Hủy
Doanh Nghiệp

Nguy cơ phá sản hàng loạt doanh nghiệp vận tải

Thứ Sáu | 14/12/2012 09:40

Theo ông Nguyễn Văn Thanh - Phó chủ tịch hiệp hội Vận tải ôtô, DN vận tải Việt Nam chủ yếu là DN nhỏ và chịu nhiều chi phí đầu vào.
 

Theo ông Nguyễn Văn Thanh - Phó chủ tịch hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, hiện tại các doanh nghiệp vận tải đường bộ Việt Nam đang rất khó khăn nên đã có rất nhiều doanh nghiệp phá sản. Và khi Cộng đồng kinh tế các nước ASEAN (AEC) chính thức vận hành vào năm 2015, các doanh nghiệp vận tải đường bộ Việt Nam khó đủ sức cạnh tranh với họ.

Dựa vào cơ sở nào để ông đưa ra nhận định như vậy?

Trong cuộc cạnh tranh hội nhập với các nước trong khu vực, các doanh nghiệp vận tải Việt Nam rất yếu thế. Cái yếu thế thứ nhất là các doanh nghiệp của ta đều rất nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, chứ chưa được là doanh nghiệp vừa. Nhiều lắm thì được khoảng 100 xe.

Cái yếu thứ hai là giá thành đầu vào của doanh nghiệp vận tải Việt Nam đang ở mức rất cao so với các nước láng giềng, đặc biệt là giá đầu tư phương tiện. Giá phương tiện hiện nay của Việt Nam cao gấp đôi, thậm chí gấp ba so với giá phương tiện của các nước trong khu vực. Thành ra đẩy tỷ lệ khấu hao tài sản cố định rất lớn.

Cuối cùng, các khoản phí mà xe ôtô phải gánh ở Việt Nam quá nhiều, trong đó có những khoản được nhiều người cho là bất cập.

Như ông cảnh báo, nếu AEC có hiệu lực vào năm 2015, sẽ có không ít các doanh nghiệp vận tải đối diện nguy cơ phá sản vì thiếu sức cạnh tranh. Điều này đồng nghĩa với việc, các doanh nghiệp vận tải nước ngoài sẽ chiếm lĩnh thị trường Việt Nam?

Sức cạnh tranh yếu chủ yếu là do các chính sách bất cập của mình tạo ra như tôi đã nêu ở trên (như chi phí đầu vào quá cao), nên sẽ xảy ra hệ luỵ. Lúc đó, coi chừng các doanh nghiệp vận tải hàng hoá, hành khách của các nước Campuchia, Thái Lan... tràn vào Việt Nam làm ăn, vì họ có rất nhiều lợi thế. Đây là điều dễ thấy.

Vậy, theo ông, để các doanh nghiệp vận tải đường bộ của Việt Nam tồn tại được, ngay từ bây giờ cần có giải pháp gì?

Mục tiêu của AEC là thúc đẩy phát triển kinh tế một cách công bằng, thiết lập khu vực kinh tế có năng lực cạnh tranh cao mà với năng lực cạnh tranh này, ASEAN có thể hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế toàn cầu...

Đối với lĩnh vực vận tải đường bộ, khi cộng đồng này được thành lập vào năm 2015, thì phương tiện vận tải đường bộ giữa các nước trong cộng đồng này không cần phải mất thời gian xin này, xin nọ mà chỉ cần ký quỹ là có thể lưu thông trên tất cả các nẻo đường các nước trong cộng đồng.

Theo tôi, giải pháp đầu tiên là Nhà nước phải sớm có các chính sách để tái cơ cấu lại ngành vận tải trong nước, để từ đó hình thành ra những doanh nghiệp đủ mạnh, như vậy mới hy vọng cạnh tranh được.

Cụ thể, Nhà nước phải có chính sách giúp cho các doanh nghiệp giảm được giá đầu vào (phương tiện, nhiên liệu, phí, thuế…) Nếu cứ bóp nghẹt bằng thuế, phí như hiện nay thì thua. Ngoài chính sách hỗ trợ ra, tôi còn mong các cơ quan kiểm tra, kiểm soát trên đường tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam. Tôi e rằng, dường như xe của nước ngoài chạy vào Việt Nam chẳng ai kiểm soát cả, nhưng xe của Việt Nam thì lại bị xử lý nhiều. Cái này người ta gọi là chi phí ngầm, mà chi phí ngầm của Việt Nam không phải là nhỏ.

Nguồn SGTT


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới