà nước và Nhà nước dự kiến vẫn nắm quyền chi phối sau IPO (51% vốn), sự lột xác tại Tín Nghĩa vẫn là ẩn số khó đoán.

Trước mắt, với vị thế là một trong những doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam cùng tiềm lực ngành nghề và quy mô quỹ đất, tài sản, đợt IPO của Tín Nghĩa dự báo vẫn sẽ là sự kiện được quan tâm.

Viết Nguyên


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới