Hủy
Doanh Nghiệp

Phỏng vấn vua phỏng vấn Larry King

Thứ Hai | 20/07/2009 10:48

Qua cuộc trò chuyện giữa Larry King và người hâm mộ, chúng ta có thể thấy được sự tinh tế và khéo léo của ông vua phỏng vấn này, cả khi đặt câu hỏi lẫn khi trả lời.
 

Những câu chuyện dí dỏm về sự nghiệp của ông vua phỏng vấn Larry King sẽ được thể hiện qua cuộc trò chuyện giữa ông và người hâm mộ.

Người ông muốn phỏng vấn nhất mà chưa làm được?

Ông Larry King: Chắc chắn sẽ có Fidel Castro. Tôi luôn muốn được phỏng vấn một giáo hoàng, bất cứ là giáo hoàng nào. Nhà văn Mỹ J.D. Salinger có lẽ là người khó gặp nhất. Tác phẩm “Bắt trẻ đồng xanh” (The Catcher In The Rye) của ông đã ảnh hưởng nhiều đến suy nghĩ của tôi. Tôi sẽ hỏi ông ấy: “Tại sao ông không viết tiếp? Có phải là ông đã cạn kiệt cảm xúc sau 4 cuốn sách?”. Những câu hỏi đó luôn dày vò tôi.

Điều gì đã giúp ông tồn tại lâu trong cái nghề này?

Ông Larry King: Điều này không thể giải thích được. Tôi không muốn làm việc gì khác ngoài nghề phát thanh viên. Tôi đã nói luôn miệng từ lúc lên 5 tuổi. Tôi muốn nói trên sóng phát thanh. Tôi muốn xuất hiện trên truyền hình. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ được mọi người trên thế giới thấy mặt. Suýt nữa tôi đã đặt tên cho cuốn tự truyện của mình là “Tôi làm gì ở đây thế này?”.

Ông có nhất trí với ý kiến cho rằng, ông chỉ hỏi những câu hỏi dễ dàng không?

Ông Larry King: Không nhất trí. Tôi không ngồi ở đó để làm khó người khác. Nếu tôi bắt đầu một cuộc phỏng vấn Nancy Pelosi (Chủ tịch Hạ viện Mỹ) bằng câu: “Tại sao bà lại nói dối về vụ tra tấn tù nhân?”, thì tôi sẽ không thể nào được biết những sự thật khác. Dồn người khác vào chân tường thì sẽ làm cho tôi có vẻ đắc ý. Lúc đó, họ sẽ làm “nền” cho tôi. Nhưng tôi không muốn khách mời trở thành nền cho mình.

Ông có quan ngại về tính phổ biến của các chương trình tin tức bị xem là mang tính tuyên truyền không?

Ông Larry King: Tôi không quan tâm lắm, vì mọi chương trình đều mang tính chu kỳ. Hy vọng là chương trình phỏng vấn thẳng thắn, gợi lên nhiều suy nghĩ sâu sắc luôn luôn được phát sóng. Từ lâu tôi đã học được điều này: Tôi sẽ chẳng học được điều gì nếu cứ nói luôn miệng. Lúc đó người dẫn chương trình sẽ nói đến 90% thời gian, chỉ chừa 10% cho khách mời. Tôi không thể chấp nhận điều đó.

Cuộc phỏng vấn nào khiến ông ngạc nhiên nhất?

Ông Larry King: Đó là cuộc phỏng vấn G. Gordon Liddy (điệp viên thời Tổng thống Mỹ Nixon) trong vụ bê bối chính trị Watergate. Tôi không thích đưa ra các đánh giá vội vã, nhưng ấn tượng ban đầu của tôi đối với ông ta là không mấy thiện cảm. Nhưng rồi tôi phải thực sự thích ông ta. Ông ta là người lập dị, nhưng mà lập dị cũng có cái hay của nó. Tôi thích kiểu đam mê của ông ta. Tôi khoái kiểu ông ta hài hước. Ông ta là một nhân vật thực sự đáng chú ý và vì thế là đối tượng tuyệt vời cho một cuộc phỏng vấn.

Ông đã phải chịu áp lực như thế nào khi đưa những vị khách đình đám trên báo chí lá cải lên truyền hình?

Ông Larry King: Tôi không biết rằng tôi phải chịu áp lực đó, bởi tôi không chọn khách mời. Khi ánh đèn bật lên, tôi phải làm công việc của mình. Nếu tôi có phải bàn luận chuyện đứa trẻ mất tích hay một ngôi sao sắc đẹp vừa mới ly dị chồng, thì đó cũng chỉ là tính chất của công việc. Tôi chưa bao giờ từ chối một chương trình nào.

Ông có bao nhiêu cái quần dây đeo?

Ông Larry King: Tôi chưa đếm. Có bộ ở New York, bộ ở Washington và dĩ nhiên ở nhà tôi (tại Los Angeles) - chừng 150 bộ. Nhưng không nhất thiết là quần dây đeo. Mỗi chiếc quần tôi mua, jean hay loại khác, tôi đều cho đục lỗ để đeo dây.

Ông sẽ xử lý thế nào với vị khách mà ông không thích?

Ông Larry King: Ồ, tôi là một người dẫn chương trình chuyên nghiệp và công việc của tôi là dẫn chương trình. Quan điểm cá nhân của tôi không quan trọng. Điều quan trọng duy nhất là khách mời.

Cuộc phỏng vấn nào làm ông bực mình nhất?

Ông Larry King: Robert Mitchum, một trong những diễn viên mà tôi hâm mộ, từng khiến cho tôi phải phát khùng lên. Mỗi câu hỏi của tôi đều được anh ta trả lời bằng một từ cụt lủn. “Đúng, sai. Có thể, không chắc”. Tôi chẳng thể nào đọc được ý nghĩ của anh ta. Tình hình trở nên quá tệ đến nỗi tôi phải kết thúc cuộc phỏng vấn bằng câu hỏi anh ta ăn gì trong bữa tối. Và khi nói xong, anh ta hỏi lại: “Tôi trả lời trông thế nào?”.

Cuộc sống “hậu Larry King” sẽ như thế nào?

Ông Larry King: Giống như diễn viên Milton Berle từng nói: “Nghỉ hưu à? Nghỉ cái gì?”, tôi không nghĩ tới chuyện nghỉ hưu. Tôi không phải là người có khả năng ăn không ngồi rồi. Nếu đó là một định luật, thì định luật đó không phù hợp với tôi.

(Theo Time)

Ông Larry King

Tên thật là Lawrence Harvey Ziegler, sinh ngày 19.11.1933 tại Brooklyn, New York, Mỹ. Lúc nhỏ, Larry King từng tuyên bố với bố mẹ: “Con chỉ làm người dẫn chương trình và sẽ là người dẫn chương trình nổi tiếng thế giới”.

1982 và 1992: Giải George Foster Peabody dành cho người xuất sắc trong chương trình phát thanh - truyền hình.

1996: Giải thưởng Golden Plate cho những cống hiến của ông trong ngành công nghiệp truyền thông đại chúng do Viện Hàn lâm Mỹ trao tặng.

2002: Được tờ tạp chí chuyên ngành truyền hình Talkers vinh danh là 1 trong 4 người dẫn chương trình phát thanh và chương trình talk-show vĩ đại nhất mọi thời đại.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới