Hủy
Doanh Nghiệp

Liệu SHN có hồi sinh?

Thứ Hai | 29/06/2015 10:38

Trong khi chưa có thông tin cho thấy kết quả kinh doanh có sự cải thiện thì giá cổ phiếu SHN lại tăng gấp gần 8 lần trong hơn 3 tháng qua.
 

Công ty Cổ phần Đầu tư Tổng Hợp Hà Nội (Hanic - Mã SHN) khó tránh khỏi số phận bị hủy niêm yết khi lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ. Thế nhưng, Công ty lại được cứu vào phút chót nhờ các chủ nợ. Trong khi chưa có thông tin chính thức cho thấy kết quả kinh doanh có sự cải thiện thì giá cổ phiếu SHN lại tăng gấp gần 8 lần trong hơn 3 tháng qua (chỉ số HNX-Index tăng chỉ 6%). Điều gì đang xảy ra với SHN? Và liệu Công ty có thể hồi sinh trong thời gian tới?

Nhiều lần hấp hối

Từ một công ty chuyên về xuất khẩu lao động, đào tạo nghề, kinh doanh thương mại, SHN dần lấn sân sang đầu tư kinh doanh bất động sản, khai thác khoáng sản và đầu tư tài chính... Doanh thu thuần giảm dần theo thời gian, cao nhất đạt gần 500 tỉ đồng vào năm 2010, nhưng đến năm 2014 chỉ còn vỏn vẹn hơn 2 tỉ đồng. Từ giữa năm 2014 đến nay, SHN cũng đóng cửa một số chi nhánh và công ty con hoạt động không hiệu quả.

Việc kinh doanh thua lỗ triền miên từ năm 2011 đến nay đã đẩy số lỗ lũy kế lên đến 327 tỉ đồng, cao hơn cả vốn điều lệ (324 tỉ đồng). Với kết quả này, Công ty sẽ bị hủy niêm yết. Thế nhưng, ban lãnh đạo SHN đã cầu cứu các chủ nợ để xin miễn giảm lãi vay, từ đó làm giảm chi phí tài chính, giúp khoản lỗ của Công ty nhỏ lại.

Sau nhiều nỗ lực, một số chủ nợ đã đồng ý giảm hơn 5 tỉ đồng tiền lãi trong các năm qua, giúp lỗ lũy kế còn hơn 321 tỉ đồng, thấp hơn vốn điều lệ. Nghiễm nhiên SHN được giữ lại trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và có cơ hội tăng giá ấn tượng từ 2.900 đồng/cổ phiếu (phiên 14.4) lên 22.100 đồng/cổ phiếu (19.6), mức cao nhất trong 3 tháng qua.

Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên Công ty “gặp may”. Đến gần cuối năm 2013, hoạt động kinh doanh vẫn kém hiệu quả, nhưng Công ty đã thoát lỗ nhờ có doanh thu tài chính phát sinh đột biến đạt gần 100 tỉ đồng. Tình thế xoay chuyển chủ yếu đến từ việc chuyển nhượng một phần quyền theo đuổi dự án Tây Mỗ cho Công ty Đầu tư Dubai Capital với giá 75 tỉ đồng (tương đương 20% trong liên doanh dự án này). Toàn bộ doanh thu và lợi nhuận đã được ghi nhận, nhưng phần lớn “tiền tươi” vẫn chưa thấy.

Cụ thể, theo hợp đồng chuyển nhượng, 90% số tiền trên sẽ được thanh toán trong vòng 13 tháng kể từ ngày ký (quý IV/2013). Theo báo cáo tài chính quý I/2015, SHN vẫn đang ghi nhận khoản phải thu gần 54 tỉ đồng liên quan đến giá trị chuyển nhượng trên cho Công ty Đầu tư Phát triển hạ tầng Hà Thành, thay cho Dubai Capital (theo biên bản thỏa thuận giữa SHN - Dubai Capital - Hà Thành).

Trong khi doanh thu từ các mảng chính trong 2 năm vừa qua chỉ có vài tỉ đồng, nợ phải trả (toàn bộ là nợ ngắn hạn) gấp 11 lần vốn chủ sở hữu và phải sống nhờ vào việc bán quyền như đề cập ở trên, thì các khoản phải thu (khó đòi) của SHN lên đến hàng trăm tỉ đồng. Thấy rõ nhất là việc cho vay và hợp tác với Công ty Beta - BQP với gần 240 tỉ đồng, sau đó trở thành nợ riêng của Tổng Giám đốc công ty này là ông Nguyễn Anh Quân. Ông Quân đã bị truy nã kể từ năm 2011 và từ đó đến nay cũng là khoảng thời gian SHN chưa thu hồi được nợ. Tính đến hết quý I/2015, Công ty đã trích lập dự phòng 100% cho khoản nợ khó đòi này.

Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến kết quả kinh doanh kém của SHN, nhưng trách nhiệm của ban quản trị là một trong những lý do được nhiều nhà đầu tư nhắc đến. Họ cho rằng ban lãnh đạo SHN đã quá dễ dãi trong việc sử dụng và kiểm soát nguồn vốn, rõ nét nhất là vụ việc liên quan đến Beta - BQP và ông Quân. Đáng chú ý, ban lãnh đạo không nắm giữ hoặc nếu có thì cũng sở hữu rất ít cổ phần, nhiều nhất là Chủ tịch Hội đồng Quản trị cũng chưa đến 1%.

Có cơ may hồi sinh?

Nhìn vào những kết quả trên, khó ai hiểu được vì sao giá cổ phiếu SHN lại tăng mạnh như thời gian qua. Theo lý giải của Chủ tịch Hội đồng Quản trị Đinh Hồng Long, một trong những nguyên nhân là nhà đầu tư bắt đầu có niềm tin vào quá trình tái cấu trúc của Công ty.

Bước đi đầu tiên trong chặng đường hồi sinh của SHN là thông qua việc phát hành riêng lẻ cấn trừ công nợ với một số chủ nợ lớn mới đây, trong đó có chi nhánh Đông Đô Ngân hàng Bưu điện Liên Việt. Đáng chú ý, vào thời điểm ký hợp đồng, giá cổ phiếu SHN chỉ khoảng 4.000 đồng/cổ phiếu nhưng các chủ nợ lại đồng ý quy đổi với mức giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Việc vốn hóa nợ này không những giúp SHN giảm áp lực trả nợ và lãi, mà còn gián tiếp tăng vốn chủ sở hữu.

Quá trình hồi sinh của SHN dường như được tiếp thêm sức mạnh khi Tập đoàn Geleximco (doanh nghiệp lớn về tài chính, bất động sản phía Bắc với vốn điều lệ 6.000 tỉ đồng) cùng với Đầu Tư An Bình (Geleximco là cổ đông lớn tại Đầu tư An Bình) trở thành đối tác chiến lược kể từ tháng 6.2015. Không những vậy, Đầu tư An Bình cũng sẽ hoán đổi cổ phiếu và trở thành công ty con của SHN.

Thương hiệu An Bình vốn gắn liền với ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Ngân hàng An Bình và Geleximco. Thông tin đầu tư vào SHN khiến nhiều người đặt câu hỏi tại sao ông Tiền lại đặt cược vào doanh nghiệp có kết quả kinh doanh kém lạc quan này? Trong một lần trả lời báo giới, ông Tiền cho rằng SHN là “doanh nghiệp có tiềm năng và triển vọng phát triển trong tương lai”, nhất là trong những lĩnh vực lợi thế như xuất khẩu lao động, bất động sản và kinh doanh thương mại xuất nhập khẩu. Thêm nữa, theo ông Tiền, SHN đang niêm yết trên sàn chứng khoán, vốn là điều mà Geleximco quan tâm.

Một số nhà đầu tư chuyên nghiệp nhận định lợi thế của Công ty nằm ở các quyền theo đuổi những dự án bất động sản lớn mà Tây Mỗ là một ví dụ. Lẽ dĩ nhiên, để có được những quyền tham gia đầu tư và khai thác các dự án lớn, các doanh nghiệp sẽ phải tốn một khoản chi phí không nhỏ. Những quyền này nằm trong tay SHN sẽ không có nhiều giá trị (do bị hạn chế về vốn đầu tư), nhưng có thể sản sinh ra dòng tiền mới nếu về với Geleximco.

Mới đây, buổi lễ ký kết hợp đồng phân phối bất động sản giữa Ngôi sao An Bình (công ty con của Geleximco) và SHN đã diễn ra tại tòa nhà Geleximco. Theo đó, SHN sẽ thực hiện dịch vụ môi giới bán sàn trung tâm thương mại với diện tích hơn 8.000 m2 thuộc dự án khu nhà ở cao tầng CT2. Dự án này nằm trong Khu Đô thị “Thành phố giao lưu” do An Bình làm chủ đầu tư. Hợp đồng dự kiến sẽ kết thúc trong tháng 6.2015 và lợi nhuận SHN thu về đạt trên 50 tỉ đồng, theo thông tin từ buổi lễ ký kết. Đây cũng là mức lợi nhuận ước tính trong quý II, theo website của SHN.

Tại Đại hội cổ đông sáng ngày 26.6, ban lãnh đạo SHN còn trình kế hoạch lợi nhuận sau thuế 350 tỉ đồng trong năm 2015. Để đạt được mục tiêu này, Geleximco đã chuẩn bị sẵn một số dự án để hỗ trợ cho SHN. Nếu thành công, mức lợi nhuận nói trên sẽ xóa sạch mức lỗ lũy kế của SHN.

Có vẻ như Geleximco đang quyết tâm thay đổi cục diện tại SHN khi dành nhiều “ưu ái” cho công ty này. Chưa có thống kê chi tiết, nhưng bước đi của Geleximco cho thấy tập đoàn này và các thành viên liên quan có thể sẽ sở hữu chi phối SHN. Ngoài các thông tin như đề cập ở trên, theo Nghị quyết vừa qua của SHN, Công ty dự kiến phát hành thêm 950 tỉ đồng cổ phiếu cho các cổ đông chiến lược. Trong đó, Geleximco và 3 cổ đông của công ty này mua hơn 460 tỉ đồng. Tại Đại hội cổ đông vừa qua, SHN cũng đã thông qua kế hoạch tăng vốn lên hơn 2.000 tỉ đồng.

Cơ cấu nhân sự chủ chốt cũng thay đổi đáng kể khi có đến 3 thành viên trong Hội đồng Quản trị được thay mới. Logo Công ty cũng được đổi. Liệu SHN có cơ hội hồi sinh khi về với Geleximco?

Hoàng Điền


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới