Hủy
Doanh Nghiệp

Mở rộng đối tượng bán vốn nhà nước

Thứ Năm | 01/09/2016 10:14

Không chỉ bán vốn nhà nước tại 12 doanh nghiệp lớn theo chỉ đạo của Thủ tướng, còn nhiều ngân hàng, doanh nghiệp khác cũng cần giảm vốn nhà nước.
 

Ngân hàng (NH) Vietcombank vừa ký biên bản ghi nhớ bán cho Quỹ đầu tư quốc gia của Singapore (GIC) 7,73% cổ phần.

Theo ông Nghiêm Xuân Thành - chủ tịch HĐQT Vietcombank, thỏa thuận này nếu được cơ quan chức năng chấp thuận sẽ là một mốc rất quan trọng. Kinh nghiệm và danh tiếng của GIC sẽ mang đến cho Vietcombank sự hỗ trợ cần thiết.

Tuy nhiên, ngay cả khi được chấp thuận thì mức bán vốn trên của Vietcombank cũng chỉ được rất ít so với chính doanh nghiệp này đề xuất, tỉ lệ sở hữu nhà nước tại Vietcombank vẫn ở mức 70%.

Trong văn bản kiến nghị gửi Chính phủ, Vietcombank từng đề nghị lộ trình giảm tỉ lệ sở hữu vốn nhà nước tại các NH thương mại xuống 51%.

Muốn bán mà chưa được

Không chỉ Vietcombank, nhiều NH khác cũng muốn giảm tỉ lệ sở hữu nhà nước hơn nữa nhưng đang vấp phải những rào cản. VietinBank là ví dụ. Hiện tỉ lệ sở hữu nhà nước tại NH này đã chạm ngưỡng 65% - mức giới hạn cuối cùng theo quy định hiện nay với lĩnh vực NH.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo VietinBank cho biết đang xây dựng đề án trình Chính phủ xin được giảm tỉ lệ sở hữu nhà nước xuống mức 51%. Theo lãnh đạo VietinBank, NH phải tăng vốn để giúp đảm bảo tỉ lệ tăng trưởng, tỉ lệ an toàn vốn, nhu cầu phát triển... song ngân sách lại eo hẹp. Do vậy, Nhà nước có thể xem xét giảm tỉ lệ sở hữu xuống nhưng không thấp hơn 51%.

“Như vậy Nhà nước vẫn giữ quyền chi phối. Chúng tôi đề xuất lộ trình khoảng 5 năm để giảm tỉ lệ sở hữu nhà nước về mức 51%” - lãnh đạo VietinBank đề xuất. Cũng theo vị lãnh đạo này, dù giảm tỉ lệ sở hữu nhưng NH hoạt động tốt hơn thì tỉ lệ cổ tức cho Nhà nước vẫn tăng lên.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Hồng Xanh, tổng giám đốc Công ty CP Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), cho biết một ngày sau yêu cầu của Thủ tướng về việc Sabeco phải niêm yết trên sàn chứng khoán trước khi giảm vốn nhà nước, Sabeco đã lên “danh sách” một loạt việc cần làm. “Chúng tôi đang chọn đơn vị tư vấn, làm các thủ tục cần thiết cho kế hoạch niêm yết” - ông Xanh nói.

Theo ông Xanh, kế hoạch trước đây của Bộ Công thương sẽ thoái vốn nhà nước ở Sabeco từ 90% xuống 36%. Tuy nhiên, theo chỉ đạo mới nhất, Sabeco sẽ phải xây dựng lại kế hoạch và phương án thoái vốn, “còn bán ở tỉ lệ bao nhiêu và bán theo phương thức nào sẽ do Chính phủ quyết định” - ông Xanh nêu.

Nên mở rộng danh sách thoái vốn

Theo các chuyên gia, việc giảm vốn nhà nước tại 12 doanh nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng là đúng và nên mở rộng thêm. Theo TS Trần Du Lịch, hiện nay Nhà nước nắm số lượng doanh nghiệp quá lớn, do vậy cần thoái bớt vốn.

“Theo tôi, cần xác định rõ lộ trình từ nay đến năm 2020 Nhà nước còn nắm giữ bao nhiêu doanh nghiệp. Một khi đã xác định được rồi thì phải quyết liệt làm theo lộ trình đã đặt ra” - ông Lịch nói và cho rằng những doanh nghiệp thuộc những ngành nghề không thiết yếu nhưng Nhà nước vẫn nắm giữ 20-30% vốn còn rất nhiều. Nhà nước nên bán hết các doanh nghiệp này bởi Nhà nước không phải nhà đầu tư đi kiếm lời.

“Duy trì vốn tại những doanh nghiệp trên thì Nhà nước phải quản lý, cử người điều hành, rồi còn nhiều vấn đề khác” - ông Lịch nói. Với các NH, ông Lịch cho rằng Nhà nước cũng cần xác định rõ NH nào muốn giữ, NH nào không, và nếu giữ thì cũng không nên quá 65%.

Ông Bùi Đức Thụ, phó trưởng Ban công tác đại biểu Quốc hội, đề nghị cần nhận diện rõ tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp thời gian qua chậm còn có nguyên nhân vì lợi ích nhóm. “Thủ tướng đã nêu vấn đề lợi ích nhóm khi chỉ đạo bán vốn nhà nước là rất trúng” - ông Thụ nói.

Lý do, qua hoạt động giám sát, ông Thụ cho biết đã thấy nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước không muốn cổ phần hóa hay thoái vốn, bởi “khi Nhà nước không giữ cổ phần chi phối sẽ đe dọa đến cái ghế của ban lãnh đạo”.

Ông Thụ cũng cảnh báo một số bộ và cơ quan đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp chưa quyết liệt trong thoái vốn tại doanh nghiệp trực thuộc. Bởi khi thoái xong, doanh nghiệp không những bị kiểm soát hoạt động tài chính theo hướng minh bạch hơn, công khai hơn mà còn bị sự giám sát chặt chẽ của cổ đông.

Về giải pháp để đẩy nhanh tốc độ thoái vốn, ông Thụ cho rằng chỉ cần nhìn vào từng bộ ngành, nơi nào lãnh đạo quyết liệt thì làm rất nhanh. Đã có một số bộ làm rất tốt, như Bộ Giao thông vận tải quy trách nhiệm cho lãnh đạo bộ nếu không cổ phần hóa được thì phải thuyên chuyển lãnh đạo. “Cần có những biện pháp mạnh như vậy để chống lợi ích nhóm khi thực hiện việc này” - ông Thụ nói.

Yêu cầu Sabeco, Habeco phải niêm yết ngay

Trả lời câu hỏi của báo chí tại họp báo Chính phủ, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định sau cổ phần hóa, tất cả doanh nghiệp phải niêm yết trên sàn chứng khoán.

Sabeco và Habeco chưa niêm yết là trách nhiệm của hai doanh nghiệp chưa thực hiện đúng tinh thần pháp luật. Ông Mai Tiến Dũng nêu Thủ tướng yêu cầu ngay sau cuộc họp này, hai doanh nghiệp trên phải làm ngay việc niêm yết trên sàn.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải thì khẳng định sẽ thoái toàn bộ vốn của Nhà nước tại Habeco, tương đương 9.000 tỉ đồng, trong năm 2016.

Sabeco cũng thoái toàn bộ nhưng theo hai đợt, đợt 1 thoái 53,59%, tương đương 24.000 tỉ đồng, ngay trong năm 2016. Đợt 2 sẽ bán 36%, tương đương 16.000 tỉ đồng, trong năm 2017 sau khi Sabeco thực hiện niêm yết trên sàn chứng khoán.

Nguồn Tuổi trẻ


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới