Hủy
Doanh Nghiệp

Tập đoàn G.home và hành trình Nam tiến

Thứ Ba | 01/12/2015 08:30

Sản xuất và kinh doanh nguyên liệu dệt may đem lại hơn 60% doanh thu hằng năm của G.Home, giúp họ phát triển nhanh trên thị trường.
 

Vừa niêm yết chưa đầy một tháng, Công ty Cổ phần Ðầu tư Dệt may G.Home (G20) lại tiếp tục đẩy mạnh chiến lược tiến vào miền Nam, nơi có hàng loạt các tập đoàn dệt may quốc doanh lớn đang “trú ngụ”. G.Home sẽ là công ty tư nhân đầu tiên dám đối đầu với những đại gia này.

Chiến lược của G.Home

Trong số những doanh nghiệp có mô hình sản xuất dệt may khép kín như Thành Công hay Phong Phú, G.Home là một công ty tư nhân hiếm hoi triển khai mô hình này. Tuy nhiên, trong lúc các doanh nghiệp trên chú trọng nhiều vào khâu may, G.Home lại tập trung đầu tư mạnh vào công đoạn sản xuất nguyên liệu vì nhu cầu thị trường đang cao và có lợi nhuận tốt. Sản xuất và kinh doanh nguyên liệu dệt may đem lại hơn 60% doanh thu hằng năm của G.Home, giúp họ phát triển nhanh trên thị trường.

Gần đây, tin vui tiếp tục đến với G.Home khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã hoàn tất đàm phán. Nhờ đó, mức thuế xuất khẩu sản phẩm dệt may Việt Nam sang thị trường Mỹ sẽ được giảm xuống chỉ còn 0%, với điều kiện nguyên liệu từ sợi trở đi phải có xuất xứ trong nước. Cũng vì lý do này mà nhiều doanh nghiệp dệt may khác cũng chuẩn bị đầu tư xây nhà máy sợi, nhất là những doanh nghiệp đã có mô hình khép kín (sợi-dệt nhuộm-vải-may), để hưởng lợi thế khi xuất khẩu.

Nhằm huy động được nguồn tài chính đầu tư cho lĩnh vực bông sợi, G.Home đã cổ phần hóa vào tháng 4.2014 và niêm yết trên sàn chứng khoán. Sau 1 năm cổ phần hóa, Công ty đã tăng vốn từ 96 tỉ đồng lên 144 tỉ đồng. Theo công bố của ông Nguyễn Hách, Chủ tịch G.Home, đây là bước đầu để Công ty tập trung đẩy mạnh tham gia chuỗi cung ứng dệt may.

Trong chuỗi này, G.Home vốn có thế mạnh với 2 dạng sản phẩm. Một là loại vải dùng sản xuất các loại áo jacket xuất khẩu sang thị trường Mỹ và châu Âu. Kế đến là vải hoa văn cung cấp cho thị trường may mặc thông thường. Ông Hách cho biết thêm, lĩnh vực sản xuất nguyên liệu vẫn là cốt lõi mà G.Home theo đuổi. Các mảng kinh doanh khác hiện chưa được đẩy mạnh và chưa mang lại nhiều doanh thu cho Công ty.

Dự kiến, may gia công chỉ chiếm khoảng 5% tổng doanh thu của G.Home trong năm nay. Mặc dù đây chưa phải hoạt động chủ lực trong thời điểm hiện tại, nhưng cơ cấu doanh thu từ may gia công sẽ dần tăng lên và có thể đạt 30% tổng doanh thu của G.Home từ năm 2018 trở đi.

Đối đầu với các ông lớn

Nguyên liệu đầu vào của ngành dệt may luôn chiếm đến 60-70% chi phí sản xuất. Doanh nghiệp nào chủ động được nguồn nguyên liệu thì chắc chắn lợi nhuận sẽ cao hơn rất nhiều so với gia công may mặc đơn thuần. Nắm trong tay lợi thế này, G.Home tỏ ra khá tự tin khi Nam tiến.

Ông Hách, G.Home, cho biết Công ty dự kiến chi 8 tỉ đồng để thực hiện kế hoạch đầu tư nhà máy bông ở phía Nam trong năm nay hoặc đầu năm 2016, cùng một nhà máy vải không dệt tại Phú Thọ.

Tiến vào thị trường miền Nam, mục tiêu của G.Home là chiếm được thị phần trong lĩnh vực nguyên liệu may mặc. Tuy nhiên, Công ty cũng đang bước vào một cuộc cạnh tranh khốc liệt. Bởi nhiều doanh nghiệp may nội ở phía Nam cũng đang ồ ạt đầu tư vào lĩnh vực nguyên liệu, nhất là những công ty có mô hình sản xuất khép kín, thuộc sở hữu nhà nước và nguồn vốn lớn.

Ví dụ, cuối năm 2014, ông Phạm Xuân Trình, Tổng Giám đốc Phong Phú, cho biết tổng công ty này dự kiến đầu tư mở rộng một dây chuyền dệt kim tại Nha Trang với vốn đầu tư 400 tỉ đồng vào năm 2015. Ðến năm 2016, Phong Phú sẽ đầu tư một dây chuyền 20.000 cọc sợi, sản xuất sợi 100% cotton chải kỹ với sản lượng 3.200 tấn/năm.

Trong khi đó, Tổng Công ty 28 đã tìm phương án hợp tác với một đối tác Nhật để sản xuất nguyên phụ liệu trong lĩnh vực vải len. “Chúng tôi đã ký hợp tác trong 10 năm với Tập đoàn Sotoh. Đây là tập đoàn chiếm 40% thị phần tại Nhật về vải len. Dự kiến công suất trước mắt là 5 triệu m vải/năm”, ông Nguyễn Văn Hùng, Tổng Giám đốc Công ty, chia sẻ với báo giới.

Còn Thành Công, sau khi cổ phần hóa và liên doanh với đối tác Nhật, doanh nghiệp này cũng nhanh chóng đẩy mạnh công suất và đầu tư nhà máy sản xuất sợi, vải cung cấp cho các công ty may trong nước. Còn Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đã đưa 3 dự án sản xuất sợi đi vào hoạt động là Nhà máy Sợi Phú Bài 2, Nhà máy Sợi Vinatex - Hồng Lĩnh và Nhà máy Sợi Đồng Văn.

Một doanh nghiệp tư nhân ở miền Nam là Sợi Thế Kỷ cũng rất mạnh trong khâu sản xuất nguyên liệu sợi cho ngành may. Doanh nghiệp này vừa huy động vốn mở rộng nhà máy sợi tại Tây Ninh với tổng giá trị đầu tư 729 tỉ đồng giữa năm ngoái.

Rõ ràng, việc G.Home “chen chân” vào thị trường miền Nam là một bước đi có ý đồ, nhưng cũng không kém phần mạo hiểm. Nếu so về nguồn vốn lẫn quy mô sản xuất, G.Home nhỏ hơn những cái tên kể trên rất nhiều. Ngoài ra, thị trường miền Nam cũng đã “đặc kín” những doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nguyên liệu. G.Home có đủ lực cạnh tranh trên mảnh đất phương Nam màu mỡ hay không vẫn là một ẩn số.

Mai Hân


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới