Hủy
Doanh Nghiệp

SCIC buông, tư nhân nắm

Thứ Tư | 16/09/2015 08:00

Ngay khi SCIC chào bán số cổ phiếu tại Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, tư nhân lập tức mua vào toàn bộ.
 

Toàn bộ 2,3 triệu cổ phiếu của Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông ( RAL) được giao dịch thỏa thuận thành công qua sàn chứng khoán trong phiên ngày 7.9, đúng bằng lượng đăng ký bán ra vài ngày trước đó của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), cổ đông lớn thứ 2 tại RAL. Bị hấp dẫn trước kết quả kinh doanh của RAL, tư nhân đã mua toàn bộ số cổ phiếu mà SCIC “buông ra”.

RAL là một trong số nhiều công ty SCIC đang phải thoái vốn theo kế hoạch. Từ đầu tháng 9 đến nay, SCIC tiến hành thoái vốn tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Công trình 742, Công ty Cổ phần Công nghệ Thông tin, Viễn thông và Tự động hóa Dầu khí, Công ty Docimexco... Hiện SCIC vẫn còn danh sách 229 doanh nghiệp cần bán trong năm nay, có cả doanh nghiệp quy mô rất nhỏ (vốn điều lệ 2 tỉ đồng) lẫn doanh nghiệp quy mô khổng lồ, như Vinaconex với hơn 4.417 tỉ đồng vốn điều lệ (SCIC nắm giữ 57,8%).

Có thể nói, tư nhân đang ngóng đợi quá trình thoái vốn của SCIC. Như trường hợp RAL ở trên, tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2015, công đoàn của RAL, cổ đông lớn nhất, tỏ rõ mong muốn mua lại cổ phần của SCIC. Nếu thực sự đã mua được trong phiên vừa qua, công đoàn RAL sẽ đạt tỉ lệ sở hữu 59,94%. Từ đầu năm 2015 đến nay, SCIC đã thoái vốn thành công tại nhiều công ty: 30% vốn tại Công ty Cổ phần Địa ốc Đà lạt (DLR), 43,12% vốn tại Công ty Cổ phần Vận tải và Thuê tàu-Vietfracht (VFR). Trước đó năm 2014, nhiều nhà đầu tư tư nhân cũng đã mua lại thành công cổ phần của SCIC, như Công ty Cổ phần Đầu tư F.I.T với Dược Cửu Long (36,35%), Nước khoáng Khánh Hòa Vikoda, nhóm nhà đầu tư SSI với Giống cây trồng Trung ương và Masan với Nước khoáng Vĩnh Hảo.

SCIC buong, tu nhan nam
Danh mục quản lý của SCIC đến hết ngày 31-12-2014

Những ông chủ mới luôn muốn chiếm quyền kiểm soát. Sự mạnh dạn chuyển giao của SCIC mang lại quyền lực đầy đủ hơn cho các cổ đông lớn khác, tránh được những bất đồng từng gặp tại Vinamilk hay Bảo vệ Thực vật An Giang.

Theo SCIC, nửa đầu năm nay việc bán vốn tại các công ty nhà nước mà Chính phủ không muốn nắm giữ cổ phần thuận lợi hơn các năm trước. SCIC đạt 79% kế hoạch doanh thu bán vốn, tăng gấp 2,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Một phần nhờ vào chính chất lượng của món hàng rao bán và sự thay đổi trong phương pháp bán. SCIC nay có thể bán theo dạng giao dịch khớp lệnh trên sàn, thỏa thuận riêng, đấu giá công khai và cho phép nhà đầu tư mua thỏa thuận một lô lớn để sở hữu tỉ lệ cao hơn.

Doanh nghiệp được hưởng lợi từ xu hướng chuyển giao tài sản theo chủ trương của Chính phủ. Bảng xếp hạng “50 Công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam” (Top 50) do Tạp chí NCĐT thực hiện 4 năm qua cho thấy, sau khi Nhà nước thoái vốn, các doanh nghiệp có sự cải thiện về tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận sau thuế, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) và lợi nhuận trên vốn (ROC), như trường hợp Công ty Vinacafé Biên Hòa (VCF) sau khi Masan mua lại và nắm giữ cổ phần chi phối (53,2%).

Không những tư nhân mà trên thực tế, SCIC cũng được lợi. Như trường hợp của RAL, số tiền thoái vốn thu được vào khoảng hơn 114 tỉ đồng, trong khi mệnh giá đầu tư ban đầu là 23 tỉ đồng. SCIC cũng vừa chào bán 37% vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị Trường học Đà Nẵng (BED) với giá khởi điểm 40.200 đồng/cổ phiếu trong lúc thị giá khoảng 21.000 đồng/cổ phiếu. Về tổng thể, các thương vụ mà SCIC thoái được vốn vẫn đang mang lại mức lời đáng kể. Tính từ năm 2006-2014, SCIC đã thoái vốn thành công 724 công ty, trong đó 657 công ty thoái vốn hoàn toàn, thu về 6.256 tỉ đồng, trung bình gấp 2,2 lần so với giá trị sổ sách.

Tuy nhiên, hành trình thoái vốn của SCIC không phải lúc nào cũng thuận lợi. Vẫn còn đó những doanh nghiệp nhỏ, kinh doanh thua lỗ, thiếu hấp dẫn đối với nhà đầu tư tư nhân, như Docimexco (FDG) vừa được rao bán với giá 3.000 đồng/cổ phần, sau lần thất bại với mức giá 6.000 đồng/cổ phần. Cơ chế bán theo lô, dưới giá vốn được kỳ vọng giúp SCIC thoái vốn thành công tại những doanh nghiệp này.

SCIC hiện chủ yếu thoái vốn tại các công ty có quy mô nhỏ và vẫn giữ lại nhiều “con gà đẻ trứng vàng”. Nhà nước hiện nắm giữ 13-65% vốn tại 7 doanh nghiệp tốp đầu trong Top 50, trong đó có Vinamilk, Dược Hậu Giang.

Trong tương lai, SCIC sẽ quản lý thêm 20 tập đoàn, tổng công ty theo chủ trương thoái vốn của Chính phủ, trong đó có Tập đoàn Vinatex. Hồi giữa năm, danh sách SCIC cần thoái vốn đã được bổ sung Tổng Công ty Cổ phần Đường sông miền Nam (Nhà nước nắm giữ 66,58% vốn), Tổng Công ty Cơ điện Xây dựng (29%), Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng Công ty Ôtô Việt Nam, Cienco 5, Cienco 6...

Thanh Phong


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới