Hủy
Doanh Nghiệp

Tôn Hoa Sen sẽ tiếp tục đầu cơ nguyên vật liệu?

Phạm Vũ Thứ Năm | 30/01/2020 07:33

Ảnh: Tinnhanhchungkhoan.

Theo nhận định của Công ty chứng khoán MB (MBS), Tôn Hoa Sen sẽ tiếp tục đầu cơ nguyên vật liệu trong những năm tới…
 

Trong báo cáo chiến lược năm 2020, MBS cho biết mặc dù trong 2019 Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG) đầu cơ nguyên vật liệu không thành công, tuy nhiên Công ty chứng khoán này cho rằng Tôn Hoa Sen vẫn sẽ tiếp tục hoạt động này trong các năm tới.

Cơ sở để MBS đưa ra nhận định này đến từ phát biểu của Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen, ông Lê Phước Vũ “Từ trước đến nay 50% lợi nhuận HSG đến từ đầu cơ nguyên liệu, và sẽ tiếp tục như vậy".

Nói về kết quả kinh doanh, năm 2019, Hoa Sen ghi nhận hơn 28.000 tỷ đồng doanh thu và hơn 361 tỷ đồng lãi sau thuế, giảm lần lượt 19% và 12% so với năm 2018.

 

Theo đánh giá của MBS, những con số này đều kém xa so với kế hoạch 2019 với doanh thu 31.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 500 tỷ đồng. Công ty chứng khoán này cũng đánh giá kế hoạch lợi nhuận của Hoa Sen trong năm 2019 là khá tham vọng, trong tình hình cạnh tranh trong ngành tăng gay gắt (các doanh nghiệp đều tăng công suất và sự tham gia của Tập đoàn Hòa Phát) và hoạt động xuất khẩu ngày càng khó khăn hơn với xu hướng bảo hộ gia tăng trên thế giới.

Về tình hình nợ vay, nợ vay ngắn hạn của Công ty đã giảm đáng kể từ mức 10.880 tỷ đồng về mức 6.706 tỷ đồng, nợ vay dài hạn giảm từ 3.462 tỷ đồng về 2.986 tỷ đồng trong năm 2019.

Nguồn: MBS.
Nguồn: MBS.

MBS đánh giá, Hoa Sen hiện vẫn là công ty dẫn đầu thị trường tôn mạ tại Việt Nam. HSG phát triển kênh phân phối riêng nhằm tối đa hóa doanh số bán hàng trong nước và trực tiếp kiểm soát giá bán tới người dùng cuối. Thị trường tôn mạ tại Việt Nam vẫn có triển vọng tiêu thụ dài hạn tốt, do tốc độ đô thị hóa cao.

Tuy nhiên, doanh nghiệp có thể chịu những rủi ro chung của ngành thép như tính chất chu kỳ của giá cả hàng hóa thép; áp lực từ thặng dư cung toàn cầu, đặc biệt là Trung Quốc và cạnh tranh gia tăng tại địa phương do các đối thủ cạnh tranh tăng năng lực.

Ngoài ra, theo MBS, Tập đoàn Hoa Sen cũng chịu những rủi ro về quản trị doanh nghiệp do công ty có quy mô không lớn, sức khỏe tài chính không ổn định và giao dịch nhiều với các bên liên quan.

Cụ thể, tỷ lệ nợ / vốn chủ sở hữu gần 2 lần, dòng tiền chịu rủi ro do chi phí cho việc duy trì hệ thống bán hàng, phụ thuộc vào giá hàng hóa thép cán nóng (HRC) nhập khẩu.  Rủi ro dài hạn từ việc Tập đoàn Hòa Phát (HPG) tham gia cạnh tranh tại thị trường tôn mạ trong nước, có chuỗi giá trị chủ động từ khâu sản xuất HRC.

Thêm vào đó, Hoa Sen thực hiện đầu cơ giá nguyên vật liệu khiến kết quả kinh doanh biến động rất mạnh qua các năm.

Bên cạnh kết quả kinh doanh biến động, giá cổ phiếu HSG cũng biến động rất mạnh so với diễn biến của thị trường chung. 

Cụ thể, theo thống kê của MBS đến tháng 12/2019, khi VN-Index giảm 3% trong 12 tháng thì giá cổ phiếu HSG giảm tới 33%. 

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của năm Đinh Hợi, cổ phiếu HSG đóng cửa tại mức giá 8.980 đồng/cổ phiếu. 

►Tôn Hoa Sen: Mục tiêu hàng đầu là đảm bảo lợi nhuận, khi nào lãi 1.000 tỷ đồng còn phụ thuộc vào thị trường

►Chủ tịch Lê Phước Vũ vung tiền mua 3 triệu cổ phiếu Hoa Sen


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới