Hủy
Doanh Nghiệp

Khu công nghiệp sinh thái trở mình

Thứ Ba | 26/05/2015 07:30

Các công ty phát triển khu công nghiệp nước ngoài đang dẫn dắt mô hình phát triển khu công nghiệp sinh thái ở Việt Nam.
 

Dự kiến trong tháng 9 tới, dự án VSIP Nghệ An sẽ được khởi công xây dựng, theo thông báo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An. Đây là dự án có quy mô lên đến hơn 1.400 ha; số vốn đầu tư giai đoạn 1 vào khoảng 3.000 tỉ đồng.

Giống như các khu công nghiệp VSIP trước đây, VSIP Nghệ An sẽ bao gồm diện tích khu công nghiệp và khu đô thị. Có nghĩa là một mô hình khép kín đảm bảo cho những người làm việc tại khu công nghiệp có đầy đủ các dịch vụ về nhà ở, học tập cũng như giải trí mà không phải di chuyển xa.

Nếu được cấp giấy chứng nhận đầu tư trong tháng 7 này như dự kiến, VSIP Nghệ An sẽ là dự án thứ 7 được cấp phép của VSIP (liên doanh giữa Tập đoàn Sembcorp của Singapore và Becamex IDC của Việt Nam) trên khắp cả nước. Không dừng ở đó, VSIP cũng đang có kế hoạch xây dựng một dự án tương tự tại tỉnh Bình Định.

Sự mở rộng nhanh chóng của VSIP những năm gần đây cho thấy liên doanh này đang có cái nhìn rất lạc quan về tiềm năng phát triển của Việt Nam. Cho đến nay, VSIP đã thu hút được khoảng 500 nhà đầu tư, với tổng vốn đầu tư hơn 6,4 tỉ USD. Các khu công nghiệp của VSIP cũng là nơi làm việc của hơn 140.000 lao động.

Các khu công nghiệp của VSIP là nơi làm việc của hơn 140.000 lao động - Nguồn: VSIP
Các khu công nghiệp của VSIP là nơi làm việc của hơn 140.000 lao động - Nguồn: VSIP

“VSIP là hình mẫu về thành công phát triển khu công nghiệp ở Việt Nam,” ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhận xét.

Một lý do chính dẫn đến thành công này là hầu hết các khu công nghiệp của VSIP đều là khu công nghiệp sinh thái, một mô hình khu công nghiệp kết hợp với khu đô thị.

Khi mới thành lập năm 1994, VSIP cũng chỉ đơn thuần xây dựng một khu công nghiệp tại Bình Dương, với diện tích khoảng 500 ha mà không bao gồm đất cho khu đô thị và dịch vụ. Sự chuyển hướng chỉ bắt đầu khoảng 10 năm về trước, khi tốc độ đô thị hóa tăng cao, tình trạng tắc đường và chi phí trong thành phố cũng tăng theo.

“Chúng tôi đã nhận thấy rằng các khu công nghiệp kết hợp với đô thị tại các tỉnh sẽ đáp ứng nhu cầu sống, làm việc và nghỉ ngơi của người lao động cũng như gia đình họ tại cùng một điểm”, ông Kelvin Teo, Tổng Giám đốc điều hành của Sembcorp Development và cũng là đồng Chủ tịch của VSIP, đã chia sẻ như vậy trong một lần trả lời phỏng vấn báo giới.

Tất nhiên, các dự án sản xuất được thu hút vào khu công nghiệp sẽ có sự lựa chọn để đảm bảo không gây ô nhiễm cho khu đô thị xung quanh. Sự kết hợp đồng bộ đó sẽ đảm bảo sự phát triển bền vững cho chính các doanh nghiệp và người lao động hoạt động trong khu công nghiệp.

VSIP không phải là doanh nghiệp duy nhất phát triển mô hình này. Một số công ty phát triển bất động sản nước ngoài cũng đã bắt đầu mở rộng mô hình khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam. Tập đoàn Amata của Thái Lan, sau thành công với Khu Công nghiệp Amata Biên Hòa, đang có kế hoạch phát triển 3 dự án mới gồm Amata Long Thành, Amata Quảng Ninh và Amata Bình Định. Tất cả các dự án mới này đều theo mô hình khu đô thị kết hợp khu công nghiệp. Tại Quảng Ninh, Amata thậm chí còn có ý định yêu cầu di dời hai cảng than và cũng yêu cầu nhà máy nhiệt điện Uông Bí nâng cấp công nghệ để đảm bảo dự án của Amata không bị ô nhiễm.

Hay như Sojitz và Rent-A-Port cũng đều có kế hoạch mở rộng các khu công nghiệp tại Việt Nam theo mô hình khu công nghiệp sinh thái. Rent-A-Port, chủ đầu tư Khu Công nghiệp Đình Vũ, mới đây đã nhận giấy phép đầu tư xây dựng thêm 2 khu công nghiệp tại Hải Phòng và Quảng Ninh.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước hiện có 297 dự án khu công nghiệp, thu hút hơn 60% lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và một lượng lớn dòng vốn trong nước. Mặc dù vậy, hầu hết các dự án đều phát triển theo mô hình truyền thống, đặc biệt là các khu công nghiệp được phát triển bởi doanh nghiệp nội địa.

Ngay cả các công ty phát triển khu công nghiệp lớn trong nước như Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc hay Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam cũng chưa có một khu công nghiệp sinh thái đúng nghĩa. Kinh Bắc mới đây đã thành công trong việc thu hút một dự án lớn của LG Electronics vào Khu Công nghiệp Tràng Duệ tại Hải Phòng. Tuy nhiên, ông Đan Đức Hiệp, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân Thành phố Hải Phòng, cho rằng việc thiếu khu đô thị và các khu dịch vụ hỗ trợ xung quanh có thể sẽ là một khó khăn đối với Kinh Bắc.

Lý do là vì khi dự án khổng lồ của LG cùng với nhiều dự án phụ trợ được hoàn tất, nhu cầu về nhà ở và dịch vụ khác sẽ tăng cao. Chính vì điều đó, ông Hiệp cho biết đã yêu cầu các công ty phát triển khu công nghiệp phải dành quỹ đất xây dựng khu nhà ở.

Ông Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, cho rằng dù vẫn chiếm số lượng ít nhưng các công ty phát triển khu công nghiệp nước ngoài đang dẫn dắt mô hình phát triển khu công nghiệp sinh thái ở Việt Nam. Nếu như các công ty trong nước không thay đổi mô hình thì sẽ khó lòng cạnh tranh được.

Lý giải điều này, ông Đông nói yếu tố bảo vệ môi trường cũng là một trong những điều kiện thu hút dự án sản xuất của các công ty nước ngoài, vốn đã quen tuân thủ các tiêu chuẩn về môi trường.

Hiện tại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hiệp Quốc đang thực hiện một dự án hỗ trợ phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam. “Trước mắt chúng tôi thí điểm ở Ninh Bình, Cần Thơ và Đà Nẵng. Về lâu dài sẽ mở rộng mô hình này ra cả nước,” ông Đông cho biết.

Ngọc Linh


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới