Hủy
Doanh Nghiệp

Tại sao Cáp Sài Gòn phải giải thể?

Thứ Bảy | 05/01/2013 14:01

Khi giải thể, CSG có 235 tỷ đồng tiền mặt; nguồn tiền này phần lớn lại huy động từ cổ đông trước đó mà không được sử dụng.
 

Ngày 4/1/2013, Công ty cổ phần Cáp Sài Gòn ( CSG) thanh toán đợt 3 cho cổ đông để giải thể công ty. Cách đúng 1 năm, giá trị vốn hóa thị trường của CSG là 187 tỷ đồng, tức còn thấp hơn 20% so với số tiền mặt công ty này đang nắm giữ (235 tỷ đồng).

Vấn đề giải thể lần đầu tiên được nhắc tới trong Nghị quyết Hội đồng quản trị số 2 năm 2012 của CSG và đã tạo ra làn sóng phản đối dữ dội trên báo chí. Tổng giám đốc Phạm Ngọc Cầu công khai lên báo phản đối. Nhiều tờ báo lo ngại cho số phận người lao động. Một số cổ đông nhỏ bức xúc trước viễn cảnh mua giá 30 (nghìn đồng) nay chỉ được chia có 13.

Nhưng trái với không khí sục sôi trên mặt báo, các phương án nhằm hoàn trả lại tiền cho cổ đông đều nhận được sự nhất trí cao trong giới đầu tư, dù đó là mua thêm cổ phiếu quỹ, hủy cổ phiếu để giảm vốn điều lệ hay … “giải thể”.


Trong Đại hội Cổ đông thường niên ngày 21/04/2012, số cổ đông đồng ý giải thể hoặc giảm vốn chiếm tới 73% số cổ phần có quyền biểu quyết tại Đại hội. Chủ tịch Đỗ Văn Trắc đại diện cho cổ đông lớn nhất SACOM (chiếm 34,7% quyền biểu quyết) đứng về phía “giải thể”.

Vậy vì sao Cáp Sài Gòn lại làm cổ đông thất vọng đến nỗi rơi phải giải thể?

Đơn giản là một cục tiền

Ngành sản xuất cáp đồng của Cáp Sài Gòn cũng như của SACOM vốn đã lận đận từ nhiều năm trước trước sự cạnh tranh của cáp quang. Đến năm 2011, khi thị trường viễn thông trong nước đã bão hòa, hai đại gia VNPT và Viettel đã tương đối hoàn thiện hạ tầng mạng trong nước, nhu cầu cáp đồng lại càng giảm nên Cáp Sài Gòn còn khó khăn hơn.


Những doanh nghiệp có hoạt động sản xuất cáp đồng viễn thôngđang lỗ hoặc có lợi nhuận thấp

Lợi nhuận gộp (được hiểu là lợi nhuận từ ngành sản xuất kinh doanh chính – dây cáp đồng) từ ổn định quanh ngưỡng 50 tỷ trong ba năm trước, đến năm 2011 rớt chỉ còn 6,7 tỷ. Doanh thu năm 2011 cũng giảm non nửa so với năm 2010. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh cũng âm tới 94,5 tỷ.

Đáng chú ý là trong các năm trước đó, lợi nhuận sau thuế của CSG không cao do chi phí dự phòng giảm giá đầu tư tài chính và lỗ do bán cổ phiếu. Tổng cộng chi phí loại này trong bốn năm 2008-2011 tương đương với lợi nhuận gộp của CSG trong năm được mùa nhất 2010 (khoảng 53 tỷ).

Kết quả sản xuất kinh doanh của CSG dù có nhìn theo góc độ nào cũng không thấy “sáng”, EPS thấp, ROE còn thất vọng hơn (trung bình chỉ vỏn vẹn 4%, còn không bằng số lẻ lãi suất tiền gửi ngân hàng) và hoạt động kinh doanh chính thì không có cửa sáng.

Kho tiền của CSG bắt đầu tăng từ năm 2008 và lên tới đỉnh 357 tỷ vào cuối năm 2010 và vào kỳ báo cáo gần nhất trước khi hủy niêm yết là 256 tỷ (giữa năm 2012)


Tiền từ đâu mà ra?

Trong giai đoạn 2006-2011, công ty này chỉ làm ra có tổng cộng 121,1 tỷ lợi nhuận sau thuế thì đã chia cổ tức và mua cổ phiếu quỹ (cũng được coi là một hình thức hoàn trả tiền cho cổ đông) tới 108 tỷ. Đến trước khi giải thể, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối chỉ còn có 9 tỷ. Như vậy, “kho tiền” không phải do tích lũy mà có.

Nếu chỉ nhìn thoáng qua, ta có thể bị ấn tượng bởi dòng tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh của CSG. Từ năm 2007 đến khi giải thể, tổng dòng tiền thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh của CSG là 250,3 tỷ và tổng dòng tiền thuần là 234 tỷ, xấp xỉ với con số tiền mặt công ty này có (256 tỷ).

Vậy “kho tiền” của CSG có phải bắt nguồn từ hoạt động sản xuất kinh doanh? Câu trả lời là không.

Lục lại báo cáo tài chính hai năm 2006 và 2007, trong hai năm này CSG có hai đợt huy động vốn của cổ đông với tổng số tiền 370 tỷ. Đợt thứ nhất vào năm 2006 với 59 tỷ vốn góp và 27 tỷ thặng dư vốn cổ phần. Đợt thứ hai vào năm 2007 với 97,4 tỷ vốn góp và 186,6 tỷ thặng dư vốn cổ phần.

Nếu không có khoản tiền này, dòng tiền của CSG đã âm, ấy là còn chưa tính tới các hậu quả của một cuộc khủng hoảng thanh khoản ngay trong giai đoạn thanh khoản còn tương đối dồi dào 2007-2008.

Nên lưu ý, nguồn tiền quý giá này từ cổ đông lại chính là nền tảng để cải thiện dòng tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh trong các năm sau này. Vì tiền huy động từ cổ đông nếu đem gửi ngân hàng, tiền lãi sẽ được ghi vào dòng tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh. Ước tính, tổng doanh thu hoạt động tài chính (trừ lãi chênh lệch tỷ giá) của CSG trong giai đoạn từ 2007 đến trước khi giải thể là khoảng 131 tỷ, tức hơn một nửa tổng dòng tiền thuần trong cùng giai đoạn.

CSG dùng tiền để làm gì?

Theo BCTC năm 2007 của CSG, tiền thu từ đợt phát hành tăng vốn năm 2006 có lẽ đã dùng phần lớn để mua sắm tài sản cổ định. Trong phân tích dưới đây, chúng ta chỉ tính tới khoản 284 tỷ thu từ đợt phát hành tăng vốn năm 2007.

Để xem CSG huy động vốn của cổ đông để làm gì, người viết tóm tắt một số khoản mục chi phí và tài sản của CSG tính đến hết năm 2008 thể hiện ở bảng trên. Cột thứ hai thể hiện tổng số tiền (theo BCTC 2008) và cột thứ ba thể hiện tỷ lệ của số tiền ở cột 2 trên khoản thu từ đợt tăng vốn năm 2007 (284 tỷ).

Có thể thấy, CSG dành một nửa tiền để gửi ngân hàng. Số tiền này trong những năm tiếp theo liên tục tăng và đến trước khi giải thể là vào khoảng 255 tỷ.

Gần ¼ số tiền huy động được, tức 66,4 tỷ, dành để đầu tư vào các dự án “có liên quan” tới cổ đông lớn nhất là Công ty cổ phần SACOM ( SAM). Trong đó, riêng đầu tư vào cổ phiếu SAM là hơn 25 tỷ.

Cần nói thêm rằng, trong số 284 tỷ huy động năm 2007, các nhà đầu tư nhỏ lẻ góp tới 210 tỷ và SAM chỉ góp có 57 tỷ. Như vậy, bằng nhiều hình thức khác nhau, chỉ sau hơn một năm, SAM đã bằng nhiều cách khác nhau thu hồi lại toàn bộ số tiền đã đầu tư thêm vào CSG.

Hoạt động kinh doanh chính không có triển vọng, tiền huy động về chỉ đem gửi ngân hàng lại dễ thành mồi ngon để nhiều phía lợi dụng. Cách giải quyết tốt nhất đối với một công ty như thế chắc chỉ có thể là trả lại tiền đầu tư cho cổ đông.

Nguồn cafeFbiz


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới