Hủy
Doanh Nghiệp

SCIC ngày 2/12 chào bán chính thức 9% cổ phần Vinamilk

Thứ Hai | 21/11/2016 11:53

Nhà đầu tư nước ngoài đề xuất SCIC bán cổ phần với giá thấp hơn giá thị trường để thu hút nhà đầu tư tham gia.
 

Sáng nay (21/11), Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tổ chức buổi roadshow "Giới thiệu cơ hội đầu tư mua cổ phần của SCIC tại Vinamilk". Ông Nguyễn Chí Thành, Phó Tổng Giám đốc SCIC, công bố lộ trình chính thức về việc chào bán 9% cổ phần Vinamilk.

Cụ thể, ông Thành cho biết sau buổi roadshow, SCIC sẽ tiến hành xác định giá, khối lượng đặt mua tối thiểu và sẽ công bố thông tin chậm nhất ngày 2/12.

Thời điểm tổ chức chào bán là vào ngày 2/12. Theo quy chế chào bán, giá đặt mua không thấp hơn giá khởi điểm và mức giá sàn cổ phiếu VNM tại ngày chào bán. Mức giá sàn tại ngày chào bán được xác định tại thời điểm đóng cửa phiên giao dịch ngày T-1 (lúc 14 giờ 45), theo công bố của HSX.

Các cá nhân, tổ chức muốn tham gia mua cổ phần VNM có thể đăng ký và đặt cọc từ ngày 23/11 đến 1/12. Giao dịch sẽ được tiến hành từ ngày 5-8/12 và hoàn tất vào ngày 12/12.

Dựa trên quy chế bán vốn, SCIC sẽ lựa chọn nhà đầu tư bằng hình thức chào bán cạnh tranh nếu có từ 2 nhà đầu tư trở lên đăng ký mua. Nếu chỉ có một nhà đầu tư muốn mua thì SCIC sẽ tiến hành thỏa thuận trực tiếp. Giao dịch sẽ thông qua sở giao dịch chứng khoán hoặc thông qua Trung tâm Lưu ký Chứng khoán.

Nhà đầu tư nước ngoài đề xuất bán thấp hơn giá thị trường

Tại buổi roadshow, một nhà đầu tư nước ngoài đề xuất SCIC nên bán vốn với giá thấp hơn giá thị trường để thu hút các nhà đầu tư tham gia, điều tương tự như các nước phương Tây thường làm. Đáp lại, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch HĐTV SCIC, cho rằng SCIC xác định trong đợt thoái vốn này không lựa nhà đầu tư chiến lược và tạo cơ hội bình đẳng cho các nhà đầu tư tham gia. "Ai yêu mến và thấy cơ hội tại đây có thể gắn kết với doanh nghiệp này", ông nói.

Về cổ phần vàng, ông Chi cho biết, tất cả các ý kiến về cổ phần vàng chỉ mang tính chất cá nhân, chưa được luật hóa và chưa được pháp luật quy định. Cùng với đó, Vinamilk cũng đã được cho phép nới room lên 100%. Việc bán 9% tại Vinamilk không phân biệt nhà đầu tư trong nước và ngoài nước, ông khẳng định.

Về lộ trình bán 36% cổ phần còn lại, Chủ tịch SCIC cho biết, sau khi thực hiện việc bán 9% cổ phần trong năm nay, căn cứ vào kết quả, đánh giá tình hình thị trường, tình hình phát triển Vinamilk trong thời gian tới, SCIC sẽ báo cáo với Chính phủ quyết định và sẽ công khai kế hoạch sớm nhất với công chúng.

Ông Chi cho biết, cho đến nay, có rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm hiểu cơ hội mua cổ phần Vinamilk từ SCIC. Song lãnh đạo SCIC cho hay, SCIC cho đến giờ phút này, chưa nhận được lời đề nghị chính thức từ cổ đông lớn thứ hai là F&N Dairy Investments, công ty con của F&N - tập đoàn sản xuất đồ uống Singapore thuộc sở hữu của tỷ phú giàu nhất Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi. Trước đó, báo giới trong và ngoài nước cho biết tập đoàn này đang nhắm đến Vinamilk như là một mục tiêu M&A đầy tiềm năng.

Hiện tại, SCIC đã tổ chức các buổi roadshow tại Singapore, Hong Kong và London (Anh). Thương vụ SCIC thoái vốn khỏi Vinamilk được đánh giá là thương vụ chào bán cổ phiếu thứ cấp lớn nhất tại Đông Nam Á trong năm nay.

Giá nguyên liệu sữa tăng 25-35% chưa ảnh hưởng tới Vinamilk

Về mối lo ngại của nhà đầu tư khi giá sữa nguyên liệu đang tăng, bà Mai Kiều Liên, Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vinamilk, khẳng định giá nguyên liệu sữa đang tăng rất cao, tới 25-35% so với năm ngoái. Theo bà Liên, giá nguyên liệu sữa có lúc lên lúc xuống, đỉnh điểm cao nhất là năm 2014. Tuy nhiên theo bà, trong vòng 5 năm tới giá sữa không bao giờ lên cao như vậy. Bà Liên lý giải, do thời điểm năm 2014, nhu cầu tại nước tiêu thụ sữa nhiều nhất thế giới là Trung Quốc đang rất cao, nhưng hiện nhu cầu tại nước này đã bớt lại nên giá nguyên liệu sữa không lên cao như vậy nữa.

Theo bà Liên, giá sữa tăng thời gian gần đây do giá sữa đã ở dưới đáy nên nông dân từ chối chăn nuôi. Mức giá hiện tại là hợp lý bởi người nông dân chăn nuôi có lời mới tiếp tục phát triển. Để lường trước điều này, Vinamilk đã ký hợp đồng cung cấp nguyên liệu sữa cho tới tháng 4, 5 năm sau. Do đó, Vinamilk sẽ không phải chịu áp lực giá sữa tăng trong thời gian này.

Về ành hưởng đến Vinamilk nếu TPP đổ vỡ, bà Liên cho rằng có thể sẽ tác động sâu hơn về nguyên liệu nhập khẩu từ Mỹ.

Tăng trưởng doanh thu của Vinamilk từ 18-20%, theo bà Liên, tỷ lệ này tương đối hợp lý. Vinamilk đang tìm kiếm các thị trường khác như Myanmar... để chiếm lĩnh thị phần.

"Vấn đề các nhà đầu tư quan tâm là tương lai của Vinamilk. Nhiều năm rồi tăng trưởng cao, vậy thời gian tới có tăng trưởng nữa hay không? Bản thân tôi rất tự tin, vì mức tiêu thụ sữa của người Việt Nam còn thấp, do đó, còn có cơ hội để phát triển. Đây là cơ hội vàng trong 10 năm tới, sau đó thì chưa biết có đạt ngưỡng bão hòa hay không, nhưng dân số Việt Nam tăng 1,2 triệu trẻ em mỗi năm là cơ hội cho ngành sữa", bà Liên nói.

Trường Văn


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới