Tinh thần lãnh đạo ESG rút ngắn khoảng cách từ cam kết đến hành động
Bà Nguyễn Thị Trà My, Tổng Giám đốc Tập đoàn PAN chia sẻ khi bắt đầu làm phát triển bền vững gặp muôn vàn khó khăn, song Tập đoàn chưa bao giờ bỏ cuộc.
Phát triển bền vững bắt đầu từ tư duy lãnh đạo
Sau khi Chính phủ Việt Nam cam kết đạt mức phát thải khí nhà kính ròng bằng “0” vào năm 2050 (Net Zero), nhiều doanh nghiệp đã và đang đẩy mạnh các chương trình phát triển bền vững, tập trung vào các khía cạnh của ESG - Environmental (Môi trường), Social (Xã hội) và Governance (Quản trị).
Đặc biệt, 2023 là năm ESG đã trở thành “mệnh lệnh” của nền kinh tế, con đường doanh nghiệp dù muốn hay không cũng phải bắt đầu hành trình xanh hóa.
Báo cáo về Mức độ sẵn sàng thực hành ESG của doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam năm 2022-2023 của PwC Việt Nam và Viện Thành viên HĐQT Việt Nam (VIOD) cho thấy khoảng 69% doanh nghiệp tư nhân đã cam kết hoặc có kế hoạch cam kết ESG trong 2-4 năm tới.
Tuy nhiên, khoảng 32% doanh nghiệp cho biết lãnh đạo HĐQT không tham gia vào vấn đề ESG; 38% công ty chưa có lãnh đạo ESG trong tổ chức; 53% doanh nghiệp cho biết chương trình ESG được quản lý bởi một trưởng phòng cao cấp, nhưng đây không phải nhiệm vụ duy nhất của họ.
Đối với phát triển bền vững, chỉ cam kết là chưa đủ. Để rút ngắn khoảng cách từ cam kết đến thực hành ESG, vai trò của HĐQT được đặt lên hàng đầu, ý chí của đội ngũ lãnh đạo thể hiện rõ nhất mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp.
Tập đoàn PAN đã bước trên hành trình phát triển bền vững được hơn 10 năm. Không phải tự nhiên, điều này xuất phát từ tầm nhìn của đội ngũ lãnh đạo.
Bà Nguyễn Thị Trà My, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn PAN cho biết việc theo đuổi con đường kinh doanh phát triển bền vững là điều không hề dễ dàng, nhất là trong bối cảnh những ngày đầu, đây là khái niệm còn mới mẻ, thậm chí với ngay cả các thế hệ lãnh đạo gồm nhiều lứa tuổi, nhiều lĩnh vực như trong hệ sinh thái của PAN. Mặc dù gặp muôn vàn khó khăn, bà cho biết chưa bao giờ bỏ cuộc và quyết đi đến cùng.
Với những chiến lược và câu chuyện phát triển bền vững tiêu biểu, Tập đoàn PAN vừa được ghi nhận trong danh sách TOP 50 Doanh nghiệp Phát triển Bền vững năm 2024 (TOP 50 CSA) do Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư tổ chức, bình chọn. Đặc biệt, sự dẫn dắt, chèo lái của đội ngũ đứng đầu được Hội đồng thẩm định đánh giá cao, ghi nhận tinh thần lãnh đạo ESG (G) là một trong những yếu tố tạo nên thành công của PAN.
Trước đó, Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam cũng đã tôn vinh hội đồng quản trị của PAN nằm trong Top 5 HĐQT xuất sắc nhất của năm 2023, khi thể hiện được vai trò giám sát bảo vệ lợi ích của cổ đông, tạo ra giá trị cho các bên hữu quan và đóng góp cho mục tiêu phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu.
Tập đoàn PAN được vinh danh trong TOP 50 doanh nghiệp phát triển bền vững năm 2024 do Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư bình chọn. |
Theo chia sẻ của doanh nghiệp, hoạt động phát triển bền vững ở PAN được quản trị theo mô hình ba cấp. Cao nhất là Tiểu ban PTBV trực thuộc HĐQT, chịu trách nhiệm tham mưu cho HĐQT những chiến lược và kế hoạch phù hợp với định hướng phát triển bền vững. Người đứng đầu tiểu ban là Tổng giám đốc Tập đoàn.
Dưới Tiểu ban PTBV, Ban chỉ đạo PTBV có vai trò chủ trì và đảm bảo quản lý hiệu quả về phát triển bền vững trong Tập đoàn. Thành viên Ban chỉ đạo có Tổng giám đốc và ba thành viên đại diện cho các lĩnh vực kinh doanh mũi nhọn, bao gồm nông nghiệp, thuỷ sản, và chế biến thực phẩm.
Cấp thứ ba là bộ phận PTBV, chuyên trách phối hợp cùng các điều phối viên PTBV tại mỗi công ty thành viên, thực thi hoạt động phát triển bền vững trong quản trị, sản xuất và kinh doanh.
Sau hơn 10 năm triển khai hoạt động quản trị bền vững, PAN được biết đến là hệ sinh thái phát triển bền vững, từ những công ty doanh thu hàng nghìn tỉ/năm đến công ty chỉ vài chục, vài trăm tỉ đều đang trong lộ trình xây dựng, hoàn thiện chiến lược ESG của riêng mình.
Từ năm 2015 đến nay, Tập đoàn phát hành báo cáo Phát triển bền vững độc lập hàng năm và là một trong những công ty niêm yết đầu tiên thực hiện thông lệ này. Điều này, theo bà Trà My là thể hiện sự nghiêm túc, minh bạch của doanh nghiệp trong thực hành ESG, “không phải là câu chuyện của giới nhà giàu hay chạy đua theo phong trào”.
Từ chiến lược đến thực hành “bền vững” nhất quán đã giúp PAN lọt vào mắt xanh của các các tổ chức quốc tế như IFC, quỹ TAEL Partners, GIC (quỹ đầu tư quốc gia Singapore), PYN Elite Fund, Sojitz Corporation… và huy động được 200 triệu USD từ các nhà đầu tư nước ngoài, qua nhiều hình thức khác nhau, trong đó giá trị vốn xanh khoảng 30 triệu USD.
“Đây là thành quả mà nhắc đến tôi hết sức tự hào. Rõ ràng nếu đầu tư bài bản, làm tốt thì mọi thứ tốt đẹp sẽ đến, tiền sẽ đến”, bà Trà My chia sẻ.
Dù được nhắc đến là một trong những doanh nghiệp có những thành công nhất định, PAN cho biết chiến lược phát triển bền vững vẫn tiếp diễn và không ngừng đổi mới, hướng đến Tập đoàn với toàn hệ sinh thái dẫn đầu trong thực hành ESG.
Để củng cố nội lực, Tập đoàn đã triển khai chương trình đánh giá phát triển bền vững Tập đoàn PAN 2023 (PANSI 2023) áp dụng trên toàn hệ thống giúp nâng cao nhận thức và hành động ESG trong doanh nghiệp. Đồng thời, ban hành Bộ chỉ số PTBV gồm 18 chỉ số liên quan đến sản phẩm, dịch vụ; tài chính; năng lượng – môi trường, lao động – xã hội, hoạt động cộng đồng.
PTBV phải là chuẩn mực trong vận hành doanh nghiệp
Ngoài hạng mục tinh thần lãnh đạo ESG, Tập đoàn PAN còn gây ấn tượng Hội đồng thẩm định CSA với khả năng tối ưu nguyên liệu bền vững và nhiều hoạt động CSR nổi bật.
Dấu ấn bền vững của PAN được thể hiện rõ trong ngành nông nghiệp qua các dự án sử dụng nguyên liệu trong nước, liên kết với hàng trăm hợp tác xã, hàng chục nghìn nông dân trên toàn quốc, sản xuất lúa, cà phê, hạt điều chất lượng cao, phát thải thấp ở Vinaseed, Lafooco, Bibica, SHIN Cà Phê...
Ngoài ra, có thể kể đến câu chuyện tái sử dụng đầu/vỏ tôm làm nguyên liệu chế biến chitin và chitosan ở Fimex VN; dùng bùn thải nuôi trùn quế, làm thức ăn cho cá tra ở Aquatex Bentre; tái chế bánh phế liệu làm thức ăn chăn nuôi, vỏ trứng làm phân bón ở Bibica.
Trong sử dụng năng lượng, các thành viên của PAN sẽ loại bỏ 100% than đá trong năm 2024 và tăng cường sử dụng nguyên liệu sinh khối, điện mặt trời... Những hành động này không chỉ giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, mà còn đồng hành với mục tiêu lớn của quốc gia, Net Zero vào năm 2050.
Tập đoàn PAN nỗ lực tạo ra môi trường làm việc hạnh phúc, công bằng, bình đẳng cho hơn 11.000 người lao động. |
Là doanh nghiệp có hơn 11.000 người lao động, Tập đoàn PAN xây dựng môi trường làm việc đa dạng, công bằng, bình đẳng, tất cả thành viên đều được đảm bảo điều kiện lao động, cơ hội phát triển và thăng tiến như nhau.
Thực tế, mức lương trung bình của nam, nữ đều được tăng đều đặn hàng năm, mức lương trung bình cao hơn gấp 1,45 lần so với mức lương tối thiểu vùng phản ánh sự cam kết của công ty đối với việc tạo ra một môi trường làm việc công bằng và bền vững.
Ngoài ra, hằng năm, các công ty của Tập đoàn đều phân bổ kinh phí cho việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, đào tạo cho người lao động trước khi chuyển vị trí, lĩnh vực làm việc.
Đối với các hoạt động CSR, một dấu ấn nổi bật khác trong giai đoạn 2020-2023 là Tập đoàn đã trồng 555.163 cây trên tổng diện tích 1.200 ha tại 9 tỉnh thành, số người hưởng lợi khoảng 6.365 người. Đến năm 2030, PAN sẽ hoàn thành dự án “Nguồn sống Lâm sinh”, trồng 1 triệu cây xanh.
Luôn lấy con người làm trung tâm, mỗi năm PAN cũng dành nguồn kinh phí gần 10 tỉ đồng cho các hoạt động hỗ trợ cộng đồng. Gần đây nhất là tài trợ học bổng với tổng giá trị 3 tỉ đồng cho các đại học trong lĩnh vực nông nghiệp trong 3 năm.
Hành trình phát triển bền vững ở Tập đoàn PAN sẽ không có điểm dừng, lãnh đạo Tập đoàn khẳng định PAN không chỉ tạo ra những sản phẩm tốt nhất cho cộng đồng, mà luôn nỗ lực mang đến một cuộc sống tốt hơn cho người lao động, cho nông dân, gia tăng lợi ích cho các bên tham gia như cổ đông, đối tác…
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Lam Ngọc
-
Minh Đức
-
Trọng Hoàng