Hủy
Doanh Nghiệp

Làn sóng đầu tư vào Việt Nam của ngành dệt may Trung Quốc

Thứ Hai | 09/11/2015 17:29

Nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may của Trung Quốc đang tích cực đầu tư xây dựng nhà máy tại Việt Nam để hưởng lợi thuế quan khi TPP được thông qua.
 

Bộ Công Thương Việt Nam trong ngày hôm qua đã công bố toàn văn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, đúng một tháng sau khi quá trình đàm phán kết thúc tại Atlanta. 

Theo đó, một trong những quy định quan trọng của ngành may mặc là việc các nước thành viên TPP nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài TPP vẫn có thể được hưởng thuế suất ưu đãi. Tuy nhiên, điều kiện đặt ra là lượng hàng hóa nguyên vật liệu không được vượt quá 10% khối lượng hàng hóa thành phẩm sản xuất ra. 

Như vậy, Hiệp định TPP gần như sẽ loại bỏ các nhà máy sản xuất dệt may của Trung Quốc ra khỏi quá trình xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam trong tương lai. Do đó, Việt Nam đang trở thành một điểm nóng đối với các nhà sản xuất dệt may của Trung Quốc trong việc xây dựng các nhà máy ở nước ngoài.

Đơn cử, doanh nghiệp dệt may Huafang tại tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc hiện đang lên kế hoạch thiết lập một nhà máy sản xuất hàng may mặc chất lượng cao tại Việt Nam. Theo số liệu ước tính, tổng vốn đầu tư của dự án này đạt 700 triệu NDT (tương đương 110 triệu USD). Đây cũng là dự án đầu tiên ở nước ngoài của công ty này.

Ngoài ra, công ty dự kiến còn chi thêm 150 triệu NDT vào Quỹ nghiên cứu, phát triển Khoa học Công nghệ tại Việt Nam. Quỹ này sẽ tìm kiếm nhiều công nghệ mới trong việc hoàn thành chuỗi quy trình khép kín trong quá trình sản xuất bao gồm các công đoạn từ bông, kéo sợi, dệt và nhuộm.

Được biết, công ty Huafang đã được niêm yết trên sàn chứng khoán Thượng Hải. Thời gian tới, công ty đang có dự định phát hành khoảng 120 triệu cổ phiếu với giá phát hành 7,4 NDT/cổ phiếu cho các nhà đầu tư. Nếu theo đúng kế hoạch, công ty sẽ có hai dây chuyền sản xuất, dự kiến sẽ được xây dựng trong vòng 3 năm.

"Trước khi hiệp định TPP được thông qua, nhiều doanh nghiệp thâm dụng lao động của Trung Quốc đã từng bước dịch chuyển hoạt động sang các nước Đông Nam Á. Chi phí lao động tại khu vực này thấp hơn 4-5 lần ở Trung Quốc", ông Zhang Jianping hiện là chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu kinh tế trực thuộc Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia  Trung Quốc nhận định.

Ông cũng cho biết thêm: "Trung Quốc đang trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế. Tại các khu trung tâm kinh tế dọc theo bờ biển, các ngành công nghiệp công nghệ cao đang phát triển mạnh, thay thế cho các ngành thâm dụng lao động". 

Hiện tại, đang có một dự án thành lập khu công nghiệp dệt may tại Việt Nam, với sự góp sức của 3 doanh nghiệp: công ty may mặc lớn nhất của Hồng Kông Luen Thai International Group, công ty Sanshui Jialida tại tỉnh Quảng Đông và công ty Vinatex của Việt Nam.

Tuệ Nghi

Nguồn China Daily


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới