Hủy
Doanh Nghiệp

Ông Đặng Văn Thành nói về thỏa thuận 80 triệu cổ phiếu cấn trừ nợ với Sacombank

Thứ Năm | 04/04/2013 15:38

Theo ông Đặng Văn Thành, các khoản nợ được cấn trừ đều có thế chấp, đầy đủ giấy tờ, là nợ trong hạn và được xếp hạng A.
 

Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - mã STB) đã công bố báo cáo tài chính năm 2012 do PWC kiểm toán. Trong đó, vấn đề được quan tâm nhất là thỏa thuận 80 triệu cổ phiếu giữa Sacombank với ông Đặng Văn Thành và ông Đặng Hồng Anh.

Siết nợ hay cấn trừ nợ?

Một vấn đề đang được đặt ra là 80 triệu cổ phiếu này được dùng để siết nợ hay cấn trừ nợ? Trong cuộc trả lời phóng vấn với báo Tuổi Trẻ, ông Đặng Văn Thành cho biết, đây không phải là trường hợp siết nợ bởi việc siết nợ phải là những khoản nợ xấu và do Sacombank thực hiện.

Ở trường hợp này, theo ông Đặng Văn Thành, các khoản nợ đều có thế chấp, đầy đủ giấy tờ, là nợ trong hạn, được xếp hạng A.

Theo báo cáo tài chính riêng của Sacombank, kiểm toán PWC trong phần lưu ý có đoạn: "Trong trường hợp này, Ngân hàng đã sử dụng cổ phiếu của chính ngân hàng làm tài sản siết nợ".

Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính hợp nhất của Sacombank, nội dung tương tự đã được thay thế bằng "tài sản cấn trừ nợ".

Ý kiến của PWC tại báo cáo riêng lẻ.
Ý kiến của PWC tại báo cáo riêng lẻ. Nguồn: HSX
Ý kiến của PWC tại báo cáo hợp nhất
Ý kiến của PWC tại báo cáo hợp nhất. Nguồn: HSX

Ngoài ra, trong văn bản đề ngày 1/4 của Sacombank gửi Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sacombank cho biết, số tiền thỏa thuận gần 1.600 tỷ đồng được "Ngân hàng ghi nhận là tài sản siết nợ chờ xử lý trong các báo cáo tài chính cho năm kết thúc ngày 31/12/2012".

Giải trình của Sacombank gửi Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM. Nguồn: HSX
Giải trình của Sacombank gửi HSX và UBCKNN. Nguồn: HSX

Sacombank cũng đã có kế hoạch xử lý tài sản siết nợ này chậm nhất đến ngày 31/5/2013. Theo thông tin từ Người Lao Động, Sacombank đã ký hợp đồng bán toàn bộ số cổ phiếu trên cho 2 nhà đầu tư cá nhân theo phương thức thỏa thuận với giá 20.900 đồng/cổ phiếu và bên mua đã đặt cọc. Giá trị giao dịch là 1.668 tỷ đồng.

Giao dịch thỏa thuận 80 triệu cổ phiếu do ông Đặng Văn Thành đề xuất

Trao đổi với báo Tuổi Trẻ về lý do thực hiện giao dịch thỏa thuận 80 triệu cổ phiếu, ông Đặng Văn Thành cho biết, đã có sự khác biết về cách hiểu với các khoản nợ tại các công ty mà ông Đặng Văn Thành là cổ đông, như đường Biên Hòa, Bourbon Tây Ninh, đường Ninh Hòa...

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2012, riêng trong quý IV ngân hàng đã trích lập dự phòng 852 tỷ đồng, chiếm 65% tổng giá trị trích lập dự phòng của cả năm.

Việc trích lập dự phòng khiến Sacombank lỗ 871 tỷ đồng trong quý IV/2012 và lợi nhuận cả năm đạt 1.002 tỷ đồng.

Trong khi Hội đồng quản trị cũ coi các công ty này như khách hàng và không liên quan đến ông Đặng Văn Thành, thì nhóm cổ đông mới coi các công ty này có liên quan đến ông Đặng Văn Thành và yêu cầu trích lập dự phòng rủi ro.

"Nhận thấy không chỉ có cự ly về quan điểm, và tôn trọng quan điểm của Hội đồng quản trị mới, tôi quyết định chủ động để cấn trừ", ông Đặng Văn Thành nói.

Liên quan đến việc các công ty liên quan đến ông Đặng Văn Thành đã vay Sacombank 4.000-5.000 tỷ đồng, ông Thành cho biết, các khoản nợ này đều còn trong hạn nên Sacombank không thể đòi ngang. Tuy nhiên, cả 2 bên đều cùng thống nhất dùng số cổ phần của ông Đặng Văn Thành để cấn trừ các khoản nợ này.

Cũng trao đổi với báo Tuổi trẻ, ông Phạm Hữu Phú, Chủ tịch Sacombank cho biết, việc xử lý số cổ phiếu do ông Đặng Văn Thành và ông Đặng Hồng Anh nắm giữ là theo nguyện vọng của ông Đặng Văn Thành.

Nguồn Tuổi Trẻ


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới