Hủy
Doanh Nghiệp

MPC lỗ do khó khăn nội tại doanh nghiệp và thị trường đầu ra

Thứ Ba | 21/08/2012 10:34

MPC lỗ do chi phí lãi vay tăng cao, nhà máy không chạy hết công suất, và tôm nguyên liệu chết. Ngoài ra, giá tôm thế giới sụt giảm.
 

Khó khăn bên trong doanh nghiệp

Nhờ kết quả quý I, lũy kế 6 tháng đầu năm, Công ty cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú (mã MPC) vẫn đạt lợi nhuận sau thuế 60,97 tỷ đồng, giảm 28,6% so với 6 tháng đầu năm 2011. Lợi nhuận sau thuế riêng quý II của Minh Phú âm 2,29 tỷ đồng, trong đó phần lỗ thuộc cổ đông công ty mẹ là 1,94 tỷ đồng, cùng kỳ lãi 37,86 tỷ đồng.

Trong phiên giao dịch cuối tuần qua, thị trường tăng điểm, nhiều cổ phiếu của doanh nghiệp lớn tăng giá, song những thông tin tiêu cực từ kết quả kinh doanh của MPC đã đẩy cổ phiếu này chạm giá sàn 28.700 đồng/cổ phiếu, mức giá thấp nhất trong vòng 1 tháng trở lại đây.

Có 3 lý do rõ nhất dẫn đến kết quả của MPC. Thứ nhất là chi phí tài chính tăng cao. Dư nợ phải trả của MPC hiện là 4.000 tỷ đồng. MPC phải gánh chịu lãi vay cho khoản đầu tư vào Nhà máy Minh Phú Hậu Giang, Công ty Nuôi trồng thủy sản Lộc An và Công ty Nuôi trồng thủy sản Hòa Điền… trong khi những dự án này vẫn chưa tạo ra lợi nhuận.

Đầu quý II, do e ngại biến động tỷ giá, Minh Phú vay USD rất ít, chủ yếu vay tiền đồng. Lãi suất bằng tiền đồng thời điểm này trung bình 16%/năm, bằng đồng USD là 6%/năm, riêng lãi suất trái phiếu và vay dài hạn là 18-19%/năm. Đặc biệt, lãi phải trả cho khoản vay 700 tỷ đồng trái phiếu theo hợp đồng phát hành, MPC phải hạch toán lãi vay vào tháng 6 vừa qua. Riêng tiền lãi trái phiếu + lãi vay ngân hàng trong 6 tháng là 225,7 tỷ đồng, tăng 210% so với cùng kỳ.
Thứ hai, do Nhà máy Minh Phú Hậu Giang đi vào hoạt động nên toàn bộ phần lãi vay đầu tư xây nhà máy không còn được kết chuyển vào nguyên giá tài sản cố định mà được hoạch toán vào chi phí tài chính hoạt động sản xuất - kinh doanh (6 tháng đầu năm 2011, chi phí lãi vay này được hạch toán vào nguyên giá tài sản cố định).

Trong khi đó, Nhà máy Minh Phú Hậu Giang với công suất thiết kế gấp 3 lần Nhà máy Minh Phú Cà Mau, lại không hoạt động đủ công suất như kế hoạch đề ra bởi thiếu công nhân lành ghề. Nguyên nhân dẫn tới sự chậm chễ này do MPC chưa đáp ứng được nhu cầu về chỗ ở cho công nhân. Đất quy hoạch làm nhà tập thể, Minh Phú đã ứng tiền giải phóng mặt bằng đủ theo yêu cầu của tỉnh, nhưng do vướng khiếu nại của người dân với tỉnh về chính sách đền bù giải tỏa, bao năm qua, người dân không chịu giao đất.

Không có chỗ ở tại chỗ cho công nhân, Minh Phú từng áp dụng giải pháp đưa đón nhưng thời gian đi lại quá nhiều (11-12h đêm, công nhân mới về đến nhà, 5 giờ sáng hôm sau họ lại phải ra xe đến nhà máy), chi phí lớn, sức khỏe công nhân không đảm bảo để làm việc, khiến công ty buộc phải cho một số công nhân ở xa tạm nghỉ việc. “Nhà máy cần nhiều lao động, người dân cần việc làm. Vậy nhưng tuyển được 6.000 người mà hiện chỉ có 4.000 người làm việc tại nhà máy”, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị MPC cho biết.

Đầu năm nay, Minh Phú đặt công suất kế hoạch cho nhà máy là 70%, nhưng hiện tại nhà máy chỉ chạy 40% công suất. Mục tiêu cụ thể mà Minh Phú đặt ra là sẽ nâng sản lượng sản xuất của Nhà máy Minh Phú Hậu Giang từ 1.000 tấn/tháng lên hơn 2.500 tấn/tháng trong năm 2012. Nếu không thực hiện được bài toán này, Minh Phú sẽ còn khó khăn, bằng chứng là 6 tháng đầu năm, Minh Phú - Hậu Giang không những không đem lại lợi nhuận mà còn lỗ 42 tỷ đồng.

Thứ ba, khó khăn còn đến từ sự thất thường của thời tiết và vùng nguyên liệu. Những tháng đầu năm, dịch bệnh triền miên và trên diện rộng khiến Minh Phú buộc phải ngừng không dám thả tiếp để chờ tìm nguyên nhân. Đến tháng 5, thời tiết thuận lợi, MPC mới thả tôm giống nhưng hiện tỷ lệ chết vẫn lên tới 30-40%.

Khó khăn thị trường đầu ra

Do khủng hoảng nợ công châu Âu, sức mua ở thị trường này sụt giảm mạnh, ước trên 50%, nên các nước xuất khẩu tôm đã dịch chuyển sang thị trường khác, tập trung đổ vào Mỹ, tạo ra nguồn cung lớn và kéo giá bán sụt giảm. Mức giảm giá trung bình là 30-40%, có những mặt hàng thậm chí là 50%.

Ngoài ra, khách hàng thấy dội cung lại càng ép giá. Ông Quang cho hay, trong lịch sử làm tôm, chưa bao giờ giá tôm thấp như hiện nay. Những sản phẩm hạng trung cùng kỳ năm trước có giá 15,5 USD/kg, nay chỉ còn 10,2 USD, thậm chí Ấn Độ chỉ bán với giá 7,8 USD/kg. Hiện các nhà sản xuất Việt Nam phải rất chật vật mới bán được giá 9,5 USD/kg.

Do giá hàng giảm mạnh, rơi nhiều nhất vào tháng 4 đến tháng 6, nên những lô hàng đã sản xuất, hàng tồn kho của MPC lỗ, có lãi thì biên lợi nhuận cũng giảm mạnh. Nhìn thấy trước sự thay đổi trên các thị trường chủ lực, Minh Phú đã có chiến lược đa dạng hóa thị trường nhưng  không dễ. Tại Trung Quốc, khách hàng thường tìm cớ trả chậm hoặc thiếu tiền thanh toán, do vậy MPC không dám bán lượng lớn.

Phương án khắc phục

Câu hỏi lớn nhất của những người quan tâm đến Minh Phú là những khó khăn trên sẽ được hóa giải thế nào. Ông Lê Văn Điệp, Giám đốc Tài chính của Minh Phú cho hay, từ quý III lãi suất  tiền vay đã giảm nhanh và mạnh, hiện nay lãi suất tiền đồng ở mức từ 9-11%/năm, lãi suất bằng USD từ 4-5%/năm, lãi suất trái phiếu và vay dài hạn ở mức 15%/năm. Minh Phú đã bớt áp lực chi phí tài chính.

Các vùng nuôi tôm đã hoạt động, tôm đã bắt đầu cho thu hoạch vì vậy lợi nhuận của các vùng nuôi (nếu có) sẽ được hoạch toán từ quý III/2012. Để tăng công suất Nhà máy Minh Phú - Hậu Giang, Minh Phú đã phải trực tiếp đàm phán với người dân có đất, làm việc với tỉnh Hậu Giang, nhằm sớm lấy được đất để xây dựng khu nhà tập thể cho công nhân.

Trước sức ép giá tôm xuất khẩu giảm mạnh, ông Quang cho hay, MPC đang tập trung chế biến hàng cao cấp. Những lô hàng tôm sushi, tôm tẩm bột, gia vị… của Việt Nam hiện được ưa chuộng trên thế giới và cung không đủ cầu. Tỷ trọng hàng cao cấp hiện chiếm 40% và Minh Phú sẽ nâng dần lên 50-60%. Nhu cầu thị trường lớn, không đủ hàng để bán nhưng việc tăng cung không hẳn là bài toán dễ giải của Minh Phú, bởi chế biến những mặt hàng này đòi hỏi nhiều công nhân có tay nghề cao và công ty mất rất nhiều thời gian để đào tạo.
   
* Năm 2012, Minh Phú đặt kế hoạch doanh thu thuần hợp nhất: 10.478 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 877 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 715 tỷ đồng.* Cơ cấu lợi nhuận của Minh Phú: lĩnh vực chế biến xuất khẩu được kỳ vọng đạt lợi nhuận sau thuế 467 tỷ đồng; Lĩnh vực nuôi tôm thương phẩm, lợi nhuận sau thuế 233 tỷ đồng; Lĩnh vực sản xuất tôm giống, lợi nhuận sau thuế 14,40 tỷ đồng; Lĩnh vực sản xuất chế phẩm sinh học lợi nhuận sau thuế 0,5 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu hợp nhất 500 triệu USD.   

Nguồn Đầu tư chứng khoán


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới