Hủy
Doanh Nghiệp

Trợ lực của Phú Tài

Vũ Hoài Thứ Tư | 16/12/2020 13:30

Khác với 2 mảng kinh doanh còn lại, mảng ô tô của Phú Tài chịu tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19. Ảnh: TL

Dịch bệnh dần khống chế sẽ giúp cho các mảng kinh doanh của Phú Tài cải thiện trong năm 2021.
 

Tiền thân là một doanh nghiệp nhà nước, Công ty Cổ phần Phú Tài (PTB) hoạt động trong 3 lĩnh vực chính là gỗ, đá và ô tô. Đối với mảng gỗ, Phú Tài xuất khẩu gỗ và cả kinh doanh gỗ nguyên liệu. Phú Tài hiện sở hữu 4 nhà máy gỗ, sản xuất cả đồ gỗ nội thất lẫn ngoại thất. Gỗ chủ yếu được bán sang Mỹ, EU và Nhật, với đơn hàng dự báo sẽ gia tăng do hưởng lợi từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và nhờ tác động của các hiệp định CPTPP,  EVFTA và VPA/FLEGT có hiệu lực. Xa hơn, Công ty đặt mục tiêu vào top dẫn đầu của ngành gỗ Việt Nam (trừ doanh nghiệp FDI).

Trong 9 tháng đầu năm 2020, lợi nhuận gộp mảng gỗ tăng hơn 50% so với cùng kỳ khi gỗ nội thất xuất khẩu tăng mạnh. Điều này được dẫn dắt bởi nhu cầu mua sắm trực tuyến mạnh tại Mỹ trong bối cảnh áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội.

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Mirae Asset, mảng kinh doanh gỗ của Phú Tài sẽ hưởng lợi từ các chính sách thuế của Mỹ (việc Mỹ áp thuế 25% đối với hầu hết các mặt hàng gỗ của Trung Quốc vào thị trường này đã khiến cho thị phần nhập khẩu từ Trung Quốc từ 57% xuống còn khoảng 50% trong năm 2019) và Hiệp định EVFTA tạo cơ hội tăng trưởng xuất khẩu ngành gỗ.

 

Ở mảng đá, Phú Tài hiện sở hữu 11 mỏ đá, 7 nhà máy sản xuất ốp lát và 1 đơn vị sản xuất đá xây dựng, với tổng công suất chế biến đá ốp lát hơn 6,5 triệu m2/năm. Hầu hết các mỏ đá còn thời gian khai thác từ 11-20 năm với trữ lượng đạt khoảng trên 53,5 triệu m3. Công ty nhắm tới phân khúc rẻ hơn so với sản phẩm của Vicostone, với thị trường chính là Mỹ, Úc. Bên cạnh đó, Phú Tài cũng tiếp tục triển khai M&A nhằm tích lũy thêm mỏ đá khai thác (Thành Châu, Sơn Phát) và chủ trương đẩy mạnh tiến độ các thủ tục pháp lý liên quan giấy phép khai thác mỏ đá đen.

Khác với 2 mảng kinh doanh còn lại, mảng ô tô của Phú Tài chịu tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19. Doanh thu mảng bán ô tô giảm mạnh do ảnh hưởng bởi dư cung trong giai đoạn dịch bệnh, ước đạt 757 tỉ đồng trong 9 tháng đầu năm 2020,  giảm 47% so với cùng kỳ.

Trong 9 tháng đầu năm 2020, Phú Tài đạt hơn 4.014 tỉ đồng doanh thu, tăng 3,4% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại giảm hơn 19%, đạt trên 256,2 tỉ đồng. Cả năm 2020, Mirae Asset ước tính doanh thu của Phú Tài ở mức 5.693 tỉ đồng, tăng 2,6% so với năm 2019. Lợi nhuận sau thuế ước đạt 356 tỉ đồng, giảm 22%.

Mirae Asset cho rằng dịch bệnh dần khống chế sẽ giúp cho các mảng kinh doanh của Phú Tài cải thiện trong năm 2021 với kỳ vọng doanh thu ước đạt 6.490 tỉ đồng (tăng 14%) và lợi nhuận sau thuế đạt 456 tỉ đồng (tăng 28,1%).

Trên phương diện đầu tư, Mirae Asset đánh giá tích cực đối với cổ phiếu PTB trong dài hạn với mức EPS dự phóng cho năm 2021 là 9.900 đồng/cổ phiếu, P/E dự phóng đạt 6,1 lần, thấp hơn mức trung bình của cổ phiếu trong 5 năm.

 

Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cũng đưa ra đánh giá tích cực đối với cổ phiếu PTB. Theo dự phóng của VCSC, P/E cốt lõi năm 2021 của Phú Tài ở mức 8,8 lần, so với P/E trượt trung bình 5 năm của các công ty cùng ngành là 11,6 lần. Theo quan điểm của VCSC, mức chiết khấu này đến từ cơ cấu đa ngành và dòng tiền tự do thấp của Phú Tài.

Về diễn biến chung, thị trường chứng khoán  Việt Nam đã trải qua một nhịp tăng dài từ cuối tháng 7 đến nay và chịu áp lực khi chỉ số P/E của VN-Index ở mức 16 lần (ngày 27.11.2020), cao hơn mức trung bình 5 năm gần nhất.

Ảnh: vnr500.com.vn
Theo dự phóng của VCSC, P/E cốt lõi năm 2021 của Phú Tài ở mức 8,8 lần, so với P/E trượt trung bình 5 năm của các công ty cùng ngành là 11,6 lần. Ảnh: vnr500.com.vn

Theo đánh giá của ông Lê Vương Hùng, Giám đốc Khối Môi giới Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Rồng Việt, trong giai đoạn 5 năm (2015-2020), có 3 năm đầu là thị trường chứng khoán Việt Nam đạt mức tăng mạnh, chạm ngưỡng 1.200 điểm hồi tháng 4.2018. Sau đó, thị trường đã có khoảng thời gian chững lại và đến năm 2020 mới hồi phục. Do vậy, chỉ số P/E tăng cao cũng không phải là điều bất thường.

Thêm vào đó, trong năm 2020, dưới tác động của đại dịch COVID-19, EPS của các doanh nghiệp đã giảm tương đối nhiều. Vì thế, khi điểm số của VN-Index tăng đã khiến chỉ số P/E trailing tăng lên. “Trong thời gian tới, với sự khởi sắc của nền kinh tế, EPS của các doanh nghiệp cũng sẽ phục hồi. Nếu thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục duy trì ở mặt bằng giá này thì chỉ số P/E cũng có sự thay đổi”, ông Hùng nhìn nhận.

Theo ông Hùng, tăng trưởng của thị trường chứng khoán dựa vào nền tảng của các doanh nghiệp niêm yết. Dự báo, trong tương lai các doanh nghiệp sẽ đạt được mức tăng trưởng tốt, từ đó trở thành động lực thúc đẩy thị trường. Ông Hùng nói thêm, bối cảnh lãi suất thấp cũng là trợ lực lớn đối với thị trường chứng khoán Việt Nam trong tương lai.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới